Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS.Trần Tuyết Ánh, Vụ trưởng Vụ Gia đình, Tổ trưởng Tổ soạn thảo nghiên cứu, xây dựng thí điểm Bộ chỉ số gia đình hạnh phúc nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nghiên cứu, xây dựng thí điểm Bộ chỉ số gia đình hạnh phúc ở Việt Nam.
Tại Hội thảo, PGS. TS. Trần Thị Minh Thi, Phó Viện trưởng Viện Thông tin Khoa học xã hội, tổ phó tổ soạn thảo, chuyên gia chịu trách nhiệm chính nghiên cứu, xây dựng thí điểm Bộ chỉ số gia đình hạnh phúc đã trình bày Báo cáo “Xây dựng, tổ chức thí điểm Bộ chỉ số gia đình hạnh phúc và tổng kết, đánh giá”. Báo cáo tập trung vào 3 vấn đề:
- Thứ nhất là cơ sở lý luận và thực tiễn về xây dựng chỉ số gia đình hạnh phúc. Trên cơ sở thông tin tổng quan các định nghĩa về hạnh phúc, báo cáo nêu và phân tích cơ sở đo lường hạnh phúc gồm: đo lường hạnh phúc cá nhân; đo lường hạnh phúc của cộng đồng; đo lường hạnh phúc của gia đình. Báo cáo cũng nêu và phân tích cơ sở thực tiễn về xây dựng chỉ số gia đình hạnh phúc ở một số nước trên thế giới và việc thí điểm thực hiện ở thành phố Hồ Chí Minh và Yên Bái.
- Thứ hai là chỉ số hạnh phúc theo từng chiều cạnh. Báo cáo nêu và phân tích 6 nhóm tiêu chí chính của gia đình hạnh phúc gồm: 1) Tiêu chí về chất lượng các mối quan hệ trong gia đình với 11 chỉ báo thành phần; 2) Tiêu chí về y tế, chăm sóc sức khoẻ với 7 chỉ báo thành phần; 3) Tiêu chí kinh tế, việc làm, thu nhập 6 chỉ báo thành phần; 4) Tiêu chí cân bằng công việc và cuộc sống với 8 chỉ báo thành phần; 5) Tiêu chí an sinh xã hội và mạng lưới xã hội với 8 chỉ báo thành phần; 6) Tiêu chí chất lượng môi trường sống, cơ sở hạ tầng, dịch vụ công với 10 chỉ báo thành phần. Tương ứng với mỗi nhóm tiêu chí là thang điểm đánh giá từ 1-10 và trọng số từ 10%-30%.
- Thứ ba là hướng dẫn triển khai thí điểm Bộ Chỉ số gia đình hạnh phúc. Trước hết, việc thực hiện thí điểm Bộ chỉ số gia đình hạnh phúc cần đảm bảo các nguyên tắc như: i) có sự rà soát, lồng ghép và thống nhất với các bộ tiêu chí liên quan đến gia đình hiện đang triển; ii) đơn giản, để hiểu, dễ thực hiện, sát thực tế; tránh sự triển khai mang tính hình thức, trùng lặp; iii) thận trọng, lấy ý kiến góp ý rộng rãi của người dân, các nhà quản lý, các chuyên gia, các nhà khoa học; iv) triển khai thí điểm theo các vùng văn hóa trên cả nước; có xây dựng bộ tài liệu hướng dẫn thí điểm Bộ tiêu chí mới, xác định mô hình truyền thông, giáo dục xây dựng gia đình hạnh phúc, xây dựng tài liệu/khóa tập huấn hướng dẫn kỹ năng xây dựng gia đình hạnh phúc. Hai là đối tượng, phạm vi áp dụng Bộ chỉ số gia đình hạnh phúc là hộ gia đình, thôn, bản, tổ dân phố, cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan. Ba là phương án triển khai thí điểm và quy trình triển khai khảo sát thí điểm. Báo cáo đề cập chi tiết các nội dung từ mục đích, yêu cầu khảo sát; phạm vi, đối tượng khảo sát; loại hình khảo sát; thời điểm, thời gian, phương pháp khảo sát; nội dung, phiếu khảo sát, hướng dẫn trả lời phiếu khảo sát; quy trình xử lý thông tin và biểu đầu ra của cuộc khảo sát; kế hoạch tiến hành khảo sát thí điểm; tổ chức khảo sát.
Các đại biểu tham dự Hội thảo đã có những trao đổi, thảo luận sâu trên cơ sở thực tiễn triển khai từ tuyến cơ sở. Các ý kiến đều thống nhất về sự cần thiết phải xây dựng, triển khai thí điểm bộ chỉ số gia đình hạnh phúc ở Việt Nam, đồng thuận với 6 nhóm tiêu chí chính của gia đình hạnh phúc và hướng dẫn triển khai. Đồng thời, các ý kiến trao đổi cũng có những góp ý chi tiết liên quan đến các chỉ số thành phần, trọng số điểm, đến phương thức triển khai và thời gian triển khai.
Phát biểu bế mạc Hội thảo, TS.Trần Tuyết Ánh, Vụ trưởng Vụ Gia đình trân trọng cảm ơn các ý kiến góp ý rất sôi nổi, nhiệt tình của các đại biểu tham dự và đề nghị đại diện các sở, ban, ngành, các Hội ở thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục gửi các ý kiến góp ý bằng văn bản (nếu có) để Tổ soạn thảo có thể hoàn thiện hơn nữa Bộ chỉ số gia đình hạnh phúc của Việt Nam.
An AnBạn đang xem bài viết Xây dựng Bộ chỉ số gia đình hạnh phúc ở Việt Nam tại chuyên mục Nghiên cứu Khoa học của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].