Báo Điện tử Gia đình Mới

Xây dựng vùng dược liệu kết hợp hệ sinh thái chăm sóc sức khỏe – Hướng đi mới giúp doanh nghiệp dược phát triển bền vững

Xây dựng mô hình nuôi trồng dược liệu kết hợp với sử dụng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe bằng y dược cổ truyền tại khu nghỉ dưỡng là hướng đi mới mà Công ty Nam dược Đại Phú An đang chú trọng phát triển, góp phần đem lại hiệu quả kinh tế cho doanh nghiệp và tạo thu nhập ổn định cho đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái.

Mô hình khép kín từ vùng dược liệu đến sản phẩm y học cổ truyền chất lượng

Nhận thức rõ dược liệu đầu vào là yếu tố quan trọng nhất để làm nên chất lượng sản phẩm y học cổ truyền nên những người đứng đầu Công ty Nam dược Đại Phú An đã đi tìm kiếm, phát triển vùng dược liệu từ rất sớm.

Chị Đỗ Loan Phượng – Giám đốc Công ty Nam dược Đại Phú An cho biết: “Đại Phú An là đơn vị kế thừa tinh hoa y học cổ truyền dòng họ Đỗ tại Hà Nam. Đến năm 1890, trong một lần đi tìm thảo dược tại Yên Bái, ông nội tôi là cụ Đỗ Đăng Khoa nhận thấy địa thế, thổ dưỡng, khí hậu tại Yên Bái rất phù hợp để phát triển dược liệu. Chính vì thế mà ông đã đưa cả gia đình lên Yên Bái để xây dựng vùng dược liệu và phát triển nghề y học cổ truyền của dòng họ”.

Dịch vụ trị liệu bằng y học cổ truyền tại Hệ sinh thái chăm sóc sức khỏe Đại Phú An

Dịch vụ trị liệu bằng y học cổ truyền tại Hệ sinh thái chăm sóc sức khỏe Đại Phú An

Yên Bái là vùng đất có rất nhiều các loại thảo dược quý. Thời điểm đầu, Đại Phú An chủ yếu vẫn dựa vào nguồn dược liệu tự nhiên, tức là tự đi tìm hái dược liệu hoặc thuê người dân bản địa vào rừng tìm kiếm.

Tuy nhiên, “trong quá trình phát triển, nhu cầu sử dụng các sản phẩm từ dược liệu của khách hàng ngày càng gia tăng nên chúng tôi nhận thấy không thể phụ thuộc vào thiên nhiên, mà phải chủ động được nguồn dược liệu để sản xuất sản phẩm. Chính vì thế mà chúng tôi bắt đầu di thực dược liệu từ thiên nhiên về các vùng đất mà chúng tôi đã quy hoạch và dần tạo thành vùng dược liệu cho công ty” – chị Loan Phượng chia sẻ.

Vườn dược liệu của Đại Phú An tại Yên Bái

Vườn dược liệu của Đại Phú An tại Yên Bái

Trong quá trình chăm sóc sức khỏe khách hàng nhiều năm nay, Đại Phú An cũng nhận thấy, bên cạnh nguồn dược liệu sạch để làm ra các sản phẩm y học cổ truyền chất lượng thì môi trường để trị liệu, điều trị cho khách hàng cũng là yếu tố quan trọng để giúp khách hàng phục hồi sức khỏe một cách nhanh chóng.

Chính vì thế mà Đại Phú An đã xây dựng được hệ sinh thái chăm sóc sức khoẻ toàn diện với: Nam dược Đại Phú An, dịch vụ điều trị y học cổ truyền, dịch vụ nghỉ dưỡng chăm sóc sức khoẻ.

“Mô hình chúng tôi xây dựng là một quy trình khép kín từ khâu nuôi trồng dược liệu sạch, sản xuất theo dây chuyền công nghệ và bí quyết gia truyền, khám chữa bệnh tại chỗ kết hợp nghỉ dưỡng, giúp người bệnh mau chóng hồi phục và trở nên khỏe mạnh. Trong đó, vùng dược liệu là nơi cung cấp dược liệu sạch, đạt chuẩn cho nhà máy. Nhà máy sản xuất ra các sản phẩm chăm sóc sức khỏe. Các sản phẩm này được đem đến khu nghỉ dưỡng để chăm sóc sức khỏe cho người bệnh” – chị Loan Phượng cho biết thêm.

