Đó là những nội dung chính được gần 30 tham luận trình bày tại Hội thảo Quốc gia "Trang thiết bị y tế trong kỷ nguyên 4.0 và Trí tuệ nhân tạo trong Y tế" lần thứ 15 do Hội Thiết bị Y Tế Việt Nam tổ chức trong 2 ngày 26 và 27/72019.
Hội thảo đã thu hút hơn 400 đại biểu là lãnh đạo các Vụ, Cục thuộc Bộ Y tế, Sở y tế các tỉnh, giám đốc các BV Trung ương, tỉnh và các cán bộ kỹ thuật trang thiết bị y tế (TTBYT) trong cả nước...
Mở đầu hội thảo, GS.TS Nguyễn Thanh Thủy- Trưởng phòng Thí nghiệm Mục tiêu Trí tuệ Nhân tạo – Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội đã đề cập các thành tựu nghiên cứu, tiềm năng ứng dụng và những tiền đề cần ưu tiên cho phát triển trí tuệ nhân tạo ở Việt Nam trong bối cảnh Cách mạng Công nghiệp 4.0.
Qua đó định hướng cho các nghiên cứu phát triển và ứng dụng các công nghệ của công nghiệp 4.0 sẽ được triển khai tại các đơn vị Y tế của Việt Nam trong khuôn khổ Chương trình KHCN trọng điểm Quốc gia KC4.0/2019-2025 giai đoạn 2019-2021.
Trong bài tham luận của mình, GS.TS.TTND Lê Ngọc Thành- Giám đốc Bệnh viện E khẳng định vai trò của kỹ thuật công nghệ mới là rất lớn, đặc biệt là trong việc áp dụng để chữa bệnh.
Theo đó, các phẫu thuật viên Tim mạch coi thế kỷ 21 là thế kỷ thuộc lĩnh vực Phẫu thuật ít xâm lấn, nhất là trong phẫu thuật tim hở đã đem lại hiệu quả lớn.Tại Bệnh viện E, từ năm 2013, BV E đã dành riêng một phòng mổ phẫu thuật tim hở bằng nội soi 3D.
Việc ứng dụng công nghệ này, đã giúp cho các phẫu thuật viên thao tác dễ dàng, chính xác, an toàn, rút ngắn thời gian phẫu thuật, mang lại hiệu quả hết sức lớn cho người bệnh.
Nhờ đó 5 năm qua, gần 700 người mắc các các bệnh lý: van tim, mạch vành, u trong tim, tim bẩm sinh … đã được phẫu thuật an toàn nhờ phương pháp nội soi 3D.
Đề cập đến các số liệu, hình ảnh, thông tin đã có, lưu trữ và lan truyền dưới dạng số hóa, tạo thành nền tảng cho việc chẩn đoán, điều trị hay chăm sóc bệnh nhân, TSKH Vũ Công Lập – Viện vật lý Y Sinh học đưa ra nhận định, cho đến nay Y học đã trải qua 3 giai đoạn, từ Y học đơn giản hiểu theo nghĩa thông thường, đến y học dựa trên sự kiện và bây giờ là y học chính xác.
Qua mỗi giai đoạn, dữ liệu ngày càng nhiều hơn và sự trợ giúp của công nghệ cho con người càng mạnh mẽ hơn. Theo ý nghĩa đó, thời đại ngày nay đã chuyển sang y học chính xác, với dữ liệu lớn, với trí tuệ nhân tạo, với người máy… đưa đến những chẩn đoán chính xác hơn, những phác đồ điều trị chính xác hơn, để bệnh nhân được chăm sóc tốt hơn và có những trải nghiệm dễ chịu hơn trong quá trình được chăm sóc y tế.
Để tiếp cận và ứng dụng tốt các công nghệ mới trong lĩnh vực TTBYT, theo ông Hà Đắc Biên, Tổng thư ký Hội Thiết bị Y tế Việt Nam thì việc đào tạo liên tục cho chuyên ngành kỹ thuật TTBYT là rất cần thiết.
Bởi hàng năm các TTBYT được các nhà sản xuất liên tục cải tiến, cập nhật những tiến bộ mới nhất của các chuyên ngành như: Điện tử, quang học, tin học, sinh hóa học, vật liệu học… thì người vận hành và bảo dưỡng cũng phải cập nhật kiến thức thường xuyên thông qua đào tạo liên tục.
Chính vì lẽ đó, hàng năm Hội phối hợp chặt chẽ với các Công ty kinh doanh TTBYT, văn phòng đại diện của các nhà sản xuất TTBYT có uy tín trên thế giới có mặt tại Việt Nam tổ chức các hội thảo cũng như tập huấn khu vực giới thiệu công nghệ, sản phẩm TTBYT mới cho các hội viên là những kỹ thuật viên.
Hiện nay, Hội đã xây dựng chương trình và biên soạn nhiều tài liệu về đào tạo, tư vấn kỹ thuật TTBYT được Bộ y tế thẩm định. Chương trình gồm 7 modul, thuộc 7 chuyên khoa về các thiết bị hình ảnh y tế; xét nghiệm cận lâm sàng; vật lý trị liệu, nhãn khoa, tai mũi họng, răng hàm mặt; phòng mổ, hồi sức cấp cứu; xạ trị và y học hạt nhân; kiểm soát nhiễm khuẩn và xây dựng danh mục TTBYT cho một dự án đầu tư.
Hội cũng đồng thời xây dựng chương trình và biên soạn 2 tài liệu hướng dẫn vận hành, bảo dưỡng TBYT đảm bảo an toàn, chính xác cho hệ thống máy thở và máy gây mê kèm thở; hệ thống máy X.quang chẩn đoán và X.quang can thiệp.
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn khẳng định: những năm qua Ngành Y tế luôn quan tâm lắp đặt, mua sắm các TTB mới. Các dự án ở các bệnh viện bây giờ xây dựng cơ sở y tế mới, bênh viện mới bên cạnh gói thầu xây dựng về cơ sở vật chất, bao giờ hai gói thầu cực kỳ quan trọng, đó là gói thầu về TTB và gói thầu về công nghệ thông tin.
Thứ trưởng nhấn mạnh, TTBYT luôn là một trong “bốn chân” của bệnh viện bên cạnh cơ sở vật chất, công nghệ thông tin và nguồn nhân lực. Việc mua sắm các TTB đòi hỏi chúng ta phải luôn luôn tiếp cận những thế hệ mới nhất, đảm bảo an toàn nhất và quản lý trang thiết bị theo vòng đời một cách hiệu quả nhất, luôn luôn có bảo trì bảo hành mang lại tính an toàn cho người bệnh.
ĐNBạn đang xem bài viết Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong y tế Việt Nam: Thời cơ và thách thức tại chuyên mục Tin tức của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].