"Xổi" là chỉ tạm trong thời gian ngắn. Ví dụ: vay xổi ít tiền, cà muối xổi, ăn xổi ở thì.
"Ăn xổi" (cà, dưa vừa mới muối) là ăn ngay, không phải đợi chế biến lâu. Nghĩa bóng là muốn đạt được kết quả ngay vì nóng vội. Ví dụ: tư tưởng ăn xổi.
"Ăn sổi" là cách viết sai chính tả.
"Dông dài" (nói, viết) là lan man, không đâu vào đâu, làm tốn thì giờ một cách vô ích. Ví dụ: kể lể dông dài.
Từ này thường bị viết nhầm là "rông dài".
"Giành" là cố dùng sức lực để đạt được, để lấy về được cho mình, không để bị chiếm mất hoặc tiếp tục chiếm mất. Ví dụ: giành thế chủ động, cố giành giải nhất, đấu tranh giành độc lập.
Còn "dành" là giữ lại để sau này dùng. Ví dụ: dành tiền mua xe máy. "Dành" cũng có nghĩa là để riêng cho ai hoặc cho việc gì. Ví dụ: lớp học dành cho người khiếm thính.
"Giành giật" là giành đi giành lại một cách không khoan nhượng.
"Kết cục" là kết quả cuối cùng của một sự việc. Ví dụ: kết cục là xôi hỏng bỏng không. Còn "kết cuộc" là từ không hề có nghĩa.
"Yếu điểm" là từ Hán Việt có nghĩa là điểm quan trọng nhất. Ví dụ: bảo vệ yếu điểm quân sự, yếu điểm của vấn đề.
Tuy nhiên từ này thường bị sử dụng nhầm lẫn với "điểm yếu".
"Xảy" là phát sinh một cách tự nhiên. Ví dụ: xảy ra hỏa hoạn, xảy ra án mạng, sự việc xảy đến bất ngờ.
Nhiều người Việt thường viết nhầm "xảy ra" thành "sảy ra". "Sảy ra" là cụm từ hoàn toàn vô nghĩa.
"Cọ xát" là cọ đi xát lại vào nhau, nghĩa khác là tiếp xúc, va chạm với trở ngại hoặc với thử thách thực tế. Ví dụ: còn trẻ nên chưa có điều kiện cọ xát nhiều với thực tế.
Phụ âm đầu ngh chỉ đứng trước e, ê, i.
"Xôi thịt" nghĩa cũ là xôi và thịt, nghĩa khái quát là dùng để chỉ tệ ăn uống, chè chén trong các dịp đình đám hoặc để tranh giành ngôi thứ của cường hào ở nông thôn thời trước.
"Xôi thịt" còn có nghĩa là tham lam, chỉ thích chè chén, hưởng thụ. Ví dụ: đầu óc xôi thịt.
"Sôi thịt" không có nghĩa.
"Kiềm chế" là giữ ở một chừng mực nhất định không cho tự do hoạt động, tự do phát triển. Ví dụ: giận quá, không kiềm chế được mình.
Còn "kìm" là dụng cục bằng kim loại có hai mỏ và hai càng bắt chéo để kẹp chặt. "Kìm" còn được sử dụng với vai trò động từ, nghĩa là kẹp chặt bằng kìm; hoặc tác động nhằm làm cho tốc độ vận động chậm lại, cường độ hoạt động yếu đi, hoặc làm cho phải ngừng lại, không diễn ra. Ví dụ: kìm cho ngựa đi chậm lại. Nhưng "kìm chế" là sai chính tả.
* Tham khảo Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê, 2015)
Hoàng NguyênBạn đang xem bài viết 10 lỗi sai chính tả phần lớn người Việt mắc phải tại chuyên mục Cha mẹ thông thái của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].