Tư tưởng Hồ Chí Minh về hôn nhân và gia đình: Đề cao tư tưởng bình đẳng giới, giải phóng phụ nữ

Hồ Chí Minh đề cao tư tưởng bình đẳng giới, giải phóng phụ nữ của chủ nghĩa Mac-Lê Nin và chủ nghĩa Nữ quyền. Đồng thời, Người cũng phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc xây dựng gia đình hòa thuận, cha mẹ nhân từ, con cái hiếu thảo, anh em như thể tay chân, vợ chồng hòa thuận, hạnh phúc.

Tự nhận là học trò của Marx, Engels, Lênin, Chủ tịch Hồ Chí Minh tán thành những quan điểm của các ông về gia đình. Người gắn sự nghiệp cách mạng chung của dân tộc với sự nghiệp giải phóng phụ nữ, xây dựng gia đình XHCN. Tuy nhiên,  Hồ Chí Minh cũng là người chịu ảnh hưởng của Nho giáo về gia đình và truyền thống tốt đẹp của dân tộc nên Người có các quan điểm phương Đông rất rõ nét, đặc biệt Người đã biết kết hợp cả ba giá trị một cách nhuần nhuyễn và khoa học. Đó là phát huy tinh hoa của Nho giáo kết hợp với việc tiếp thu tinh hoa của nhân loại là đề cao tư tưởng bình đẳng giới, giải phóng phụ nữ của chủ nghĩa Mac-Lê Nin và chủ nghĩa Nữ quyền; Phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc xây dựng gia đình hòa thuận, cha mẹ nhân từ, con cái hiếu thảo, anh em như thể tay chân, vợ chồng hòa thuận, hạnh phúc.

1. Phát huy tinh hoa của Nho giáo được Việt hóa và kết hợp với văn hóa bản địa

Tán thành nhiều quan điểm của Nho giáo về gia đình, Người cho rằng: Gia đình và xã hội luôn gắn bó khăng khít  với nhau, mỗi gia đình là tế bào của xã hội. Muốn có xã hội tốt đẹp, tiến bộ, phải quan tâm đến gia đình. Các gia đình yên ấm hạnh phúc sẽ tạo nên xã hội lành mạnh văn minh. Người viết: “Rất quan tâm đến gia đình là đúng vì nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội. Gia đình tốt thì xã hội mới tốt. Xã hội tốt thì gia đình càng tốt hơn. Hạt nhân của xã hội là gia đình. Chính vì muốn xây dựng CNXH mà phải chú ý hạt nhân cho tốt” (Hồ Chí Minh, 1989)

Để có những thế hệ công dân tốt, theo Hồ Chủ Tịch các gia đình cần coi trọng việc nuôi dạy con cháu. Giáo dục trẻ em là một khoa học, đồng thời cũng là một nghệ thuật.            

Sau Cách mạng tháng 8/1945, Người chỉ đạo xây dựng Hiến pháp năm 1946 trong đó xóa bỏ mọi hủ tục khắt khe với phụ nữ và Người chỉ đạo xây dựng Luật Hôn nhân và Gia đình năm 1959 để định hướng cho một vấn đề mang tính trọng đại của đất nước. Theo Người, đây sẽ là bộ luật tiến bộ nhất của Việt Nam về hôn nhân và gia đình và đây cũng là luật mang tính cách mạng. Trong Luật có Điều 2 là: Xoá bỏ những tàn tích còn lại của chế độ hôn nhân phong kiến cưỡng ép, trọng nam khinh nữ, coi rẻ quyền lợi của con cái và Điều 3: Cấm tảo hôn, cưỡng ép kết hôn, cản trở hôn nhân tự do, yêu sách của cải trong việc cưới hỏi, đánh đập hoặc ngược đãi vợ. Cấm lấy vợ lẽ. Ở đây Luật nói rất rõ là “Xoá bỏ những tàn tích còn lại của chế độ hôn nhân phong kiến” mà không nói là “Xóa bỏ Nho giáo”. Những điều khoản khác như Điều 7: Việc để tang không cản trở việc kết hôn; Điều 8: Đàn bà goá có quyền tái giá; Khi tái giá, quyền lợi của người đàn bà goá về con cái và tài sản được bảo đảm; Điều 12: Trong gia đình, vợ chồng đều bình đẳng về mọi mặt là để xóa bỏ mọi hủ tục của Nho giáo.

