1. Quên rằng không gian chung không chỉ có mình bạn
Khi ở nơi công cộng, nhiều người dường như quên mất rằng không gian này không chỉ có mình họ.
Các phép lịch sự khi tương tác với mọi người dường như đang dần bị xem nhẹ, ví dụ như:
+ giữ cửa/thang máy cho người sau, kể cả người lạ.
+ ăn mặc phù hợp hoàn cảnh.
+ nói chuyện với người lạ ngồi bên cạnh trong chuyến bay và không phớt lờ như thể họ không tồn tại.
+ đối xử với nhân viên phục vụ và thu ngân như cách bạn muốn được họ đối xử.
+ nhường ghế cho người cần hơn bất kể tuổi tác, giới tính.
+ bấm nút giúp người khác trong thang máy khi bạn đứng gần bảng điều khiển....
+ không làm phiền người xung quanh như nói chuyện điện thoại trong không gian hạn chế, ví dụ thang máy, phòng chờ công cộng, nhà hàng,...
Hãy hình dung cuộc sống như một chuyến tàu. Chúng ta không phải đang ngồi trên ô tô riêng, chúng ta dùng chung không gian với các hàng khách khác, do đó chúng ta cần chia sẻ với họ sự tử tế, sự tôn trọng, một nụ cười, một ánh mắt, một vài lời chào hỏi, một bàn tay giúp đỡ, để chúng ta trở thành làn gió mát lành với những hành khách khác khi đang trên chuyến tàu trong một ngày nóng nực.
2. Quên thể hiện lòng biết ơn
Khi không có lòng biết ơn, chúng ta dễ có tâm lý tự cho rằng mình có quyền hưởng điều gì.
Chúng ta nhận được điều tốt từ người khác, chúng ta cảm ơn họ, và dường như đó là việc chúng ta làm hàng ngày.
Nhưng rồi đến một hôm, chúng ta cảm thấy việc đó đã quá lâu rồi và thật kỳ quặc khi nói lời cảm ơn. Và từ đó, cảm ơn không còn là việc chúng ta làm hàng ngày.
Dần dần, tâm lý của chúng ta dễ coi việc làm tốt của người khác với mình là nghiễm nhiên thay vì biết ơn họ.
Lòng biết ơn không chỉ là một phép xã giao tốt đẹp hay một phép lịch sự bắt buộc.
Mà nó là cánh cửa mở ra một cuộc sống mãn nguyện.
Đó không chỉ là lòng biết ơn về những gì người khác đã làm cho chúng ta, mà còn là sự biết ơn về tất cả những gì chúng ta có.
Nếu hiện tại bạn đang trải qua một giai đoạn khó khăn trong cuộc sống và cảm thấy khó có thể biết ơn hoàn cảnh hiện tại của mình, hãy thử làm điều này: hãy biết ơn những gì bạn không có, những khó khăn bạn không phải trải qua như nhiều số phận kém may mắn hơn.
Khi trái tim của chúng ta tràn đầy lòng biết ơn, chúng ta sẽ thu hoạch được tinh thần ngọt ngào, hạnh phúc nhất.
Sự biết ơn thay đổi cách sống của chúng ta.
3. Quên rằng chúng ta đang ở cùng ai
Thời đại công nghệ khiến chúng ta dễ mất tập trung. Chúng ta nhìn vào điện thoại, lướt thật nhanh trên màn hình và rồi thấy một đường link đến một bài viết, với những bức ảnh và thông tin về đám cưới tiền tỷ của một siêu sao nào đó. Chúng ta đắm chìm vào đó và tiếp tục đọc các bài viết, xem các video khác cập nhật liên tục về đám cưới này...
Có rất nhiều lý do khiến chúng ta lên mạng. Nhưng chúng ta cũng cần dành thời gian, không gian cho những việc khác.
