1. Mua quá nhiều đồ chơi cho trẻ
Trẻ nhỏ thường rất thích đồ chơi, vì thế nhiều cha mẹ thường mua rất nhiều đồ chơi cho trẻ. Đối với những đứa trẻ ở độ tuổi cấp 1 còn ham chơi, những món đồ chơi sẽ có sức "cám dỗ" mạnh mẽ, khiến trẻ dễ phân tâm trong lúc làm bài tập.
Vì thế, khi trẻ đã đến độ tuổi đi học, cha mẹ cần giảm bớt số lượng đồ chơi hoặc tách riêng không gian chơi và học tập của trẻ, giúp tư duy của trẻ không bị đồ chơi làm gián đoạn trong quá trình học và nâng cao hiệu quả học tập của trẻ.
2. Quan tâm trẻ mọi lúc
Trong lúc trẻ đang học bài hoặc đang chú tâm làm một việc gì đó, cha mẹ không nên nói những câu quan tâm như: "Con có nóng không?", "Con uống nước đi rồi học tiếp?"... Những câu nói này sẽ vô tình "cắt ngang" tư duy của trẻ, thậm chí có thể khiến trẻ quên đi mất mạch tư duy mà mình đang tập trung.
Khi thấy trẻ đang chuyên tâm học, cha mẹ không nên làm phiền mà hãy đợi đến khi trẻ giải lao để mang hoa quả hoặc nước cho con.
3. Tư duy thay cho trẻ
Nhiều cha mẹ trong lúc trẻ học bài, thường can thiệp bằng cách "giúp trẻ một tay", suy nghĩ giúp trẻ và thậm chí gần như "làm hộ" bài cho trẻ.
Khi con đang phân vân trước một bài toán khó, hay một món đồ lắp ghép phức tạp... cha mẹ hãy để trẻ có thời gian và cơ hội tự giải quyết. Đến khi trẻ nhờ đến sự trợ giúp của bố mẹ thì bạn mới nên can thiệp. Điều này sẽ giúp trẻ phát triển sự sáng tạo cũng như khả năng tập trung tư duy.
4. Thường xuyên nhân nhượng trẻ
Khi kèm trẻ học bài, nếu trẻ kêu mệt hoặc bài tập quá khó không thể giải quyết được, nhiều cha mẹ thường để trẻ nghỉ ngơi hoặc tạm thời bỏ qua bài tập đó.
Lâu dần, trẻ sẽ dễ "bỏ cuộc" khi gặp vấn đề khó, và không cố gắng tập trung tư duy giải quyết triệt để vấn đề.
Khi trẻ gặp khó khăn, cha mẹ nên khuyến khích trẻ cố gắng suy nghĩ thêm chút nữa, hoặc cho trẻ một vài gợi ý để trẻ có hứng thú cũng như tập trung hơn.
LamBạn đang xem bài viết 4 việc cha mẹ tưởng như vô hại nhưng lại khiến trẻ mất tập trung, giảm hiệu quả học tập tại chuyên mục Trẻ em của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].