Hiện nay, nhiều chị em nội trợ khi mua rau ngoài chợ đều rất lo lắng rau bị phun hóa chất vì không biết rõ nguồn gốc xuất xứ của rau mình mua. Do đó, để rau bớt đi lượng hóa chất, chị em đã truyền tai nhau một số cách rửa rau.
Sai lầm khi rửa rau
Tuy nhiên, nếu đang rửa rau theo 4 cách sau đây thì không mang lại hiệu quả gì trong việc giảm lượng hóa chất trong rau:
Ngâm rau trong nước quá lâu
Đây là một sai lầm khi rửa rau nhiều người mắc phải. Cách làm này không chỉ không có tác dụng với rau ngậm hóa chất mà còn làm mất rất nhiều dinh dưỡng trong rau. Hơn nữa, việc ngâm rau lâu trong nước có thể khiến các loại chất bảo quản thực vật thẩm thấu ngược lại vào rau ngay ra nguy hiểm.
Theo chuyên gia, thay vì ngâm bạn nên xối rau dưới vòi nước cho đến khi sau sạch hẳn. Đây là cách giúp loại bỏ chất bẩn và dư lượng thuốc trừ sâu, hạn chế khiến rau bị mất chất.
Rửa rau bằng nước vo gạo
Bên trong nước vo gạo chứa hàm lượng lớn các vitamin nhóm B như vitamin B1, vitamin B12. Cho nên nhiều nội trợ thường dùng nước vo gạo rửa rau và tin rằng vitamin nhóm B sẽ làm sạch rau một cách hiệu quả.
Rau được rửa sạch bằng nước vo gạo chỉ là do tâm lý người dùng vì trên thực tế, nước vo gạo chỉ có thể hòa tan hoặc làm sạch một phần nào đó đối với các loại rau quả tồn đọng một hàm lượng nhỏ chất bảo vệ thực vật mà không gây độc cấp tính.
Còn đối với những hóa chất đã ngấm sâu vào bên trong rau quả thì việc ngâm với nước vo gạo sẽ hoàn toàn không có tác dụng.
Bên cạnh đó, gạo còn có thể tồn dư thuốc trừ sâu, trứng côn trùng và các thành phần nguy hại khác. Vì thế nên ngâm rau quả với nước vo gạo còn có thể mang đến nhiều ảnh hưởng xấu với cơ thể.
Ngâm rau trong nước muối
Lâu nay, nhiều bà nội trợ vẫn có thói quen ngâm rau, củ quả bằng nước muối trước khi chế biến để khử độc, đảm bảo an toàn cho thực phẩm.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia khuyến cáo, đây là cách làm sai lầm bởi nước muối gần như “vô tác dụng” trong việc loại bỏ thuốc trừ sâu và hóa chất. Hiện nay chưa một dung dịch nào có thể loại trừ hoàn toàn thuốc trừ sâu, hóa chất bảo quản trên các loại rau, củ và các thực phẩm khác.
Đối với một số loại thuốc trừ sâu không thẩm thấu tức là chỉ bảo vệ ở bề mặt rau bên ngoài có thể loại bỏ hóa chất bằng cách rửa rau dưới vòi nước sạch nhiều lần.Riêng đối với những loại thuốc sâu tác dụng lên sâu bệnh theo cơ chế nội hấp (thuốc ngấm vào rau quả, con sâu ăn rau quả đó sẽ chết) thì buộc phải có thời gian cách ly để thuốc phân hủy hết chứ không có cách nào rửa sạch.
Ngâm với giấm
Nhiều người rửa rau bằng cách ngâm với giấm. Nhiều nghiên cứu cho thấy giấm giúp tiêu diệt vi khuẩn, virus, phá vỡ phấn, lông bên ngoài. Hỗn hợp giấm 10% sẽ giảm đến 90% vi khuẩn, chưa có nghiên cứu cho thấy giấm loại bỏ hoàn toàn thuốc trừ sâu.
Nếu rửa rau bằng giấm, bạn nên rửa lại bằng nước sạch một lần nữa.
Cách rửa rau củ đúng nhất
Theo các chuyên gia y tế, không có loại hóa chất nào khi ngâm rau, củ, quả có thể diệt được hết các ký sinh trùng, vi khuẩn. Cách rửa rau, củ, quả sạch nhất, bảo đảm nhất vẫn là rửa nhiều lần với nước sạch, dưới vòi nước.
Ngâm và rửa dưới vòi nước
Bạn ngâm rau trong nước sạch từ 15-30 phút, sau đó rửa dưới vòi nước chảy mạnh ít nhất 30 giây cho mỗi cọng rau, quả.
Nhiệt độ + Rửa
Phơi nắng: ánh nắng mặt trời làm cho lượng thuốc trừ sâu trên rau bị phá vỡ, phân giải. Để rau dưới ánh nắng mặt trời 5 phút, lượng thuốc trừ sâu tàn lưu trên rau như thủy ngân hữu cơ, clo hữu cơ giảm được khoảng 60%. Trước khi sử dụng rau củ, bạn nên đem chúng đi phơi nắng trong khoảng 7-10 phút.
Chần nước ấm: làm nóng ở nhiệt độ cao cũng làm cho thuốc trừ sâu phân giải, một số loại rau chịu nhiệt như súp lơ, đỗ, rau cần… sau khi rửa sạch, chần qua bằng nước nóng 2 phút làm cho lượng thuốc trừ sâu suy giảm 30%, sau đó nấu ở nhiệt độ cao, như vậy sẽ tẩy trừ được 90% lượng thuốc trừ sâu.
V.LinhBạn đang xem bài viết 4 sai lầm khi rửa rau nhiều chị em nội trợ mắc phải tại chuyên mục Đời sống của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].