Ví dụ, nếu bạn đã đồng ý cuộc hẹn với một người bạn, thì hãy dành tất cả sự chú ý cho đối phương trong cuộc gặp. Đây không phải một lời hứa cần nói ra mà là điều tất yếu sau khi bạn đã đồng ý ở cùng người khác.
Mọi người sẽ nhận ra ngay khi có ai đó mất tập trung. Khi bạn nên dành sự tập trung cho một người, bạn không thể việc khác cùng lúc đó. Vì nếu làm vậy, bạn sẽ thể hiện là mình không hứng thú với họ.
Đây là lỗi cư xử rất lớn mà thường xảy ra trong thời đại ngày nay.
Chúng ta có thể lên mạng bất cứ lúc nào. Nhưng chúng ta không thể lấy lại thời gian đã bỏ lỡ với người bị chúng ta bỏ quên.
4. Quên rằng chúng ta không nên tự suy diễn
Trừ khi ai đó đã tự chứng minh họ không đáng tin cậy, nếu không chúng ta nên nghĩ theo hướng tốt nhất.
Bạn thấy vài người đang thì thầm với nhau, dù họ không nên làm vậy, nhưng đừng tự cho rằng họ đang thì thầm nói xấu bạn.
Một người bạn chưa trả lời cuộc gọi hay tin nhắn của bạn, đừng tự suy diễn rằng người đó không thích bạn, hãy thử gọi lại vào hôm khác.
Sếp chưa cảm ơn bạn khi bạn hoàn thành làm tốt công việc, đừng tự suy diễn rằng sếp thấy bạn không làm tốt, mà hãy hỏi thẳng sếp có hài lòng với kết quả của bạn không.
Chồng/vợ bạn có vẻ xa cách, đừng tự suy diễn đối phương có người khác, hãy hỏi thăm xem anh ấy/cô ấy đang có chuyện gì và bạn có thể giúp gì được hay không.
Bạn có biết, nguyên tắc đầu tiên trong cư xử là không bao giờ tự suy diễn. Vì tự suy diễn sẽ dẫn đến tự cho là đúng.
Chúng ta tự suy diễn chúng ta biết người khác muốn gì, cần gì, khao khát điều gì. Thế nhưng, đa số mọi người còn không chắc chắn với bản thân, thì làm sao chúng ta có thể biết được?
Đừng tự cho rằng khách của bạn (không) đói bụng hay khát nước, hãy hỏi họ.
Đừng tự cho rằng con bạn muốn bữa tiệc sinh nhật chủ đề Spider-man hay Elsa, hãy hỏi con.
Đừng tự cho rằng bạn bè của bạn muốn cùng bạn đi xem bộ phim siêu anh hùng năm nay vì năm ngoái các bạn đã cùng đi xem, hãy hỏi họ.
Hãy hỏi để không phải tự suy diễn, lo âu hay vô tình tự suy diễn không chính xác và đặt người khác vào tình huống trớ trêu, khó chịu.
Hỏi thể hiện bạn quan tâm và bạn muốn cho họ những điều họ muốn.
5. Quên rằng bạn có thể phản đối người khác mà không cần gắt gỏng, khó chịu
Trong thời đại mạng xã hội ngày nay, chúng ta có thể bắt gặp mọi người cãi nhau trên mạng về đủ các vấn đề, từ chính trị, thể thao, thần tượng,...
Tất nhiên, ai cũng có thể có quan điểm và phản đối người khác trong một vấn đề nào đó. Nhưng đừng phản đối bằng cách chửi bới và xúc phạm nhau bằng lời nói.
Hãy nhớ rằng bạn có thể phản biện một cách văn minh, lịch sự thay vì gắt gỏng, khó chịu, thậm chí là miệt thị, mạt sát người có quan điểm bất đồng với mình.
(Theo Maralee McKee)
Hoàng NguyênBạn đang xem bài viết 5 sai lầm lớn nhất trong cách cư xử khiến bạn mất điểm trầm trọng trong mắt người khác tại chuyên mục Kỹ năng sống của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].