Theo khuyến cáo của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, khi bị mắc sốt xuất huyết, người bệnh thường có các triệu chứng giống cúm như sốt, ho, nhức đầu, đau cơ và kiệt sức.
Trong giai đoạn này, người bệnh cần có một chế độ dinh dưỡng hợp lý để tăng cường sức khỏe, với mục tiêu: Giảm mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng như buồn nôn, nôn,…; Cải thiện tình trạng rối loạn dung nạp thức ăn; Ngăn ngừa các biến chứng nặng như xuất huyết tiêu hóa, mất nước,…; Cải thiện số lượng tiểu cầu và giải độc cơ thể; Đảm bảo sớm bình phục cho người bệnh.
1. Dinh dưỡng phù hợp với từng giai đoạn bệnh
Chế độ dinh dưỡng cho người bệnh sốt xuất huyết tùy thuộc vào giai đoạn của bệnh. Trong giai đoạn đầu của bệnh sốt xuất huyết, người bệnh thường bị sốt cao, mệt mỏi, đau người, nhức đầu, sốt cao, người bệnh cảm thấy không muốn ăn bất cứ thứ gì trong giai đoạn này.
Một số người bệnh bị sốt xuất huyết cảm thấy buồn nôn, nôn mửa và cực kỳ suy nhược. Trong trường hợp này, một chế độ ăn lỏng, mềm cần được khuyến nghị cho người bệnh, vì nó dễ tiêu hóa, hấp thu hơn so với chế độ ăn đặc.
Người bệnh nên ăn một lượng nhỏ và nhiều bữa trong ngày. Chế độ ăn lỏng cung cấp nhiều nước giúp bù lại lượng nước mất đi khi sốt cao và hạ nhiệt độ cơ thể. Nên tránh thức ăn rắn cho đến khi hết sốt.
Khi người bệnh hết sốt và dần phục hồi thì chế độ ăn nhẹ sẽ giúp ích cho người bệnh. Người bệnh nên ăn thức ăn chần hoặc luộc trong thời gian phục hồi vì thức ăn nhiều dầu mỡ làm chậm quá trình tiêu hóa.
Một bữa ăn có nhiều protein chất lượng tốt (nạc) sẽ giúp cơ thể phục hồi nhanh chóng. Vì vậy, bữa ăn của người bệnh cần có thịt, trứng, cá để cung cấp cho cơ thể lượng chất dinh dưỡng phù hợp để giúp cơ thể chống chọi lại nhiễm trùng.
Ngoài ra, các loại trái cây tươi như chuối, táo, cam quýt… giúp bổ sung khoáng chất và vitamin bị mất trong quá trình sốt cao. Trái cây cũng cung cấp năng lượng cần thiết để chống lại sự mệt mỏi của cơ thể.
2. Người bị sốt xuất huyết nên tránh đồ cay và nhiều dầu mỡ
Nhiều người bị sốt xuất huyết bị nôn ói nhiều, hệ tiêu hóa kém đi, gặp các vấn đề về dạ dày, vì vậy nếu ăn thức ăn nhiều dầu mỡ và cay sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng của dạ dày.
Người bệnh cũng cần hạn chế thực phẩm chế biến sẵn, đồ ăn vặt, dưa chua, rau sống…; không nên uống trà, cà phê, ca cao và đồ uống có chứa caffein khác… để không gây khó chịu cho đường tiêu hóa.
Ngoài ra, người bệnh nên tránh các thức ăn, đồ uống có màu đỏ sẫm như tiết, củ dền… vì những thực phẩm này dễ gây nhầm lẫn với xuất huyết tiêu hóa.
3. Uống nhiều nước
Khi bị sốt xuất huyết người bệnh thường bị sốt cao kèm theo đau đầu, đau khớp… nên rất mệt mỏi, chán ăn. Tình trạng sốt cao làm tăng nguy cơ mất nước, do đó uống nhiều nước là điều cần thiết để thay thế lượng nước mất đi khi sốt cao. Lượng nước cần uống khoảng 2 - 3 lít/ngày.
Người bệnh nên uống các loại nước lọc, nước oresol để bù điện giải, nước canh, nước dừa tươi… Các loại nước ép cam, chanh, bưởi cũng chứa nhiều vitamin và khoáng chất, đặc biệt là vitamin C giúp tăng cường sức đề kháng, vững bền thành mạch, rất tốt cho người bệnh sốt xuất huyết.