4 đối tượng dễ mắc ung thư vòm họng
Theo các chuyên gia ung bướu, hiện chưa xác định được nguyên nhân chính xác gây ung thư vòm họng. Tuy nhiên, có 4 đối tượng dễ mắc loại bệnh ung thư nguy hiểm này.
1. Người hút thuốc lá
Hút thuốc là là thói quen xấu gây ra nhiều bệnh nguy hiểm, trong đó có ung thư vòm họng. Nhiều nghiên cứu khoa học đã chứng minh rằng việc không hút thuốc là có thể làm giảm được đáng kể nguy cơ gây nên ung thư vòm họng. Vậy nên, với những người đang hút thuốc lá, lời khuyên tốt nhất là bỏ thuốc trong thời gian sớm nhất để đảm bảo sức khỏe.
2. Người ăn nhiều thực phẩm lên men
Những người ăn nhiều các thực phẩm được chế biến theo phương thức lên men như: thịt muối, dưa muối, cà muối… có nguy cơ mắc ung thư cao hơn những người không ăn (ít ăn).
Bởi một số chất trong dưa muối, cà muối, đặc biệt là dưa cải muối (như kim chi) trong quá trình lên men các chất bị chuyển hóa, trong đó có nitrosamin chuyển hóa và ảnh hưởng đến đường tiêu hóa, nguy cơ cao gây ung thư đường tiêu hóa, ung thư vòm họng.
3. Người thường xuyên uống rượu, bia
Thói quen thường xuyên sử dụng đồ uống có cồn như bia, rượu… sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư nói chung và ung thư vòm họng nói riêng. Nguy cơ mắc các bệnh ung thư cao hơn nữa khi những người uống rượu kết hợp với sử dụng thuốc lá.
4. Người hay ăn thực phẩm chế biến sẵn
Các loại thực phẩm chế biến sẵn và được đóng hộp giữ được thời gian lâu hơn nhiều lần đồ ăn tươi. Tuy nhiên, để bảo quản được lâu ngày, những loại thực phẩm này thường được cho thêm nhiều loại hóa chất như chất bảo quản, chưa kể đến những thành phần gia vị muối, đường nhân tạo, chất tạo mùi, màu,… Và nếu thường xuyên ăn những thực phẩm chế biến sẵn sẽ có nguy cơ mắc nhiều căn bệnh ung thư nguy hiểm trong đó có ung thư vòm họng.
Làm gì để phòng tránh ung thư vòm họng?
Để phòng tránh ung thư vòm họng, mọi người cần lưu ý:
- Giảm thiểu tối đa các yếu tố nguy cơ liên quan đến môi trường như hút thuốc lá, uống rượu, thói quen ăn mặn hay sử dụng đồ hộp chế biến sẵn, giữ gìn vệ sinh môi trường sống và làm việc sạch sẽ; có đầy đủ trang thiết bị bảo hộ lao động khi làm việc trong môi trường hóa chất độc hại…
- Ăn uống lành mạnh, tập thể dục thường xuyên để nâng cao sức khỏe.
- Đặc biệt chú trọng việc tầm soát ung thư vòm họng bằng cách kiểm tra sức khỏe định kỳ, nội soi tai mũi họng 6 tháng/lần, nhất là những người có yếu tố nguy cơ… giúp phát hiện được tổn thương dạng khối vùng vòm với các hình thái điển hình như sùi, loét, thâm nhiễm hoặc kết hợp các tổn thương này, qua đó giúp phát hiện sớm ung thư ngay từ khi tổn thương còn nhỏ và khi người bệnh chưa có triệu chứng.
Bệnh ung thư vòm họng nếu được phát hiện sớm có tiên lượng khá tốt. Do đó, ngoài việc kiểm tra sức khỏe định kỳ, khi có các triệu chứng như đau đầu, chảy máu mũi, khó chịu 1 bên tai hay nổi hạch cổ, mọi người nên đến bệnh viện để được khám và chẩn đoán sớm để việc điều trị đạt kết quả tốt nhất, tránh ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.
An AnBạn đang xem bài viết 4 đối tượng dễ mắc ung thư vòm họng, cần làm gì để phòng tránh? tại chuyên mục Đời sống của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].