Gia đình là đơn vị chính trị của xã hội

Gia đình không chỉ là “tế bào” tự nhiên mà còn là một đơn vị kinh tế, một đơn vị chính trị của xã hội, giúp duy trì và bảo vệ thành quả của chính sách, luật pháp của đất nước.

Là người nghiên cứu nhiều năm về gia đình, GS.TS Lê Thị Quý cho rằng: Gia đình còn là một đơn vị chính trị của xã hội. Nó là tổ chức có nghĩa vụ thực hiện luật pháp của Nhà nước và lệ làng ( Hương ước ). Nếu không có gia đình thì pháp luật của nhà nước và lệ làng sẽ rất khó thực hiện.

Chẳng hạn, từ những luật quan trọng như luật nghĩa vụ quân sự, đi dân công phục vụ chiến tranh, phòng hộ đê điều, bầu cử... đến các công việc hàng ngày như dọn vệ sinh môi trường, lao động công ích, đóng tiền giúp đỡ đồng bào nghèo, giúp nơi bị thiên tai, thương binh liệt sỹ, mừng trẻ em nhân ngày Trung thu, ngày 1/6, treo cờ trong các ngày lễ, tế... Nhà nước đều đưa về xã, phường rồi chuyển xuống các gia đình thực hiện.

Bằng cách đó, người dân có cơ hội trực tiếp tham gia chính trị và đóng góp vào các hoạt động chính trị. Việt Nam có sáng kiến đưa phong trào “Gia đình văn hoá” vào cuộc sống thực chất cũng là một việc làm vừa mang tính chính trị vừa mang tính văn hoá rộng lớn và đem lại những hiệu quả tốt.

Gia đình giúp duy trì và bảo vệ thành quả của chính sách, luật pháp của đất nước. Ảnh minh họa

Gia đình giúp duy trì và bảo vệ thành quả của chính sách, luật pháp của đất nước. Ảnh minh họa

Gia đình cũng là đơn vị duy trì và bảo vệ thành quả của chính sách, luật pháp của đất nước. Mọi luật pháp, chính sách của nhà nước tồn tại bền vững hay bị phá sản là do mức độ thực hiện của các gia đình. Những luật pháp đúng, tiến bộ sẽ được người dân ủng hộ, thực hiện và những luật pháp chưa phù hợp sẽ bị phê phán.

Gia đình cũng là đơn vị đóng góp, phản biện và kiểm soát việc thực hiện các chính sách, pháp luật của Nhà nước. Ngày nay, Nhà nước, Quốc hội đã có chủ trương đúng đắn là tạo cơ hội cho người dân được đóng góp vào quá trình lập pháp và hành pháp để pháp luật ngày càng gần gũi với nhân dân và dễ thực hiện. Nhân dân các địa phương cũng bàn bạc, lập ra Hương ước để thực hiện.  

Mục đích cuối cùng của chính trị là phục vụ con người vì vậy chính sách, luật pháp tác động sâu sắc đến cuộc sống, phúc lợi và an ninh của  các thành viên trong gia đình. Chính gia đình và các thành viên của nó được hưởng trực tiếp từ các thành quả chính trị.

Luật pháp, chính sách tốt, phù hợp sẽ cải thiện đời sống cho nhân dân và một bộ máy lãnh đạo làm việc có hiệu quả sẽ đưa đến những quyền lợi cụ thể cho gia đình và các thành viên và ngược lại.

Chẳng hạn, chính sách cải cách hành chính một cửa sẽ không chỉ tiết kiệm thời gian cho người dân mà còn đưa lại những lợi ích vật chất do thời gian ấy làm ra. Việc mở đường giao thông rộng rãi sẽ giúp phát triển kinh tế, cải thiện việc đi lại của người dân và nâng cao cuộc sống của họ.

Vì lẽ đó, trách nhiệm của những cán bộ lãnh đạo – những người sống bằng tiền thuế của nhân dân - phải thận trọng và công tâm khi đề ra những chính sách cho đất nước.

Hiện nay, chính sách thu hồi đất nông nghiệp để mở rộng nhà máy là một chính sách đúng đắn. Tuy nhiên, nếu chưa chuẩn bị kỹ thì chính sách này sẽ đẩy hàng vạn gia đình nông dân vào cảnh mất đất sản xuất khi chưa có việc làm mới. Họ không chỉ có nguy cơ đói nghèo mà còn có thể rơi vào tệ nạn xã hội.

Vì vậy, gia đình và các thành viên của nó có vai trò quan trọng trong việc phản biện chính sách. Rõ ràng là gia đình gắn chặt với Nhà nước trong viêc xây dựng, thực hiện và hưởng thụ chính sách, luật pháp vì vậy luật pháp tốt thì gia đình được hưởng lợi và ngược lại. Muốn bảo đảm việc thực thi chính sách, luật pháp có kết quả, một nhiệm vụ quan trọng nữa của gia đình là kiểm soát việc thực hiện chính sách, luật pháp đó.

Đây là quyền hạn rất mới trong xã hội ta song nó lại vô cùng cần thiết để phát triển và thức đẩy sự phát triển lành mạnh của xã hội. Việc kiểm soát này có thể theo các tổ chức làng xã, khu phố, cũng có thể là ý kiến của từng gia đình cụ thể. Việc kiểm soát này còn có tác dụng ngăn ngừa các tệ nạn như tham nhũng, quan liêu, cửa quyền, hình thức, đánh trống bỏ dùi, đầu voi , đuôi chuột...

Trích sách Gia Đình Thăng Long - Hà Nội/GS.TS Lê Thị Quý

Tin liên quan

Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO Bất động sản- Tài chính