Còn Điều 17: Cha mẹ có nghĩa vụ thương yêu, nuôi nấng, giáo dục con cái; Con cái có nghĩa vụ kính yêu, săn sóc, nuôi dưỡng cha mẹ là dựa trên nguyên tắc của Nho giáo và truyền thống dân tộc.

Hàng nghìn năm, Nho giáo tồn tại ở Việt Nam đã không còn là Nho giáo Trung Hoa nữa mà nó đã được Việt hóa vì nó kết hợp với nền văn hóa bản địa. Sự khác biệt giữa hai loại Nho giáo này rất rõ nét. Nho giáo Việt “mềm” hơn và nhân văn hơn. Đó là do Việt Nam có truyền thống tôn trọng phụ nữ, tôn trọng con người; Mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái không quá cứng nhắc và xa cách như quy tắc “ Sử” và “ Sự” của Trung Quốc; Quan hệ vợ chồng là tình yêu tự nhiên, giản dị “ Râu tôm nấu với ruột bầu” chứ không quá khuôn phép theo kiểu chủ tớ; Quan hệ anh chị em cũng có phần bình đẳng hơn.

Khi nghiên cứu các vấn đề xã hội, chúng tôi nhận thấy Hồ Chủ Tịch không đả kích Nho giáo mà trong nhiều phát biểu của mình, Người đã dẫn Nho giáo bởi Người thấy Nho giáo là kết tinh kinh nghiệm sống của con người từ hàng ngàn năm và có ý nghĩa giáo dục rất cao, có rất nhiều điểm hợp lý mà chúng ta có thể khai thác và cải thiện Nho giáo để nó phục vụ tốt hơn cho gia đình hiện đại.

Theo chúng tôi, ngày nay cần khuyến khích gia đình giáo dục con theo các chuẩn mực của Nho giáo nhưng phải có cải cách để phù hợp với tình hình mới. Chẳng hạn, những chuẩn mực về hiếu đễ; quan hệ vợ chồng chung thủy; Xây dựng đạo đức con người theo nhân, nghĩa, lễ trí tín và công dung, ngôn hạnh. Không chia tách đâu là nhân cách của nam và đâu là nhân cách của nữ vì họ đều là con người là thành viên của gia đình và công dân của xã hội.

Để làm tốt việc này cần cụ thể hóa các chuẩn mực để hướng dẫn cộng đồng, đặc biệt là cha mẹ phải được học tập để thấu hiểu và dạy con, cháu. Cần phải coi  giáo dục gia đình không chỉ là nguyên tắc mà còn là nghệ thuật.

Xây dựng gia đình hạnh phúc là trách nhiệm của mọi thành viên trong gia đình. Ảnh minh họa

Xây dựng gia đình hạnh phúc là trách nhiệm của mọi thành viên trong gia đình. Ảnh minh họa

2. Đề cao tư tưởng bình đẳng giới, giải phóng phụ nữ của chủ nghĩa Marx-Lê Nin và chủ nghĩa Nữ quyền

Hồ Chí Minh thấu hiểu nỗi khổ của người phụ nữ dưới chế độ cũ bị ràng buộc khắt khe với bao tập tục lạc hậu đã làm cho phụ nữ dốt nát, cực khổ, tối tăm. Trong chế độ thực dân nửa phong kiến, phụ nữ cũng bị áp bức về dân tộc và giai cấp như nam giới nhưng họ còn chịu một sự áp bức nữa là áp bức giới. Người viết: “Dưới chế độ phong kiến và thực dân phụ nữ bị áp bức tàn tệ. Ngoài xã hội phụ nữ bị xem khinh như nô lệ. Ở gia đình  thì họ bị kìm hãm trong xiềng xích “tam tòng”. Vì vậy cần giải phóng phụ nữ thoát khỏi những xiềng xích trói buộc họ đó chính là nội dung của Cách mạng xã hộichủ nghĩa. Nếu không giải phóng phụ nữ thì không giải phóng một nửa loài người. Nếu không giải phóng phụ nữ thì xây dựng Chủ nghĩa xã hội chỉ một nửa”. (Hồ Chí Minh, tập 10, 1996)

Khi còn nhỏ, cha đi làm xa, Bác Hồ đã gắn bó với mẹ và anh chị của mình. Hình ảnh người mẹ đầy vất vả, tần tảo đã khiến Bác Hồ thương cảm. Cụ Hoàng Thị Loan đã từng phải gánh đồ đạc một bên thúng, bên kia là con đi bộ từ Nghệ An vào Huế theo chồng đoàn tụ gia đình. Trong cuộc di chuyển này, Bác Hồ đã rất cơ cực nhưng Bác hiểu, mẹ Bác còn cơ cực gấp nhiều lần. Sau này khi đã là chủ tịch nước, Người đã có rất nhiều chính sách về gia đình và giải phóng phụ nữ.

