Đẩy mạnh chuyển đổi số để bán sản phẩm dược liệu
Ứng dụng công nghệ thông tin trong trong việc quảng bá thương hiệu, xúc tiến thương mại được xem là những giải pháp tối ưu cho việc tiêu thụ sản phẩm của hợp tác xã trong giai đoạn hiện nay. Bắt kịp xu hướng đó, thời gian qua, nhiều hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn đã tăng cường chuyển đổi số để mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao năng lực cạnh tranh và giá trị sản phẩm.
Hợp tác xã Thiên An (ở thôn Nà Ít, xã Vi Hương, huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn) là một điển hình của tỉnh trong việc ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý, giới thiệu sản phẩm dược liệu bằng nhiều kênh quảng bá khác nhau. Từ đó, các sản phẩm của hợp tác xã không chỉ cung cấp đến khách hàng trong tỉnh mà đã tiếp cận được khách hàng khắp cả nước và đang hướng đến xuất khẩu.
Chị Lý Thị Quyên - Giám đốc Hợp tác xã Thiên An chia sẻ: “Với đam mê và mục tiêu phát huy thế mạnh của dân tộc mình (dân tộc Dao) là dược liệu và thổ cẩm, tôi đã vận động thành lập Hợp tác xã Thiên An nhằm giữ gìn và phát huy văn hóa đặc trưng của dân tộc thông qua các sản phẩm chăm sóc sức khỏe và tiêu dùng”.
Các sản phẩm dược liệu của Hợp tác xã Thiên An được sản xuất bằng nguồn nguyên liệu sạch, là các loại dược liệu được chính các hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương gieo trồng, với các sản phẩm chủ yếu như: thuốc tắm cho người lớn, trẻ em và phụ nữ sau sinh; thuốc xoa bóp, cao gắm giúp cải thiện sức khỏe người tiêu dùng; sản phẩm gối bằng thổ cẩm đẹp mắt với ruột gối làm bằng dược liệu...
Trước đây, các sản phẩm của Hợp tác xã Thiên An làm ra chỉ mới cung cấp được khách hàng tại địa phương, rộng hơn là khách hàng trong tỉnh. Năm 2020, xã Vi Hương được lựa chọn là một trong 7 xã trong toàn quốc triển khai thí điểm chương trình chuyển đổi số xây dựng xã thông minh. Được sự quan tâm của các cấp, các ngành, Hợp tác xã Thiên An đã đi đầu thực hiện chuyển đổi số để quảng bá, tiếp thị và bán các sản phẩm của địa phương trên môi trường mạng.
Để triển khai việc bán sản phẩm online, Hợp tác xã Thiên An đã được đầu tư về cơ sở vật chất như máy tính, máy in hiện đại và các trang thiết bị cần thiết khác. Bên cạnh đó, các thành viên của hợp tác xã đã được tham gia tập huấn, tìm hiểu về chuyển đổi số, được tư vấn những nội dung chuyển đổi số phù hợp với điều kiện đặc thù ở địa phương. Ngoài ra, Hợp tác xã Thiên An còn được hỗ trợ xây dựng trang thông tin điện tử để quảng bá về các sản phẩm và tư vấn bán hàng chuyên nghiệp...
Cũng trong năm 2020, Hợp tác xã Thiên An đã liên kết được với 50 hộ dân ở địa phương và phát triển 10ha dược liệu để có đủ nguồn nguyên liệu tạo ra những sản phẩm tốt nhất cung ứng ra thị trường.
Sản phẩm dược liệu đắt hàng nhờ lên sàn thương mại điện tử
Hiện nay, các sản phẩm dược liệu của Hợp tác xã Thiên An đã có mặt trên các sàn thương mại điện lớn của nước ta như: Shopee, Voso, Postmart… Cùng với đó, các sản phẩm dược liệu của hợp tác xã còn đang được bán nhiều trên các trang mạng xã hội như facebook, tiktok… Hợp tác xã cũng đã quản lý hàng hóa, hàng tồn kho, khách hàng, doanh thu trên nền tảng công nghệ thông tin một cách khoa học và hiệu quả.
Chị Lý Thị Quyên cho biết thêm, đến thời điểm hiện tại, Hợp tác xã Thiên An có 9 sản phẩm được chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh. Trong số đó có 4 sản phẩm dược liệu gồm: Thảo dược tắm dành cho phụ nữ sau sinh “Phục dưỡng hoa”; Thảo dược tắm dành cho người lớn “Mộc vượng xuân”; Thảo dược tắm dành cho trẻ em “An mộc nhi”; Thảo dược ngâm chân Thiên An.
Đặc biệt, trong số 9 sản phẩm OCOP có 1 sản phẩm kết hợp cả dược liệu và thổ cẩm, đó là gối thổ cẩm dược liệu. Phía bên ngoài vỏ gối là sử dụng họa tiết hoa văn của người Dao, bên trong là sử dụng lõi dược liệu, đem lại tác dụng tốt đối với sức khỏe của con người. Đây là sản phẩm được nhiều người ưa chuộng và biết đến của Hợp tác xã Thiên An.
Các sản phẩm dược liệu của Hợp tác xã Thiên An đều đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng, có nguồn gốc rõ ràng giúp khách hàng yên tâm sử dụng. Nhờ việc ứng dụng chuyển đổi số, bán hàng trên trên nền tảng công nghệ số đã giúp Hợp tác xã Thiên An ngày một lớn mạnh hơn.
Nếu như năm 2015, thời điểm mới thành lập, Hợp tác xã Thiên An có 12 thành viên, với số vốn điều lệ là 500 triệu đồng, thì đến nay Hợp tác xã Thiên An đã có 22 thành viên, vốn điều lệ tăng lên là 1,5 tỷ đồng. Sự phát triển của Hợp tác xã Thiên An tạo việc làm cho 50 lao động đều là lao động nữ người dân tộc thiểu số đang sinh sống trên địa bàn xã Vi Hương, với thu nhập nhập bình quân 5 triệu đồng/người/ tháng.
Ngoài ra, theo nhận định của chị Quyên, so với bán hàng tại địa phương hay bán hàng theo phương pháp truyền thống như bán tại hội chơ thì việc bán sản phẩm dược liệu trên sàn thương mại điện tử giúp Hợp tác xã Thiên An tiếp cận được nhiều khách hàng hơn. Khách hàng không chỉ giới hạn ở trong huyện, trong tỉnh, mà còn đến được với khách hàng trên toàn quốc. Từ đó giúp nâng cao thu nhập cho bà con trồng dược liệu, cũng như tăng thu nhập của các thành viên trong hợp tác xã.
An AnBạn đang xem bài viết Bắc Kạn: Sản phẩm dược liệu vươn xa nhờ sàn thương mại điện tử tại chuyên mục Sống khỏe của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].