Bác sĩ Kelley A. Humbert, Phó Giáo sư thần kinh học lâm sàng tại Trường Y của Đại học Pennsylvania khuyến cáo những điều không nên làm để đảm bảo người thân yêu có cơ hội vượt qua cơn đột quỵ.
Đột quỵ thường được mô tả là một cuộc "tấn công não bộ". Một phần của não bị cướp đi lượng oxy và nguồn cung cấp máu cần thiết để hoạt động do mạch máu đến não bị máu đông, tắc nghẽn hoặc bị vỡ.
Đột quỵ càng lâu không được điều trị thì càng có nhiều tế bào não bị chết đi.
Khi phát hiện người thân bị đột quỵ, bạn cần:
- Gọi cấp cứu ngay lập tức.
- Lưu ý thời gian các triệu chứng bắt đầu
- Thực hiện hồi sức tim phổi (CPR) nếu cần thiết
Bên cạnh đó, BS Humbert lưu ý 3 điều không nên làm khi ai đó bị đột quỵ.
1. Đừng để người đột quỵ đi ngủ hoặc thuyết phục bạn không gọi cấp cứu
Những người sống sót sau đột quỵ thường phàn nàn về việc đột nhiên cảm thấy rất buồn ngủ khi cơn đột quỵ lần đầu xảy ra.
Bác sĩ Humbert cho biết, tất nhiều bệnh nhân khi nhập viện cấp cứu nói rằng họ đã ngủ vài giờ trước khi đến bệnh viện vì thấy mệt.
Tuy nhiên thời gian là điều cốt yếu trong cấp cứu đột quỵ. Bất kỳ loại thuốc và phương pháp điều trị phẫu thuật đột quỵ nào đều đòi hỏi càng sớm càng tốt.
Do đó, nếu thấy người thân có dấu hiệu đột quỵ, không nên để họ đi ngủ mà phải gọi cấp cứu ngay lập tức.
Và cho dù người thân có cố thuyết phục bạn đừng gọi cấp cứu thế nào đi chăng nữa thì cũng đừng nghe theo, bác sĩ Humbert nói.
>>> Quy tắc F.A.S.T phát hiện và cấp cứu nhanh người bị đột quỵ ai cũng cần biết
2. Đừng cho người đột quỵ uống thuốc, ăn hoặc uống bất kỳ thứ gì
Đột quỵ được chia thành 2 loại:
- Đột quỵ xuất huyết do vỡ mạch máu dẫn đến chảy máu não
- Đột quỵ do thiếu máu cục bộ, do cục máu đông dẫn đến tắc nghẽn mạch máu
Tiến sĩ Humbert nói: “80% các cơn đột quỵ là do thiếu máu cục bộ, nhưng nếu bạn nằm trong 20% còn lại, tức cơn đột quỵ là do vỡ mạch máu não thì không được dùng aspirin. Bạn cũng không thể xác định mình bị đột quỵ loại nào khi chưa đi cấp cứu và chụp CT."
Aspirin có thể gây tổn thương nặng hơn cho người bệnh và gây chảy máu nhiều hơn nếu họ đang bị đột quỵ do xuất huyết não, vì aspirin là chất làm loãng máu.
Để an toàn, đừng cho người có triệu chứng đột quỵ dùng thuốc.
Ngoài ra, bạn cũng không nên cho người thân đang bị đột quỵ ăn hoặc uống gì trước khi xe cấp cứu đến.
Bác sĩ Humbert giải thích: "Đôi khi đột quỵ ảnh hưởng đến khả năng nuốt của người bệnh, việc ăn uống có thể khiến họ bị nghen, gây nhiễm trùng hoặc khó thở.
3. Không tự mình lái xe đi cấp cứu
Bác sĩ Humbert cũng khuyên không nên tự đưa người bị đột quỵ đi cấp cứu: "Nếu ai đó bị ảnh hưởng nặng nề bởi đột quỵ, tốt hơn hết bạn nên gọi cấp cứu."
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) cho biết, nhân viên cấp cứu có thể bắt đầu điều trị cấp cứu cho người bị đột quỵ ngay trên đường đi cấp cứu.
Ngoài ra, nhân viên cấp cứu sẽ đảm bảo cho người bệnh được đưa đến một bệnh viện có đủ thuốc và phương pháp điều trị cho bệnh nhân đột quỵ ngay lập tức, vì không phải tất cả các bệnh viện đều được trang bị để xử lý bệnh nhân đột quỵ.
Người có dấu hiệu đột quỵ nhẹ cũng không nên tự mình lái xe đến bệnh viện, vì có khả năng các triệu chứng đột quỵ của bạn có thể trở nên trầm trọng hơn và làm giảm khả năng lái xe an toàn.
(Theo Penn Medicine)
Hoàng NguyênBạn đang xem bài viết 3 điều không nên làm khi phát hiện người thân bị đột quỵ tại chuyên mục Các bệnh của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].