Tự ý mua thuốc chữa đái tháo đường, người đàn ông bị suy đa tạng

Có tiền sử bị đái tháo đường nhiều năm nhưng người đàn ông không điều trị theo chỉ định của bác sĩ mà tự ý mua thuốc có chứa chất cấm về uống và dẫn đến suýt mất mạng.

Suýt thiệt mạng vì chữa bệnh bằng thuốc không rõ nguồn gốc

Một nam bệnh nhân 63 tuổi, ở Sóc Sơn, Hà Nội bị bệnh đái tháo đường (tiểu đường) đã 20 năm, kèm theo bệnh tăng huyết áp.

Nhưng thay vì dùng thuốc điều trị theo chỉ định của bác sĩ, bệnh nhân lại mua rất nhiều loại thuốc về uống để tự chữa bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp của mình.

“Vì mắc nhiều bệnh cùng lúc nên mỗi ngày ông ấy uống rất nhiều loại thuốc khác nhau để chữa bệnh. Tôi cũng không biết ông ấy đã uống những loại nào.

Chỉ biết, loại thuốc ông ấy uống gần thời điểm nhập viện nhất là thuốc chữa tiểu đường, có cả dạng bột và dạng viên tròn, Loại thuốc viên nhìn như hạt đỗ, với 2 màu là vàng và nâu” – vợ của bệnh nhân chia sẻ.

  Người đàn ông bị suy đa tạng phải vào viện cấp cứu vì tự ý mua thuốc không rõ nguồn gốc, thành phần để uống chữa bệnh

Người đàn ông bị suy đa tạng phải vào viện cấp cứu vì tự ý mua thuốc không rõ nguồn gốc, thành phần để uống chữa bệnh

Điều đáng nói là, thuốc bệnh nhân uống có nhiều loại là do nghe theo lời truyền miệng của người khác, rằng “tôi uống thấy đỡ”, “tôi uống khỏi bệnh” hoặc do xem trên mạng thấy người ta nói hay, nói tốt là mua về uống mà không biết rõ nguồn gốc, tác dụng thực sự của thuốc.

Sau khi dùng thuốc không rõ nguồn gốc để chữa bệnh, bệnh nhân cảm thấy mệt mỏi, người yếu dần và được người nhà đưa vào BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 để cấp cứu trong tình trạng vật vã, kích thích, kèm theo tụt huyết áp, suy thận, suy đa tạng.

Bác sĩ Nguyễn Viết Nam, khoa Cấp cứu, BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 cho biết, khi bệnh nhân vào cấp cứu, các bác sĩ đã tiến hành thăm khám và làm các xét nghiệm thì thấy có tình trạng toan chuyển hóa và toan lactic rất nặng, mạch của bệnh nhân bắt đầu rời rạc, có dấu hiệu ngừng tim…

Ngay lúc đó, các bác sĩ đã tiến hành cấp cứu, đặt ống nội khí quản, truyền thuốc vận mạch, bù dịch và lọc máu luôn cho bệnh nhân.

Sau khi lọc máu được 3 ngày thì sức khỏe của bệnh nhân có xu hướng cải thiện hơn. Đến hôm nay đã cắt được thuốc vận mạch và dừng lọc máu.

“Lúc đầu, khi bệnh nhân nhập viện với tình trạng nặng như vậy, không khai thác thông tin được gì nên chúng tôi bước đầu suy đoán bệnh nhân bị ngộ độc.

Sau đó, khi người nhà đến, khai thác tiền sử thì được biết bệnh nhân sử dụng thuốc Nam để điều trị tiểu đường mà không rõ thành phần trong các loại thuốc mình sử dụng.

Người nhà đưa các mẫu thuốc bệnh nhân đã uống cho chúng tôi. Và chúng tôi gửi mẫu thuốc sang bên Viện Pháp y làm xét nghiệm thì có kết quả là 1 loại thuốc có paracetamol, còn 1 loại có chất phenformin – một dược chất có trong thuốc điều trị tiểu đường đã bị cấm từ lâu.

Chất phenformin gây ra nhiều tác dụng phụ nguy hiểm như toan lactic rất nặng, suy thận. Điển hình như trường hợp bệnh nhân này, nếu vào viện chậm khoảng 5 phút thì có thể sẽ nguy hiểm đến tính mạng. Rất may bệnh nhân được đưa đến viện và được cấp cứu kịp thời.

Đến nay các chỉ số của bệnh nhân đã trở lại bình thường, hy vọng trong vài ngày tới sẽ rút ống nội khí quản cho bệnh nhân và theo dõi tiếp tình trạng bệnh nhân” – Bác sĩ Nam thông tin thêm.

  Hai loại thuốc bệnh nhân đã uống được phát hiện có paracetamol và phenformin – một dược chất có trong thuốc điều trị tiểu đường đã bị cấm từ lâu

Hai loại thuốc bệnh nhân đã uống được phát hiện có paracetamol và phenformin – một dược chất có trong thuốc điều trị tiểu đường đã bị cấm từ lâu

Dược chất Phenformin nguy hiểm thế nào?

Đánh giá về mức độ nguy hiểm khi sử dụng thuốc có thành phần phenformin, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Trưởng khoa Cấp cứu, BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, phenformin là một dược chất có tác dụng hạ đường huyết.

Tuy nhiên, trên thế giới từng ghi nhận nhiều trường hợp ngộ độc và tử vong do sử dụng thuốc có dược chất này.

Tác dụng phụ nghiêm trọng nhất khi sử dụng thuốc có chứa phenformin là tình trạng toan lactic trầm trọng, có thể gây tử vong trên 50% số người bị ngộ độc.

Do vậy, phenformin đã bị cấm sử dụng từ thập kỷ 70 của thế kỷ trước ở nhiều nước.

Dù hiện nay đã có nhiều loại thuốc điều trị tiểu đường mới an toàn hơn, nhưng phenformin vẫn lưu hành ở một số nước.

Bác sĩ Trung Cấp cho biết thêm, tuy ở Việt Nam không cho phép lưu hành dược chất phenformin, nhưng nhiều gian thương vẫn bán chui lủi dược chất này dưới dạng viên “thuốc thảo dược” không rõ hàm lượng.

Đặc biệt, những viên “thuốc thảo dược” này lại được quảng cáo có thể điều trị khỏi dứt điểm bệnh tiểu đường nên nhiều người nhẹ dạ đã mua uống, dẫn tới nhiều trường hợp ngộ độc thương tâm.

Qua đây, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp cũng đưa ra khuyến cáo với người dân, bệnh tiểu đường là bệnh mạn tính cần điều trị lâu dài và điều chỉnh chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt hàng ngày.

Cho đến hiện nay, trên thế giới chưa có loại thuốc nào giúp điều trị khỏi dứt điểm bệnh tiểu đường sau chỉ một vài đợt điều trị.

Hiện nay, chương trình quản lý bệnh tiểu đường đã được triển khai về đến bệnh viện tuyến quận/huyện, nên người bệnh tiểu đường nên đến các cơ sở y tế để khám, chữa bệnh.

Tại các cơ sở y tế, bệnh nhân sẽ được các bác sĩ chỉ định các biện pháp điều trị an toàn và tư vấn về dinh dưỡng, sinh hoạt phù hợp.

Tuyệt đối không nghe dụ dỗ quảng cáo về những phương thuốc “bí truyền” có thể chữa khỏi dứt điểm bệnh này mà dẫn đến tiền mất tật mang.

An An

Tin liên quan

từ khóa Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO Bất động sản- Tài chính