Khi bước vào hôn nhân, chị em phụ nữ sẽ phải tập làm quen với nhiều vấn đề mới, thích nghi với cuộc sống mới và những mối quan hệ mới. Trong đó, đau đầu hơn cả là học được cách sống dung hòa với mẹ chồng.
Do nhiều yếu tố mà từ xưa tới nay, mẹ chồng - nàng dâu thường có nhiều khúc mắc và mâu thuẫn, phải kể đến như mẹ chồng nàng dâu không chúng lý tưởng, quan điểm sống. Do mẹ chồng khắt khe quá mức hoặc nàng dâu sống quá hiện đại, khó hòa hợp với lối sống của mẹ chồng.
Dĩ nhiên, cũng có nhiều gia đình mẹ chồng, nàng dâu hợp nhau như mẹ đẻ và con gái. Có được điều này là do đôi bên cùng chấp nhận lẫn nhau, cả mặt tốt và chưa tốt, cùng bỏ bớt cái tôi và tập nghĩ cho người khác, khôn khéo trong cư xử. Mẹ chồng, nàng dâu hòa thuận, không khí gia đình thường rất ấm êm, hạnh phúc.
Tuy nhiên, có nhiều phụ nữ than thở rằng, mâu thuẫn mẹ chồng, nàng dầu của họ thường tăng lên đáng kể từ khi có cháu, nhất là ở gian đoạn ở cữ 3 tháng đầu.
Trường hợp một cô gái trẻ tên Yến dưới đây là một ví dụ. Thời gian cô sinh con, mẹ chồng là người chăm sóc cho hai mẹ con cô, ngày nào bà cũng nấu canh cho con dâu uống, nhưng có một ngày, cô cảm thấy mệt mỏi và không muốn uống canh nữa.
Thế là bà phật ý ra mặt, còn bóng gió nói cô khó chiều, sang hàng xóm than thở rằng đã chăm con dâu hết sức mà còn phụ lòng bà, rồi không ăn uống đầy đủ lấy đâu ra sữa cho con bú.
Ngoài ra, việc lần đầu làm mẹ cũng nhưng stress sau sinh khiến Yến cũng cảm thấy căng thẳng, đôi bên xảy ra những tranh cãi từ nhỏ đến to, từ việc nhà cho đến việc chăm đứa trẻ mới sinh.
Nhất là việc Yến muốn nuôi con khoa học nhưng mẹ chồng cô lại chỉ muốn áp dụng những kinh nghiệm xa xưa. Yến thì cho rằng bà cổ hủ, còn mẹ chồng thì nói Yến không hiểu biết. Những mâu thuẫn ngày càng tăng khiến gia đình luôn căng thẳng.
Có 2 lý do chính khiến mâu thuẫn mẹ chồng - nàng dâu tăng cao trong thời gian ở cữ
Mẹ chồng chỉ muốn áp dụng những kinh nghiệm xưa cũ trong việc ở cữ, nuôi con
''Ngày xưa tao nuôi chồng mày lớn bằng đầu bằng cổ đó, có sao đâu'', chính là một trong những câu vô cùng quen thuộc mà mẹ chồng thường hay nói để bảo vệ quan điểm nuôi con của mình.
Mẹ chồng sống trước chúng ta vài chục năm, dĩ nhiên kinh nghiệm sống của bà dày dặn và phong phú. Bà cũng chỉ vì yêu cháu nên muốn áp dụng những kinh nghiệm ở cữ và nuôi dạy con từ ngày xưa lên đứa cháu mới sinh. Bản chất thì là tốt, tuy nhiên có thể nó đã không còn phù hợp.
Thời đại ngày nay, phụ nữ thường nuôi con theo khoa học, điều kiện kinh tế tăng cao khiến hiểu biết của con người thay đổi. Những quan điểm lỗi thời đã không còn được áp dụng trong việc dạy con.
Từ chuyện đơn giản nhất là cho con ăn, mẹ chồng luôn có suy nghĩ cần cho bé ăn sớm cho ''chắc dạ'' hoặc ăn gia vị cho ''có chất'' và bé ngon miệng hơn. Nhưng theo khoa học ngày nay, bé chưa đủ 6 tháng không nên ăn dặm và một năm đầu thì nói không với mọi gia vị.
Những khác biệt này khiến mẹ chồng và nàng dâu bất hòa, nếu không ai chịu nhường ai thì mâu thuẫn là điều khó tránh.
Con dâu cảm thấy thấy mình không được coi trọng
Sau khi em bé chào đời, tất cả chú ý sẽ đổ dồn vào phía bé. Mẹ chồng sẽ chỉ chú ý tới ''cháu của bà'' mà không để ý tới con dâu.
Ví dụ, bà sẽ luôn nói: ''Ăn nhiều vào cho con có sữa'', điều này lâu dài sẽ trở thành gánh nặng và sự mệt mỏi trong lòng con dâu. Những cô con dâu nhạy cảm lúc này sẽ nghĩ rằng mẹ chồng đang không quan tâm đến mình mà chỉ lo cho cháu.
Con dâu sẽ cảm thấy mình sinh con ra đã vất vả lại không được quan tâm nhiều, càng nghĩ càng thấy khó chịu, lâu dần sẽ cự cãi với mẹ chồng.
Hoặc chẳng may em bé bị ốm, quấy hay vấn đề gì đó, mẹ chồng thường sẽ ''đổ tội'' lên đầu con dâu, đại khái rằng ''có con mà không biết đường chăm'', đây chính là ngòi nổ cho mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu.
Thạch ThảoBạn đang xem bài viết 2 lý do khiến mâu thuẫn mẹ chồng, nàng dâu thường lên 'đỉnh điểm' trong thời gian ở cữ tại chuyên mục Cha mẹ thông thái của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].