Giống như Lê Nin ở Liên Xô sau thắng lợi của Cách Mạng tháng 10, Hồ Chủ Tịch đã thể hiện tính nhân văn của người đứng đầu đất nước. Theo Người, luật pháp mới có vai trò to lớn làm thay đổi thân phận phụ nữ,  giải phóng họ khỏi ách áo bức của thực dân, phong kiến và áp bức giới. Người viết: “Luật lấy vợ lấy chồng nhằm giải phóng người đàn bà, đồng thời tiêu diệt tư tưởng phong kiến tư sản ở người đàn ông” (Hồ Chí Minh,1989). Và “ Giải phóng phụ nữ không phải chỉ là giaỉ phóng bản thân họ mà còn là giải phóng các thế hệ con cháu họ là những công dân của đất nước, hướng gia đình tới những thay đổi tiến bộ và văn minh”. Người nhắc nhở  những cán bộ  tham gia xây dựng Luật Hôn nhân và Gia đình phải thận trọng vì “Luật này quan hệ đến tương lai của gia đình, của xã hội, của giống nòi”.(Hồ Chí Minh,1989)

Từ thực tế của đất nước, Người cho rằng việc thực hiện Luật Hôn nhân và gia đình sẽ gặp không ít khó khăn, đòi hỏi phải có thời gian, phải kiên trì vì tập quán cũ đã ăn sâu lâu đời trong nhân dân, cho nên công bố đạo luật này chưa phải là mọi việc đã xong mà còn phải tuyên truyền, giáo dục lâu dài mới thực hiện tốt. Sau này, khi luật ra đời, Người còn trực tiếp chỉ đạo,  đôn đốc, kiểm tra, theo dõi việc thi hành Luật. Người đã lên án mạnh mẽ và chỉ ra những hiện tượng vi phạm pháp luật, đó là tình trạng khinh rẻ coi thường, đánh đập phụ nữ, chửi mắng hành hạ, ép buộc con cái kết hôn, những tệ nạn yêu sách của cải trong cưới hỏi, tệ mẹ chồng áp bức nàng dâu. Là người chống bạo lực gia đình, Người chỉ rõ: “Khinh rẻ phụ nữ và dã man nhất là thói đánh vợ. Trong nhân dân và đảng viên vẫn còn thói xấu này. Thậm chí có cán bộ và đảng viên đánh vợ bị thương nặng khi vợ mới ở cữ. Mẹ chồng và chị em chồng đã không can ngăn thì chớ, lại còn thượng đấm tay, hạ đá chân”(Hồ Chí Minh, 1989).

Người phê phán mạnh mẽ thái độ của chính quyền địa phương và quần chúng đã  “Nhắm mắt làm ngơ” trước hành động xấu xa phạm pháp đó. Người giao trách nhiệm cho các cơ quan đảng, chính quyền các cấp, các đoàn thể nhân dân phải tuyên truyền, phổ biến, giáo dục và thi hành nghiêm luật pháp. Người khẳng định “Đảng bộ, chính quyền và đoàn thể quần chúng (trước hết là phụ nữ và thanh niên) cần phải ra sức tuyên truyền Luật Hôn nhân và Gia đình  sâu sắc, rộng hơn nữa và phải chấp hành thật nghiêm chỉnh. Những thói dã man đánh vợ, ép con cần phải chấm dứt. Lợi quyền của phụ nữ cần được thật sự đảm bảo”. (Hồ Chí Minh, 1989).

Xây dựng gia đình hạnh phúc là trách nhiệm của mọi thành viên trong gia đình nhưng trách nhiệm chính vẫn thuộc về những người chủ của gia đình đó là đôi vợ chồng. Theo Hồ Chủ Tịch cái gốc của hạnh phúc gia đình  là vợ chồng phải hoà thuận và “Muốn thuận vợ thuận chồng thì lấy nhau phải thực sự yêu thương nhau”. Sự hoà thuận trong gia đình là nhân tố đầu tiên để tạo nên hạnh phúc. Hoà thuận tạo nên tình cảm thương yêu, tôn trọng giữa các thành viên, sẵn sàng vượt qua mọi khó khăn để xây dựng hạnh phúc gia đình. Sự hoà thuận trong gia đình là nét đẹp trong truyền thống văn hóa Việt Nam.

