7 biểu hiện ban đầu của bệnh đái tháo đường
- Mệt mỏi thường xuyên, hay bị tỉnh giấc giữa đêm;
- Tiểu nhiều, khát nước nhiều;
- Nhanh đói, giảm cân không kiểm soát, không rõ lý do;
- Vết thương lâu lành, đặc biệt nếu không may bị nhiễm trùng, xước, thâm tím, vết thương khó lành hơn mức độ bình thường;
- Mắc các bệnh về da, da có cảm giác ngứa, da bị khô hoặc tuần hoàn kém;
- Mờ mắt;
- Dễ bị cảm cúm và cảm lạnh do hệ thống miễn dịch bị suy yếu…
Đây là những biểu hiện ban đầu, dễ nhận biết của bệnh đái tháo đường nhưng nhiều người lại bỏ qua, chỉ đến khi có biểu hiện khát nhiều, uống nhiều, tiểu nhiều, gầy sút cân thì mới đi khám. Vậy nên khi được phát hiện bệnh thì chỉ số đường máu rất cao, nhiều người phải nhập viện điều trị.
Theo khuyến cáo của bác sĩ BV Bãi Cháy, bệnh đái tháo đường khi phát hiện muộn rất nguy hiểm với những biến chứng nặng ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí tính mạng của bệnh nhân như: bệnh võng mạc, nhiễm trùng da, biến chứng về bệnh lý bàn chân đái tháo đường có thể loét, cắt cụt chi, tổn thương thần kinh, bệnh thận, bệnh tim mạch như tăng huyết áp, cơn đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim, xơ vữa mạch, đột quỵ… Đái tháo đường thai kỳ có thể nguy cơ những lần mang thai sau có thể đái tháo đường hoặc chuyển sang đái tháo đường vĩnh viễn, có thể thai lưu, tiền sản giật, nặng nề hơn là thai nhi có thể tử vong.
Cách tốt nhất để phát hiện sớm bệnh đái tháo đường là đi khám sức khỏe định kỳ và xét nghiệm đường máu lúc đói. Khi xét nghiệm đường máu lúc đói phải nhịn ăn ít nhất 10 tiếng để xét nghiệm chuẩn xác.
Điều trị đái tháo đường sao cho hiệu quả?
Hiện, phương pháp chính để điều trị đái tháo đường là kết hợp “bộ ba” thuốc điều trị - chế độ dinh dưỡng – tập luyện.
Đối với người bị đái tháo đường tuyp 1, tuyp 2 có thể điều trị bằng thuốc hoặc tiêm Insulin là liệu pháp bắt buộc kết hợp theo dõi glucose máu thường xuyên để hạn chế sự tiến triển của bệnh.
Bên cạnh việc dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, người bị đái tháo đườg cần tuân thủ chế độ dinh dưỡng hợp lý, kết hợp với tập luyện thể dục phù hợp với thể trạng để kiểm soát đường huyết và đảm bảo sức khoẻ tốt.
Theo đó, chế độ ăn đối với bệnh nhân đái tháo đường cần cung cấp đủ năng lượng, chất xơ, khoáng, vitamin. Năng lượng gồm các loại thịt, tránh thịt mỡ, bỏ da, bổ sung thêm ngũ cốc, gạo nguyên cám. Tránh sử dụng đồ uống có thể gây tăng đường máu ở bệnh nhân như nước ép hoa quả, rượu, bia, cafein…
Người bệnh đái tháo đường cần kiểm tra đường huyết thường xuyên định kỳ tại các cơ sở y tế có bác sĩ chuyên khoa. Mỗi bệnh nhân nên có 1 máy đo đường huyết cá nhân để kiểm tra đường huyết, theo dõi, nếu quá cao hoặc quá thấp thì cần đến cơ sở y tế và tuân thủ chế độ điều trị hợp lý, uống thuốc đúng giờ, đúng chỉ định của bác sĩ. và không tự ý mua thuốc ngoài.
Không tự ý bỏ thuốc, không nên dùng các bài thuốc dân gian, không nên bỏ bữa, không nên ăn quá no, không nên quá kiêng và ăn đói để tránh đường huyết tăng sau bữa ăn hoặc gây hạ đường huyết sau bữa ăn.
Theo kết quả điều tra của Bộ Y tế năm 2021 cho thấy tỷ lệ mắc đái tháo đường ở người trưởng thành ước tính là 7,1%, tương đương với khoảng gần 5 triệu người đang mắc bệnh đái tháo đường.
Trong đó, số đã được chẩn đoán chỉ chiếm khoảng 35% và số đang được quản lý, điều trị tại các cơ sở y tế chiếm 23,3%. Theo dự báo, số mắc đái tháo đường của Việt Nam cũng như toàn thế giới sẽ tiếp tục tăng nhanh trong những năm tới.
Đái tháo đường là một trong những nguyên nhân phổ biến gây tàn tật và tử vong sớm ở hầu hết các quốc gia và là nguyên nhân hàng đầu gây mù loà, bệnh tim mạch, suy thận và viêm loét chân phải cắt cụt.
Nguyên nhân gây ra đái tháo đường rất phức tạp, nhưng phần lớn là do thừa cân, béo phì và thiếu hoạt động thể lực. Việc thực hiện lối sống lành mạnh sẽ giúp phòng ngừa mắc đái tháo đường tới 70% số trường hợp. Đồng thời, chẩn đoán và điều trị sớm chính là chìa khóa để phòng hoặc làm chậm các biến chứng nguy hiểm do bệnh đái tháo đường gây ra.
An AnBạn đang xem bài viết 7 biểu hiện dễ nhận biết nhất của bệnh đái tháo đường tại chuyên mục Tin y tế của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].