Sau đột quỵ, dù được cấp cứu kịp thời, người bệnh vẫn có thể đối mặt với các di chứng như tê yếu tay chân, đi lại khó khăn, mất thăng bằng; rối loạn ngôn ngữ, nói khó, nói đớt, nói chậm; rối loạn nuốt, khó nhai, khó nuốt hoặc cảm giác đau ở các vị trí liên quan...
Để giảm thiểu di chứng sau đột quỵ, người bệnh cần tập phục hồi chức năng kịp thời, đúng phương pháp.
BS.CKII Nguyễn Xuân Thắng (Trưởng khoa Phục hồi chức năng, Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh) đưa ra các thông tin hữu ích hướng dẫn tập phục hồi chức năng sau đột quỵ như sau.
1. Thời gian nên bắt đầu tập
Người bệnh nên bắt đầu tập sau cấp cứu từ 24 đến 48 giờ, theo hướng dẫn của bác sĩ hoặc kỹ thuật viên phục hồi chức năng.
2. Thời lượng tập
Nên tập trên 3 giờ mỗi ngày, tốt nhất là 5-6 giờ. Với các di chứng khó nuốt, khó nói, cần tăng thêm thời lượng tập.
Nên chia thành nhiều lần tập trong ngày, vừa tập vừa nghe nhạc, xem tivi để tránh nhàm chán.
3. Cách tập tại nhà
Tập theo tác vụ
Tập lặp đi lặp lại một động tác khoảng 300 lần/ngày, ví dụ như co – duỗi cổ tay. Các động tác cần ưu tiên tập là những động tác cần thiết cho nhu cầu vận động, sinh hoạt hoặc lao động hàng ngày.
Gương trị liệu
Người bệnh đứng tập trước gương, tăng cường vừa vận động vừa tập trung chú ý, suy nghĩ vào động tác.
Tập theo giai đoạn phục hồi
Người bệnh tập tuần tự theo tiến độ hồi phục dưới hướng dẫn của bác sĩ hoặc kỹ thuật viên.
4. Phối hợp điều trị tại bệnh viện
Người bệnh có thể phối hợp tập định kỳ với các thiết bị chuyên dụng, đồng thời tập vật lý trị liệu bao gồm:
- Điện xung kích thích thần kinh cơ
- Điện kích thích chức năng
- Điện xung xuyên sọ
- Kích thích từ trường xuyên sọ
Tập phục hồi chức năng chính là hy vọng mới làm lại cuộc đời của bệnh nhân sau đột quỵ. Do đó, cần áp dụng theo nguyên tắc: kịp thời - đúng cách - kiên trì.
>>> Làm thế nào để phòng tránh đột quỵ khi chạy bộ, chơi thể thao?
Hoàng Nguyên (t/h)Bạn đang xem bài viết Bác sĩ hướng dẫn tập phục hồi chức năng sau đột quỵ để giảm thiểu di chứng tại chuyên mục Các bệnh của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].