Các sản phẩm dược liệu của Đại Phú An được đem đến khu nghỉ dưỡng để chăm sóc sức khỏe cho khách hàng

Các sản phẩm dược liệu của Đại Phú An được đem đến khu nghỉ dưỡng để chăm sóc sức khỏe cho khách hàng

Nhiều sáng kiến mới để phát triển và bảo tồn nguồn dược liệu

Để phát triển và bảo tồn được các loại dược liệu quý, Đại Phú An áp dụng phương pháp canh tác bán tự nhiên. Tức là di thực những cây dược liệu sinh trưởng tự nhiên ở núi rừng Yên Bái về trồng tại vùng đất mà Đại Phú An đã quy hoạch, có địa thế tương tự, không ảnh hưởng đến tán rừng.

Ở trong vùng quy hoạch đó, Đại Phú An tạo ra những tiểu khí hậu, tạo ra những môi trường sống gần giống với môi trường cũ mà thảo dược từng sinh sống. Nhờ cách làm này mà Đại Phú An trồng được nhiều loại thảo dược có hoạt chất giống với thảo dược sinh trưởng trong tự nhiên như quế, giảo cổ lam 7 lá, giảo cổ lam 5 lá, long não… Từ đó, đảm bảo nguồn nguyên liệu an toàn cho sản xuất, bước đầu thực hiện cam kết chất lượng sản phẩm hiệu quả, ổn định.

Thu hoạch sả chanh tại thung lũng trong vùng dược liệu của Đại Phú An

Thu hoạch sả chanh tại thung lũng trong vùng dược liệu của Đại Phú An

Thành công gần đây trong việc trồng dược liệu của Đại Phú An là việc trồng sả chanh. Thông thường, các cơ sở khác thường trồng sả chanh ở trên đồi, nhưng Đại Phú An lại trồng sả chanh ở dưới thung lũng trong vùng dược liệu của mình. Đến khi thu hoạch, sản lượng sả chanh thu được cao hơn rất nhiều so với trồng trên đồi. Hơn nữa, mùi hương sả chanh dịu nhẹ dễ chịu mà thành phần hoạt chất lại không thua kém sả chanh trồng trên đồi.

Bên cạnh đó, Đại Phú An còn tiến hành di thực cây nhàu từ trong miền Nam ra trồng tại Yên Bái. Loại cây này rất khó sống được với khí hậu miền Bắc, nhất là vào mùa đông khi có sương muối. Tuy nhiên, qua quá trình nghiên cứu, tìm hiểu và cải tiến dần trong quá trình canh tác, Đại Phú An đã tìm ra phương pháp ủ gốc nhàu trong mùa đông, giúp cây sinh trưởng bình thường, đến mùa xuân ấm áp cây phát tán.

Phương pháp trồng xen canh cây nhàu và cây sả đem lại hiệu quả kinh tế cao

Phương pháp trồng xen canh cây nhàu và cây sả đem lại hiệu quả kinh tế cao

“Một trong những phương pháp ủ gốc nhàu trong mùa đông của chúng tôi là trồng xen canh giữa cây sả và nhàu trên cùng một diện tích. Việc trồng xen canh như vậy vừa tăng được lợi ích kinh tế, vừa giữ được độ an toàn của cây nhàu. Bởi cây sả là cây tầng tán dưới đất, còn cây nhàu bản chất là cây thân gỗ nên việc trồng sả dưới gốc nhàu sẽ giúp bảo vệ gốc nhàu trong mùa đông, không bị sương muối rơi xuống làm thối gốc cây. Với cách làm này của chúng tôi, cây nhàu vẫn có thể sinh trưởng phát triển được ở miền Bắc. Hơn nữa, cây còn cho ra những hoạt chất mà trồng ở vùng thổ nhưỡng khác không có” – chị Loan Phượng chia sẻ kinh nghiệm.

