1. "Tôi phải làm việc đó."
Thay vào đó, nên nói: "Tôi có cơ hội làm việc đó."
Thay đổi nhỏ về từ ngữ có thể dẫn tới thay đổi lớn trong thái độ của bạn.
Nó khiến bạn nhìn nhận một điều gì đó như một cơ hội hơn là nghĩa vụ.
Ngay cả khi nhiệm vụ đó gây khó chịu, nó vẫn có thể dạy cho bạn những bài học mới và mở ra những cánh cửa mới.
2. "Tôi không thể làm điều đó."
Thay vào đó, nên nói: "Tôi có thể thử làm điều đó."
Đừng thừa nhận thất bại trước khi bạn bắt đầu.
Khi bạn nói tôi có thể thử, bạn không chỉ cho mình cơ hội hoàn thành điều gì đó mà còn không đặt ra kỳ vọng quá cao, điều này giúp bạn dễ thành công hơn.
3. "Tôi nên làm điều đó."
Thay vào đó, nên nói: "Tôi sẽ làm điều đó." (Hoặc "sẽ không làm", tùy thuộc vào suy nghĩ của bạn).
"Nên" là một từ mang tính kiểm soát và nó gây áp lực cho chúng ta.
Vì vậy, hãy để bản thân nắm quyền. Bỏ từ "nên" và biến mình thành người ra quyết định bằng cách chọn có làm điều gì đó theo cách của bạn hay không.
4. "Tại sao điều này lại xảy ra với tôi?"
Thay vào đó, nên nói: "Tôi học được gì từ điều này?"
Khi bạn tự hỏi mình đã học được gì, bạn đang biến việc làm mình khó chịu trở thành thứ có thể mang đến những điều tốt đẹp hơn.
Thay vì phàn nàn, bạn tìm thấy điều tốt đẹp trong khoảng thời gian khó khăn.
5. "Lẽ ra tôi không bao giờ nên như vậy."
Thay vào đó, nên nói: "Vì tôi đã làm điều đó nên giờ tôi biết rằng..."
Khi bạn diễn đạt lại suy nghĩ theo cách này, bạn bắt đầu nghĩ về những điều tốt đẹp đã xảy ra vì bạn đã làm một việc mà bạn từng nghĩ mình không nên làm.
6. "Tôi đã thất bại."
Thay vào đó, nên nói: "Lần nỗ lực này không thành công."
Có thể điều gì đó bạn đã cố gắng thực hiện không diễn ra theo cách bạn mong đợi.
Bạn không có được khách hàng mới hoặc bạn không được thăng chức như mong muốn.
Nhưng nếu bạn nói với bản thân rằng bạn đã thất bại thì bạn đang bất công với chính mình. Hãy nhớ rằng sẽ còn những cơ hội khác.
7 . "Giá như tôi đã làm việc đó..."
Thay vào đó: Bạn không cần nói gì cả.
Tất cả chúng ta đều đã có những khoảnh khắc "giá như" của mình.
"Giá như tôi đã nói ra ý tưởng của mình tại cuộc họp đó," hoặc "Giá như tôi không trả lời câu hỏi phỏng vấn đó theo cách đó."
Nhưng đây là lối suy nghĩ bế tắc. Bạn không học hỏi từ quá khứ, bạn chỉ đang than thở và bào chữa.
8. "Chuyện này phức tạp quá."
Thay vào đó, nên nói: "Bây giờ tôi chưa hiểu."
Khi bạn đối mặt với một thử thách mới, nếu bạn ngay lập tức nói mình sẽ không bao giờ hiểu được nó thì bạn đang biến điều đó thành một sự thật không thể thay đổi.
Điều này có nghĩa là bạn đang tự nói với bản thân rằng bạn không thể thay đổi hoặc phát triển.
Ttất nhiên không phải vậy. Tất cả chúng ta đều đang trong quá trình hoàn thiện.
9. "Thật không công bằng."
Thay vào đó, nên nói: "Dù sao thì tôi cũng có thể giải quyết được."
Chắc chắn, cuộc sống có thể có lúc không công bằng, nhưng điều đó không có nghĩa là bạn phải tiếp tục lặp đi lặp lại câu nói tiêu cực đó với chính mình để rồi thất vọng.
Hãy đối mặt với sự bất công đó và tìm kiếm các giải pháp để đạt được điều bạn muốn.
10. "Việc đó sẽ không bao giờ thay đổi."
Thay vào đó, nên nói: "Tôi có thể thay đổi cách tôi tiếp cận vấn đề này."
Hãy chuyển từ bị động sang chủ động, để mình kiểm soát tình hình. Bạn nghĩ rằng việc đó không thể thay đổi? Vậy thì hãy thay đổi cách tiếp cận và suy nghĩ của bạn về nó.
11. "Không bao giờ" (hoặc "luôn luôn")
Thay vào đó, nên nói: Tránh từ ngữ mang tính tuyệt đối.
Nếu bạn thường nói những câu như "Tôi sẽ không bao giờ được thăng chức" hoặc "Tôi luôn bị coi thường", hãy bỏ ngay.
Cuộc sống không phải chỉ có đen và trắng, có và không. Những người thành công nhất có thể nhìn mọi thứ một cách khách quan, tương đối hơn.
(Theo CNBC)
Hoàng NguyênBạn đang xem bài viết 11 cụm từ tiêu cực bạn nên loại bỏ ngay để trở nên tự tin hơn tại chuyên mục Kỹ năng sống của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].