5 đối tượng dễ mắc ung thư dạ dày
Theo khuyến cáo của Bệnh viện K, có 5 đối tượng dễ mắc bệnh ung thư dạ dày. Vậy nên những người này cần phải cảnh giác và nên khám tầm soát sớm căn bệnh nguy hiểm này.
1. Người nhiễm vi khuẩn H.P
Vi khuẩn H.P (Helicobacter pylori) sống trong dạ dày, dưới lớp nhầy niêm mạc dạ dày, sát cạnh các tế bào biểu mô, không xâm nhập các mô. Vi khuẩn H.P còn sản xuất ra catalase, protease, ngoại độc tố, các chất này gây bệnh cho niêm mạc dạ dày, làm tổn thương niêm mạc dạ dày, gây viêm dạ dày hoặc loét dạ dày tá tràng. Ở một số người nếu vi khuẩn ở trong dạ dày thời gian dài nhiều năm có thể gây ung thư dạ dày.
2. Người nghiện thuốc lá
Hút thuốc lá làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày lên tới 40%, thậm chí tới 82% ở người nghiện thuốc nặng so với người không hút thuốc lá.
3. Người hay ăn mặn, ăn quá nhiều thực phẩm chế biến sẵn
Thói quen ăn quá mặn, ăn nhiều thực phẩm hun khói, các loại thịt đỏ, thịt đã qua nhiều công đoạn chế biến, rau quả ngâm dấm cũng làm tăng nguy cơ mắc ung thư dạ dày.
4. Gia đình có người mắc ung thư dạ dày
Có khoảng 10% số ca ung thư dạ dày có tính chất gia đình hay có liên quan đến gen. Nếu trong gia đình nào có bố mẹ hay anh chị em ruột bị ung thư dạ dày thì nguy cơ các thành viên khác trong gia đình mắc ung thư dạ dày cao hơn những gia đình bình thường khác.
5. Người thừa cân, béo phì
Thừa cân, béo phì cũng là một yếu tố nguy cơ của ung thư dạ dày do hiện tượng trào ngược dạ dày - thực quản hay xảy ra ở những người quá thừa cân. Tình trạng trào ngược dạ dày - thực quản gây ra một tình trạng viêm mạn tính và có thể khiến cho ung thư dạ dày xuất hiện.
Những dấu hiệu phải đi khám sớm ung thư dạ dày
- Đau, đầy tức bụng là một trong những dấu hiệu mà người bị ung thư dạ dày thường gặp phải. Vậy nên, cần cảnh giác với dấu hiệu này để đi khám sớm.
- Chán ăn cũng là dấu hiệu cảnh báo ung thư dạ dày. Bởi nếu có khối u ở dạ dày thì cũng có thể là nguyên nhân khiến người bệnh chán ăn. Mà các khối u này chính là yếu tố nguy cơ ung thư dạ dày, do đó không được chủ quan.
- Mệt mỏi, sút cân chưa rõ nguyên nhân
- Những người khi nôn có lẫn máu thì cũng nên suy xét đến khả năng ung thư dạ dày. Nên đi khám sớm để sàng lọc và điều trị bệnh.
- Ợ chua, đầy bụng sau khi ăn có thể là dấu hiệu của bệnh ung thư (thường liên quan đến đau bụng hoặc đau vùng thượng vị) hoặc là yếu tố nguy cơ ung thư.
- Đi ngoài phân màu bất thường (phân đen hoặc trong phân thường xuyên có máu) thì cần đi thăm khám sớm vì rất có thể bạn đã mắc ung thư dạ dày.
Bạn đang xem bài viết 5 đối tượng dễ mắc ung thư dạ dày, thấy những dấu hiệu này phải đi khám ngay kẻo muộn tại chuyên mục Tin y tế của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].