Chăm sóc trẻ bị bệnh cúm mùa thế nào cho nhanh khỏi? Dấu hiệu cần đưa trẻ đến viện ngay

Trẻ bị bệnh cúm mùa nếu không được chăm sóc tốt có thể dẫn đến bị suy hô hấp do viêm phổi nặng, suy đa phủ tạng, thậm chí dẫn đến tử vong. Vậy cha mẹ cần chăm sóc trẻ bị cúm mùa thế nào để con nhanh khỏi bệnh.

Gia tăng trẻ bị bệnh cúm mùa khi thời tiết thay đổi

Thời gian gần đây, Khoa Nhi, BV Trung ương Quân đội 108 liên tiếp tiếp nhận nhiều trường hợp trẻ tới khám và điều trị do nhiễm virus cúm. Có khoảng 1/10 số trẻ đến khám phải nhập viện do sốt cao liên tục hoặc viêm phổi.

Theo các bác sĩ, bệnh cúm mùa là một bệnh nhiễm trùng hô hấp cấp tính do virus cúm gây nên. Bệnh xảy ra quanh năm, thường tăng nhanh vào thời điểm chuyển mùa. Bệnh lây nhiễm trực tiếp từ người bệnh sang người lành thông qua các giọt bắn nhỏ khi nói chuyện, khi ho, hắt hơi.

Bệnh cúm mùa tiến triển thường lành tính, nhưng cũng có thể biến chứng nặng và nguy hiểm hơn ở những trẻ nhỏ, trẻ đẻ non, có bệnh lý như tim bẩm sinh, suy dinh dưỡng, suy giảm miễn dịch, hen phế quản… Nguyên nhân là do những đối tượng này có sức đề kháng kém. Bệnh có thể gây suy hô hấp do viêm phổi nặng, suy đa phủ tạng dẫn đến tử vong…

Nhiều trẻ phải vào BV Trung ương Quân đội 108 điều trị do nhiễm cúm mùa

Nhiều trẻ phải vào BV Trung ương Quân đội 108 điều trị do nhiễm cúm mùa

Trẻ mắc bệnh cúm mùa có biểu hiện gì?

Khi trẻ tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân cúm mùa hoặc sống tại khu vực có bệnh cúm mùa lưu hành thì có nguy cơ mắc bệnh rất cao. Các triệu chứng bệnh thường xuất hiện sau 1- 4 ngày (trung bình 2 ngày) sau khi cơ thể tiếp xúc với virus cúm (thời gian ủ bệnh).

Các triệu chứng ban đầu điển hình có thể là: sốt, nhức đầu, chóng mặt, đau nhức cơ bắp, ăn không ngon, mệt mỏi, có thế xuất hiện triệu chứng tiêu chảy …

Thông thường, trẻ bị cúm chỉ cần hạ sốt tích cực theo hướng dẫn của bác sĩ, bù đủ nước và điện giải bằng dung dịch oresol, dinh dưỡng đầy đủ và nghỉ ngơi là bệnh sẽ thuyên giảm sau khoảng 5 – 7 ngày. Tuy nhiên ho và tình trạng mệt mỏi vẫn kéo dài hơn trong vòng một hoặc hai tuần.

Một số trường hợp trẻ bị cúm mùa gặp phải những biến chứng nguy hiểm. Do đó, cha mẹ cần theo dõi sát những dấu hiệu như sốt cao liên tục không hạ, khó thở, bú kém hoặc bỏ bú, nôn nhiều, co giật hoặc lơ mơ… Khi thấy con có những biểu hiện này, cha mẹ cần đưa trẻ đến khám tại bệnh viện ngay để tránh các biến chứng nặng của bệnh như viêm phổi, viêm cơ tim, viêm não hoặc suy các tạng. 

Cách chăm sóc trẻ bị bệnh cúm mùa

- Hạ sốt cho trẻ bằng cách:

+ Nới rộng quần áo cho trẻ, cho trẻ mặc quần áo thoáng mát.

+ Chườm ấm ở vùng trán, nách, bẹn. (Nhiệt độ nước chườm được xác định bằng cách nhúng cùi chỏ của người lớn vào chậu nước, nếu thấy ấm là được.)

+ Cho trẻ uống thuốc hạ sốt theo chỉ định của bác sĩ, mỗi 4- 6 giờ uống nhắc lại 1 lần nếu trẻ có sốt ≥ 38.5 độ C

- Vệ sinh đường hô hấp và vệ sinh tay cho trẻ

+ Vệ sinh mũi miệng: Dùng khăn giấy mềm lau sạch mũi, dãi rồi vứt bỏ ngay sau khi sử dụng. (Không nên dùng khăn xô vì sau mỗi lần lau, nếu không thay khăn mới, dùng lại khăn cũ vi rút vẫn bám lại trên khăn.)

+ Hàng ngày, nhỏ dung dịch nước muối sinh lý 9‰ vào mắt, mũi cho trẻ, với trẻ lớn, cha mẹ nhắc trẻ súc miệng bằng nước muối sinh lý hoặc nước muối pha loãng.

+ Thường xuyên vệ sinh tay sạch sẽ bằng xà phòng với nước sạch (vệ sinh cả bàn tay người chăm sóc và cả cho trẻ), tránh tối đa việc đưa tay lên mắt, mũi, miệng.

- Dinh dưỡng: Đảm bảo chế độ dinh dưỡng hợp lý.

+ Cho trẻ ăn thức ăn giàu dinh dưỡng, mềm, dễ tiêu, dễ nuốt như cháo, sữa, hoa quả và uống nhiều nước.

+ Tăng cường bú mẹ nếu trẻ còn bú mẹ.

Cha mẹ cần làm gì để phòng bệnh cúm mùa cho trẻ

Để chủ động phòng bệnh cúm mùa, bác sĩ khuyến cáo cần hiện tốt các biện pháp sau:

  • Các biện pháp phòng bệnh chung: Đảm bảo vệ sinh cá nhân, che miệng khi hắt hơi; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng với nước sạch; vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối; tránh tập trung nơi đông người khi có dịch xảy ra. Ăn uống đủ chất để nâng cao thể trạng. Giữ ấm cơ thể (khi trời lạnh), ăn uống đủ chất dinh dưỡng để nâng cao thể trạng.
  • Tiêm vắc-xin cúm mùa được coi là biện pháp dự phòng hiệu quả nhất. Trẻ từ 6 tháng trở lên có thể tiêm phòng cúm mùa mũi đầu tiên, mũi thứ 2 cách mũi thứ nhất ít nhất 1 tháng. Sau đó, tiêm nhắc lại 1 mũi định kỳ hàng năm do chủng cúm mùa thay đổi theo từng năm. 
  • Phòng lây nhiễm từ người bệnh: Hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh khi không cần thiết. Cách ly người bệnh ở buồng riêng…
  • Tăng cường giám sát phát hiện trường hợp mắc cúm mùa tại cộng đồng và cơ sở khám chữa bệnh. Đặc biệt tại khu vực nguy cơ cao (cơ sở nuôi dưỡng trẻ, trung tâm bảo trợ xã hội, khu thuê trọ,…) để kịp thời phát hiện, xử lý sớm khu vực có nhiều bệnh nhân, hạn chế tập trung thấp nhất số ca mắc bệnh và tử vong.
  • Khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi cần đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời.
An An

Tin liên quan

từ khóa Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO Bất động sản- Tài chính