1. Khi bạn nói sự thật
Bạn hoàn toàn không cần xin lỗi vì nói sự thật, bởi các nhà tâm lý học tin rằng trung thực tốt hơn là tránh né vì sợ làm tổn thương người khác.
Đừng bắt đầu bày tỏ quan điểm thật của mình bằng câu xin lỗi, thay vì đó hãy nói "Tôi nghĩ" hoặc "Theo tôi thấy",... Nó sẽ khiến bạn trở thành một người đưa ra những lời khuyên luôn giá trị.
2. Khi bạn quá xúc động
"Cho người khác biết cảm xúc của bạn là giúp họ hiểu bạn" - Tác giả Donna Flagg của cuốn Surviving Dreaded Conversations cho biết.
Vậy nên tại sao bạn phải xin lỗi khi đó là người quan trọng với bạn? Ngược lại bạn cũng nên tìm cách hiểu cảm xúc của họ.
Bên cạnh đó, quá nhạy cảm cũng không phải lỗi sai. Tuy nhiên cần lưu ý bày tỏ cảm xúc trong hoàn cảnh thích hợp, ví dụ những cuộc họp nghiêm túc nên tránh tình huống này.
3. Khi bạn trông khác mọi ngày
Bạn có quyền xuất hiện với diện mạo khiến bạn thấy thoải mái nhất, và chẳng có lý do gì bạn phải xin lỗi.
Trừ những trường hợp đặc biệt, ví dụ có yêu cầu về trang phục, nếu không bạn không cần phải ăn mặc hay chải chuốt theo tiêu chuẩn của mọi người.
4. Khi bạn muốn ở một mình
Muốn ở một mình không phải lúc nào cũng là dấu hiệu tâm trạng bạn đang tệ. Theo nghiên cứu, con người cần có những khoảng thời gian cho chính mình "me-time" để tăng sự sáng tạo.
Do đó đừng bao giờ thấy tội lỗi khi không tham gia hoạt động tập thể nào đó. Bất kể lý do của bạn là gì, chỉ cần nghe theo cảm xúc và nhu cầu của mình là được.
5. Khi bạn đặt câu hỏi
Nhiều lúc chúng ta thấy ngại đặt câu hỏi vì sợ mình có vẻ ngớ ngẩn trong mắt người khác.
Tuy nhiên các chuyên gia cho rằng đây không phải thái độ đúng nếu bạn thực sự muốn thành công.
Đừng cảm thấy có lỗi nếu mình không hiểu vấn đề gì và đừng sợ hỏi để được giải thích rõ hơn hay được trợ giúp.
Nếu ai đó đánh giá bạn vì đặt câu hỏi thì anh ta là người có vấn đề chứ không phải bạn.
6. Khi bạn không phản hồi việc gì đó ngay lập tức
Sẽ có những người luôn cho rằng nhu cầu của mình quan trọng hơn người khác. Kiểu người này luôn đòi hỏi người khác đáp lại ngay email, tin nhắn của họ, mà không hiểu người khác còn bận rộn với nhiều việc khó khăn khác nhau.
Đừng thấy có lỗi vì không đáp ứng nổi những người như vậy. Nếu đó không phải tình huống khẩn cấp, hãy cho họ biết bạn sẽ không quên việc đó và sẽ phản hồi khi có thể.
7. Khi có những chuyện bạn không thể kiểm soát xảy ra
Có rất nhiều tình huống nằm ngoài tầm kiểm soát của bạn, ngay cả khi bạn đã lên kế hoạch hoàn hảo cho nó.
Nếu bạn tới trễ một cuộc gặp vì tắc đường, hay xảy ra lỗi kỹ thuật làm hỏng bài thuyết trình của bạn,... - đó là những điều luôn có khả năng xảy ra và bạn không thể nào chịu trách nhiệm cho cả thế giới.
Thay vì xin lỗi, hãy nói cảm ơn đối phương, để họ hiểu rằng bạn cũng bị ảnh hưởng bởi sự cố này và cố tìm một giải pháp giúp mọi người đều hài lòng.
8. Khi người khác cư xử bất lịch sự
Nhiều người có thói quen xin lỗi hộ hành vi bất lịch sự của một ai khác vì cảm thấy xấu hổ.
Hiện tượng này được gọi là "sự xấu hổ gián tiếp" (vicarious embarrassment), có liên quan đến những người hay đồng cảm với người khác.
Tuy nhiên bạn không cần thiết chịu trách nhiệm cho việc mà bạn không làm.
Bạn thường nói "xin lỗi" khi mình không thực sự có lỗi trong tình huống nào? Bạn có nghĩ mình nên thay đổi thói quen đó hay không?
(Theo Bright Side)
Hoàng NguyênBạn đang xem bài viết 8 tình huống bạn không nên nói 'xin lỗi' và cách xử lý khôn ngoan hơn tại chuyên mục Kỹ năng sống của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].