Chương trình tầm soát ung thư đại trực tràng được TP.Hà Nội và Sở Y tế Hà Nội phối hợp với Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Thu Cúc triển khai từ tháng 11/2017. Chương trình được thực hiện đầu tiên trên địa bàn quận Tây Hồ.
Theo đó, người dân được xét nghiệm tìm máu ẩn trong phân (FOBT), mà mắt thường không nhìn thấy.
FOBT không khẳng định mắc ung thư hay không, bởi có nhiều nguyên nhân dẫn tới máu trong phân như viêm loét đại tràng, trĩ... Nhưng đây là xét nghiệm đơn giản để đánh giá nguy cơ ung thư đại tràng, có tính chất gợi ý, giúp bác sĩ chỉ định làm các xét nghiệm chuyên sâu khác.
Người dân trên địa bàn quận được hướng dẫn lấy mẫu phân tại nhà. Mỗi mẫu xét nghiệm mã hóa code để tránh nhầm lẫn và bảo mật thông tin. Nếu kết quả dương tính, bệnh nhân sẽ được bác sĩ tư vấn và nội soi miễn phí để chẩn đoán chính xác.
Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà cho biết, Chương trình tầm soát ung thư đại trực tràng miễn phí cho người dân Thủ đô là một hoạt động nhân văn, có ý nghĩa và đầy trách nhiệm giúp người dân Thủ đô phát hiện sớm căn bệnh nguy hiểm này.
Với công nghệ tiên tiến, hiện đại từ Nhật Bản, sự phối hợp của các tuyến y tế cơ sở, nhiều người dân đã được làm xét nghiệm tầm soát bệnh sớm, kịp thời phát hiện và điều trị polyp, ung thư đại tràng ở giai đoạn sớm, giúp giảm chi phí điều trị và nhanh chóng phục hồi sức khỏe.
Trong thời gian tới, Sở Y tế Hà Nội sẽ tiến hành mở rộng Chương trình tầm soát ung thư đại trực tràng miễn phí cho người dân Thủ đô ở hầu hết các quận/huyện của thành phố nhằm giúp cộng đồng nâng cao nhận thức về bệnh, phát hiện sớm, tăng cơ hội chữa khỏi.
Theo Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật cao và tiêu hóa Hà Nội Nguyễn Quỳnh Anh, người dân nên làm FOBT hàng năm để đánh giá nguy cơ ung thư đại tràng. Nhưng cần lưu ý, không xét nghiệm khi bị trĩ chảy máu, hoặc đang trong kỳ kinh nguyệt. Trước 2 ngày lấy mẫu phân, không sử dụng các loại thuốc gây chảy máu (Aspirin, Plavix, Corticoid…) và đồ uống có cồn.
Đặc biệt, người có tiền sử gia đình mắc ung thư đại trực tràng, hoặc bản thân bị hội chứng đa polyp, viêm loét đại tràng... đều có nguy cơ cao. Do đó, ngoài xét nghiệm tìm máu trong phân, những người có nguy cơ cao nên sàng lọc chuyên sâu hơn, bao gồm nội soi đại tràng để phát hiện chính xác bệnh.
Ung thư đại trực tràng là một trong những căn bệnh ung thư phổ biến tại Việt Nam cũng như trên thế giới. Bệnh thường gặp ở người trên 40 tuổi và có xu hướng gia tăng trong những năm gần đây. Khoảng 50% ca ung thư đại trực tràng tử vong, chỉ 30% được chẩn đoán sớm.
Bệnh ung thư đại trực tràng có thể phòng ngừa nếu tầm soát phát hiện sớm polyp tổn thương tiền ung thư. Polyp được cắt bỏ kịp thời, ngăn ngừa tiến triển thành khối u ác. Ở giai đoạn sớm, tỷ lệ sống sau 5 năm đến 92% đối với ung thư đại tràng, 87% với ung thư trực tràng.
Linh NhiBạn đang xem bài viết Hà Nội triển khai chương trình tầm soát ung thư đại trực tràng miễn phí cho người dân tại chuyên mục Sống khỏe của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].