Bộ luật Hôn nhân và Gia đình đã làm thay đổi căn bản gia đình Việt Nam ở miền Bắc trước năm 1975 và cả nước sau năm 1975 . Đây là nền tảng pháp lý đầu tiên về gia đình được nhân dân nhiệt tình ủng hộ.

3. Phát huy tính hiện đại của gia đình, từ tình cảm gia đình đến tình yêu cộng đồng, đất nước

Gia đình là tổ ấm nhỏ của mỗi người nhưng nếu chỉ bo bao trong tổ ấm đó thì con người không khác gì loài vật. Cái làm cho con người khác loài vật là sự liên kết thành xã hội vì vậy ngoài trách nhiệm với gia đình, con người còn có trách nhiệm với xã hội. Trong lịch sử của dân tộc, điều này thể hiện rất rõ không chỉ trong cuộc sống hàng ngày mà còn trong những khi tổ quốc bị xâm lược hoặc thiên tai tàn phá. Cuộc sống hiện đại càng đòi hỏi sự gắn kết của các gia đình. Các gia đình có thể hợp tác như cả làng làm một nghề như gốm Bát Tràng, gỗ Đồng Kỵ, bún Mễ Trì hay có thể hợp tác trong một tổ chức sản xuất hoặc kinh doanh.

Đây cũng là điều mà Bác Hồ rất quan tâm. Người nhắc nhở những chiến sĩ cách mạng về lòng yêu nước, biết hy sinh quyền lợi của minh và gia đình mình cho đất nước khi đất nước cần: Gia đình to (là cả nước) và gia đình nhỏ cái nào nặng, cái nào nhẹ. Người cách mạng chọn gia đình to vì người cách mạng biết nếu gia đình to bị áp bức bóc lột thì gia đình nhỏ sẽ suy sụp không phát triển lên được.

Theo quan niệm của Hồ Chủ Tịch, khái niệm gia đình cần được hiểu theo nghĩa cũ và mới, theo nghĩa hẹp và rộng. Người đã phân tích cặn kẽ khái niệm gia đình và thể hiện rõ quan điểm của Người phải chăm lo xây dựng gia đình theo nghĩa mới. Người viết: “Gia” là nhà “Đình” là sân. Theo nghĩa cũ thì gia đình chỉ giới hạn hẹp hòi trong một cái nhà, cái sân. Nghĩa là chỉ lo cho cha mẹ vợ con trong nhà mình ấm no yên ổn, ngoài ra ai nghèo khổ mặc ai. Như thế là ích kỷ, không tốt. Theo nghĩa mới thì gia đình rộng rãi hơn. Những người cùng lao động trong một nhà máy, một cơ quan, một hợp tác xã… đều phải đoàn kết và thương yêu nhau như anh em trong một gia đình. Rộng ra nữa là đồng bào cả nước đều là anh em trong một đại gia đình. Từ quan điểm trên, Bác nhắc nhở mọi người phải mở rộng tình cảm gia đình thành tình cảm yêu thương làng xóm, cộng đồng, đất nước là đại gia đình của chúng ta.

Hồ Chủ Tịch cũng đã nghiêm khắc phê phán tư tưởng “ Gia đình trị” hoặc “Gia đình chủ nghĩa” của một số người ích kỷ, hẹp hòi và Người lo ngại những tư tưởng này sẽ gây hại cho xã hội khi mà “Một người làm quan cả họ được nhờ”, người có chức có quyền tùy tiện đưa cả gia đình, dòng họ mình vào bộ máy lãnh đạo đất nước. Những kẻ không có năng lực sẽ là loại sâu mọt phá hoại đất nước. Bản thân Người đã cố gắng nêu tấm gương  chí công vô tư của người chiến sỹ cộng sản trong bộ máy Nhà nước. Người muốn mọi người  hiểu đúng ý nghĩa quan trọng và tích cực của gia đình và mở rộng nó trong mối quan hệ xã hội.

Trích sách Gia Đình Thăng Long - Hà Nội/GS.TS Lê Thị Quý

Tin liên quan

Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO Bất động sản- Tài chính