Trẻ mỗi độ tuổi khác nhau cần có sự dạy dỗ về việc chia sẻ với mọi người khác nhau.
Tuy nhiên nếu bắt trẻ phải chia sẻ quá sớm, bạn có thể đang mắc sai lầm vì những lý do sau đây.
1. Trẻ nhỏ không hiểu chia sẻ nghĩa là gì
Trẻ còn quá nhỏ sẽ khó có thể hiểu được khái niệm chia sẻ. Do đó đừng cố gắng giải thích cho trẻ rằng chúng phải chia sẻ đồ chơi với các bạn. Trẻ sẽ không thể hiểu và lời nói của bạn cũng không dạy được trẻ điều gì.
Hãy đợi khi trẻ đã phát triển đầy đủ về trí não và cảm xúc để có thể hiểu được mối liên quan giữa chia sẻ và yêu thương và vì sao chia sẻ với mọi người là điều tốt.
2. Sự sở hữu giúp trẻ xây dựng ý thức về bản thân
Một trong những lý do trẻ nhỏ không hiểu khái niệm chia sẻ là bởi trẻ vẫn chưa có quan niệm về bản thân như một cá nhân riêng biệt.
Việc sở hữu những món đồ chơi chỉ là của riêng trẻ và không ai khác được chơi sẽ giúp trẻ hiểu và ý thức được về bản thân hơn.
Vì vậy khi trẻ chọn một thứ gì đó và quyết định nó là của mình, trẻ không phải là ích kỷ mà chỉ đang "thử nghiệm giả thuyết rằng chúng là những cá nhân".
Trẻ cũng không hiểu rằng ở độ tuổi của trẻ, những món đồ đó có thể là của người khác nữa chứ không phải của riêng chúng.
3. Trẻ nghĩ rằng chia sẻ là cho đi món đồ chơi đó mãi mãi
Trẻ cũng chưa có khái niệm về thời gian, vậy nên khi cha mẹ nghĩ rằng để bạn khác chơi đồ chơi của trẻ một chốc là bình thường, thì trẻ sẽ cho rằng đó mình đã mất luôn món đồ chơi đó.
Trẻ không thể hiểu là bạn sẽ chỉ chơi một lúc và rồi trả lại. Tương tự trẻ cũng khó hiểu khái niệm "lần lượt chơi" của người lớn.
4. Trẻ không biết kiểm soát cơn bốc đồng của mình
Trẻ nhỏ chưa đủ khả năng để kiểm soát hành vi, cảm xúc của mình. Khi trẻ muốn thứ gì đó và muốn nó là của riêng mình, người lớn khó có thể dùng lời nói để thuyết phục trẻ.
Làm thế nào để trẻ biết nên chia sẻ?
Thông thường, trẻ nhỏ có thể chia sẻ món đồ nào đó với bạn. Tuy nhiên đây không phải một hành vi chia sẻ có ý thức mà trẻ chỉ đang khám phá, thử nghiệm thôi.
Nếu trẻ làm vậy, bạn có thể khen hành động chia sẻ đó của trẻ là tốt, thơm thảo và cũng chia sẻ lại với trẻ. Đây là một cách để giáo dục trẻ.
Bên cạnh đó, nếu có trẻ khác giành đồ chơi của con bạn, bạn cần cho trẻ cảm thấy trẻ được thấu hiểu. Bạn có thể giải thích cảm xúc của trẻ và nhấn mạnh rằng bạn hiểu trẻ không thích bị cướp đồ chơi.
Bạn cũng nên nói trẻ phải giữ chặt đồ của mình vì đó là quyền của trẻ.
Với đứa trẻ giành đồ chơi, bạn có thể nhắc nhở trẻ lần sau phải xin phép trước thay vì giành lấy đồ.
Tuy nhiên, cha mẹ không nên ép con phải chia sẻ đồ chơi với bạn, vì con có thể cảm thấy tiêu cực với khái niệm này, khiến con càng "ích kỷ" và chỉ muốn giữ đồ của mình hơn.
Càng lớn, con bạn sẽ dần hiểu rõ hơn về thế giới, thậm chí thích chia sẻ vì chúng thấy được rằng điều đó sẽ làm người khác hạnh phúc.
Bạn đã dạy con chia sẻ từ bao giờ và có bí quyết nào không? Hãy cùng chia sẻ nhé.
(Theo Bright Side)
Hoàng NguyênBạn đang xem bài viết Vì sao cha mẹ không nên dạy trẻ nhỏ phải chia sẻ? tại chuyên mục Dạy con của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].