Đột quỵ nhẹ là gì?
Theo Mayo Clinic, đột quỵ nhẹ (ministroke) hay còn được gọi là đột quỵ nhỏ hoặc cơn thiếu máu cục bộ thoáng qua (transient ischemic attack - TIA) là một giai đoạn tạm thời có các triệu chứng tương tự như đột quỵ.
Đột quỵ nhẹ thường chỉ kéo dài vài phút và không gây tổn thương vĩnh viễn.
Đột quỵ nhẹ có thể là một dấu hiệu cảnh báo của một cơn đột quỵ trong tương lai. Theo số liệu thống kê, khoảng 1/3 người từng bị đột quỵ nhẹ sẽ bị đột quỵ, và một nửa trong số đó bị đột quỵ trong vòng 1 năm sau cơn đột quỵ nhẹ.
Đột quỵ nhẹ cũng có thể coi như một cơ hội báo trước để ngăn ngừa nguy cơ đột quỵ.
Nguyên nhân gây đột quỵ nhẹ
TIA hay đột quỵ nhẹ có nguyên nhân tương tự đột quỵ do thiếu máu cục bộ.
Trong cơn đột quỵ do thiếu máu cục bộ, cục máu đông sẽ chặn nguồn cung cấp máu đến một phần não.
Trong TIA, không giống như đột quỵ, tình trạng tắc nghẽn diễn ra trong thời gian ngắn và không có tổn thương vĩnh viễn.
Nguyên nhân cơ bản của TIA thường là sự tích tụ các mảng bám (xơ vữa động mạch) trong động mạch hoặc một trong các nhánh của động mạch cung cấp oxy và chất dinh dưỡng cho não.
Các mảng bám có thể làm giảm lưu lượng máu qua động mạch hoặc dẫn đến sự phát triển của huyết khối hay cục máu đông.
Cục máu đông di chuyển từ một bộ phận khác của cơ thể - phổ biến nhất là từ tim - đến động mạch cung cấp máu cho não cũng có thể gây ra TIA.
Dấu hiệu đột quỵ nhẹ
TIA hay đột quỵ nhẹ thường chỉ kéo dài vài phút.
Hầu hết các dấu hiệu và triệu chứng biến mất trong vòng 1 giờ, tuy nhiên trường hợp hiếm có thể kéo dài tới 24 giờ.
Các dấu hiệu và triệu chứng của đột quỵ nhẹ giống với những dấu hiệu được phát hiện sớm trong đột quỵ và có thể khởi phát đột ngột:
- Yếu, tê hoặc liệt ở mặt, cánh tay hoặc chân, thường ở một bên cơ thể.
- Nói lắp, lời nói không rõ ràng hoặc khó hiểu người khác nói gì.
- Mất hoặc giảm thị lực trầm trọng một bên hoặc cả hai bên mắt, nhìn đôi.
- Chóng mặt hoặc mất thăng bằng, giảm khả năng phối hợp.
Bạn có thể bị TIA nhiều hơn một lần, các dấu hiệu và triệu chứng khi tái phát có thể giống hoặc khác nhau tùy thuộc vào vùng não bị ảnh hưởng.
Khi nào cần đi gặp bác sĩ?
Vì các triệu chứng của TIA và đột quỵ đều giống nhau nên bạn cần tìm kiếm sự chăm sóc y tế ngay lập tức nếu nghi ngờ mình bị TIA.
Đánh giá kịp thời và xác định các tình trạng có khả năng điều trị được có thể giúp bạn ngăn ngừa đột quỵ.
Bạn có thể được thực hiện các xét nghiệm như chụp cộng hưởng từ (MRI) hoặc chụp cắt lớp vi tính (CT). Các xét nghiệm có thể giúp xác định nguyên nhân gây ra TIA.
Bạn cũng có thể cần làm các kiểm tra để tìm nguyên nhân có thể liên quan đến tim hoặc mạch máu như theo dõi nhịp tim, chụp mạch cộng hưởng từ (MRA) hoặc chụp mạch CT (CTA).
Tùy thuộc vào nguyên nhân cơ bản, bạn có thể cần dùng thuốc để ngăn ngừa cục máu đông. Hoặc bạn có thể cần phẫu thuật để loại bỏ các mảng bám khỏi động mạch cung cấp máu cho não, gọi là phẫu thuật bóc lớp trong động mạch cảnh (carotid endarterectomy).
(Theo Mayo Clinic)
Hoàng NguyênBạn đang xem bài viết 4 triệu chứng cảnh báo cơn đột quỵ nhẹ nhưng không thể chủ quan tại chuyên mục Tin tức của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].