Chị Đỗ Loan Phượng, Giám đốc Công ty Nam dược Đại Phú An giới thiệu về Trà dưỡng sinh cam quế Đại Phú An và những sản vật của Yên Bái

Chị Đỗ Loan Phượng, Giám đốc Công ty Nam dược Đại Phú An giới thiệu về Trà dưỡng sinh cam quế Đại Phú An và những sản vật của Yên Bái

Tạo sinh kế bền vững cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Với mục đích phát triển vùng dược liệu bền vững, phục vụ việc sản xuất các sản phẩm y học cổ truyền, Công ty Nam dược Đại Phú An triển khai nhiều hình thức để đảm bảo nguồn dược liệu đầu vào, trong số đó có hình thức kết hợp với người dân ở các xã thuộc huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái để trồng dược liệu.

Theo đó, Đại Phú An sẽ thực hiện chuyển giao kỹ thuật trồng, cung cấp giống, tập huấn, hướng dẫn người dân cách chăm sóc, thu hái và cam kết bao tiêu dược liệu. Còn các hộ đồng bào dân tộc thiểu số tiến hành trồng các loại dược liệu theo đúng quy trình đã cam kết. Với cách làm này, Đại Phú An có được nguồn dược liệu ổn định, đảm bảo chất lượng, còn người đồng bào dân tộc thiểu số có nguồn thu nhập ổn định cho gia đình, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Gia đình bà Hà Thị Hoa (ở xã Đại Phác, huyện Văn Yên), một trong những hộ dân liên kết trồng dược liệu với doanh nghiệp chia sẻ, từ những diện tích đất trồng sắn, trồng khoai cho thu nhập thấp, gia đình bà Hoa đã chuyển sang trồng cây dược liệu. Trong quá trình trồng dược liệu, gia đình được doanh nghiệp cung cấp cây giống, hướng dẫn cách chăm sóc, thu hái. Sau đó công ty đến tận vườn thu mua nên rất yên tâm, nhờ vậy mà đời sống được cải thiện.

Khách hàng tìm hiểu những sản phẩm OCOP của Đại Phú An

Khách hàng tìm hiểu những sản phẩm OCOP của Đại Phú An

Ngoài việc tạo sinh kế cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số từ việc trồng thảo dược, Đại Phú An còn tạo công ăn việc làm trực tiếp cho hàng trăm lao động làm việc tại vùng ươm trồng dược liệu, nhà máy sản xuất sản phẩm chăm sóc sức khỏe và lao động làm việc trong khu nghỉ dưỡng.

Với việc xây mô hình hệ sinh thái chăm sóc sức khỏe kết hợp phát triển vùng dược liệu ở vùng đồng bào dân tộc và miền núi, Công ty Nam dược Đại Phú An đang dần khẳng định hướng đi đúng của mình, giúp đem lại sức khỏe cho người bệnh, tạo thu nhập cho người dân và nâng cao hiệu quả kinh tế cho doanh nghiệp.

Ngày 21/7/2023, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 2951/QĐ-BYT về việc phê duyệt Đề án Phát triển các loại hình dịch vụ, sản phẩm y dược cổ truyền phục vụ khách du lịch đến năm 2030.

Một số nhiệm vụ chủ yếu và lộ trình phát triển các loại hình dịch vụ, sản phẩm y dược cổ truyền phục vụ khách du lịch đến năm 2030 được đề án đặt ra gồm:

- Xây dựng 5 dòng cung ứng dịch vụ, sản phẩm y dược cổ truyền phục vụ khách du lịch: du lịch chăm sóc sức khỏe bằng y dược cổ truyền; du lịch thẩm mỹ bằng y dược cổ truyền; du lịch dược liệu và thuốc cổ truyền; du lịch khám phá y dược cổ truyền và văn hóa bản địa; du lịch học thuật y dược cổ truyền.

- Xây dựng mô hình nghỉ dưỡng kết hợp với sử dụng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe bằng y dược cổ truyền, tăng cường sử dụng các dịch vụ, sản phẩm chăm sóc sức khỏe bằng y dược cổ truyền tại khu du lịch sinh thái, du lịch tâm linh, khu nghỉ dưỡng, khách sạn có tiềm năng,...

- Lộ trình đến năm 2025, thí điểm xây dựng 5 mô hình nghỉ dưỡng kết hợp với sử dụng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe và sản phẩm y dược cổ truyền. Đến năm 2030, Kết nối và hình thành hệ thống mô hình nghỉ dưỡng kết hợp với sử dụng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe và sản phẩm y dược cổ truyền trên toàn quốc.

Linh Nhi/giadinhmoi.vn

Tin liên quan

Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO