Ung thư vòm họng là gì?
Ung thư vòm họng là bệnh lý ác tính phát sinh từ các tế bào ở vùng vòm họng - phần cao nhất của hầu họng, ngay phía sau của mũi.
Bệnh phát triển tại họng làm người bệnh dễ nhầm lẫn với các bệnh lý đường hô hấp nên chủ quan, khi phát hiện bệnh thường đã ở giai đoạn muộn và diễn biến nhanh chóng.
Ung thư vòm mũi họng gặp chủ yếu loại ung thư biểu mô không biệt hóa của vòm mũi họng là một trong những loại ung thư phổ biến và mang tính khu vực.
Ung thư vòm họng thường xuất hiện ở nam giới. Đây cũng là dạng ung thư phổ biến nhất ở nước ta trong những năm gần đây.
Nguyên nhân gây ung thư vòm họng
Theo bác sĩ BV Ung Bướu Hà Nội, cho đến nay các nhà khoa học vẫn chưa xác định chính xác nguyên nhân dẫn đến ung thư vòng họng. Tuy nhiên, có một số yếu tố nguy cơ dẫn đến căn bệnh này gồm:
- Virus Epstein-Barr (EBV): Dựa trên sự tăng cao của kháng huyết thanh anti-EBV có trong máu của các bệnh nhân ung thư vòm họng và sự có mặt của ADN virus trong nhân các tế bào ung thư có thể thấy được vai trò quan trọng của virus này trong nguyên nhân gây bệnh.
- Yếu tố môi trường: Thức ăn giàu các chất nitrosamine (thịt muối, thịt hun khói….) dễ bay hơi là một tác nhân sinh ung thư đã được biết tới, gây ung thư biểu mô mũi, xoang trên thực nghiệm.
- Bất thường nhiễm sắc thể: Các nghiên cứu về biến đổi di truyền ở những bệnh nhân ung thư vòm mũi họng đã phát hiện những tổn thương trên các nhiễm sắc thể 3p, 9p, 11q, 13a, 14q và 16q có ảnh hưởng tới vùng chứa các gene ức chế hình thành u.
5 dấu hiệu cảnh báo bệnh ung thư vòm họng
Các triệu chứng lúc đầu của bệnh ung thư vòm họng thường xuất hiện ở một bên hay một vị trí, sau đó tăng dần. Các triệu chứng có thể gặp bao gồm:
- Xuất hiện hạch ở cổ: Vị trí hay gặp là hạch cổ vị trí góc hàm hoặc xuất hiện nhiều hạch ở 1 hay 2 bên cổ.
- Các triệu chứng ở tai: Thường biểu hiện 1 bên như nghe kém, ù tai hoặc hiếm gặp hơn là đau tai hay chảy dịch ở tai.
- Các triệu chứng mũi: Người bệnh thường có biểu hiện ngạt tắc mũi một hoặc 2 bên hoặc chảy máu mũi dai dẳng điều trị nội khoa không cải thiện
- Các triệu chứng thần kinh: Có biểu hiện nhìn đôi và lác trong, đau nửa mặt hoặc đau họng, đau đầu hoặc đau nửa đầu khi u xâm lấn nội sọ.
- Các triệu chứng ở mắt: Xâm lấn ổ mắt hiếm gặp, chủ yếu gặp lồi mắt hoặc liệt vận nhãn
Điều trị ung thư vòm họng thế nào?
Tùy thuộc vào từng giai đoạn của bệnh và tình trạng sức khỏe của bệnh nhân mà bác sĩ sẽ đưa ra các phác đồ điều trị phù hợp.
Hiện nay, phương pháp điều trị ung thư vòm họng phổ biến là xạ trị và hóa trị liệu. Đối với những bệnh nhân ung thư vòm họng ở giai đoạn cuối, việc điều trị chỉ có ý nghĩa nâng cao chất lượng sống cho bệnh nhân.
Trong quá trình chăm sóc bệnh nhân, nên cho bệnh nhân ăn các đồ ăn lỏng, dễ nuốt nhưng đảm bảo đầy đủ chất dinh dưỡng.
Sau khi thực hiện điều trị bằng xạ trị hoặc hóa trị liệu, bệnh nhân cần thường xuyên luyện tập há miệng và xoa bóp vùng cổ để giảm tác dụng phụ của các phương pháp điều trị kể trên.
Cách phòng tránh ung thư vòm họng
Hiện chưa xác định được rõ nguyên nhân gây ung thư vòm họng nên rất khó để đưa ra các biện pháp phòng tránh tốt nhất.
Tuy nhiên, dựa trên đối tượng mắc bệnh thường là những người hay uống rượu, hút thuốc hoặc ăn các đồ ăn lên men, các bác sĩ khuyến cáo, có thể phòng tránh bệnh ung thư vòm họng bằng 1 số lưu ý như sau:
- Kiêng hoàn toàn thuốc lá, rượu bia và các đồ uống có cồn, có gas.
- Không ăn thức ăn mặn, thức ăn chứa nhiều muối hoặc chế biến theo cách muối như thịt muối, cá muối, thức ăn lên men như dưa muối, cà muối…
- Không ăn đồ ăn quá nóng hoặc quá lạnh.
- Duy trì tập thể dục thể thao thường xuyên để tăng sức sức khỏe và tăng sức đề kháng cho cơ thể.
An AnBạn đang xem bài viết 5 dấu hiệu sớm của bệnh ung thư vòm họng, dễ nhầm với các bệnh viêm nhiễm vùng tai mũi họng tại chuyên mục Tin y tế của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].