Cúm gia cầm H5N1 là gì?
Theo thông tin từ WHO, Campuchia ghi nhận một trường hợp nhiễm cúm gia cầm và tử vong. Viện Pasteur TP.HCM đã có công văn khẩn gửi 20 tỉnh, thành ở phía Nam khẩn trương phòng chống dịch cúm gia cầm H5N1.
H5N1 là một loại virus cúm A có khả năng gây bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở gia cầm, chính vì thế mà H5N1 còn có tên là cúm gia cầm. Cúm A H5N1 có thể lây nhiễm từ gia cầm sang người. Khi bị nhiễm bệnh, tỷ lệ tử vong có thể lên tới 60%.
Bệnh cúm gia cầm (A/H5N1) lây từ gia cầm sang người do người có tiếp xúc trực tiếp hoặc tiếp xúc cận kề với gia cầm nhiễm bệnh, gia cầm chết hoặc các vật bị nhiễm phân, dịch tiết của gia cầm bị bệnh trong quá trình nuôi, buôn bán, vận chuyển, giết mổ, chế biến, ăn tiết canh, ăn thịt gia cầm bệnh chưa nấu chín.
Cúm gia cầm H5N1 lây qua đường nào?
Virus H5N1 có thể lây nhiễm và phát bệnh cúm gia cầm ở người khi chúng ta có tiếp xúc với gia cầm mang bệnh mà không có biện pháp bảo vệ. Đường lây nhiễm từ người sang người là rất hiếm.
Có một số việc làm có thể khiến chúng ta nhiễm bệnh như: Tiếp xúc, đụng chạm vào gia cầm bị bệnh; Chạm hoặc hít phải các chất tiết gia cầm bị bệnh; Tiếp xúc (giết mổ, chế biến với nguồn thịt bị nhiễm bệnh); Ăn thịt gia cầm hoặc trứng không nấu chín.
Cúm gia cầm H5N1 có nguy hiểm không?
Với nguy cơ gây tử vong chiếm đến 60%, cúm A H5N1 là mối nguy sức khỏe mà chúng ta không được mất cảnh giác. Tình trạng cúm có thể tiến triển nhanh dẫn tới nhiều biến chứng nghiêm trọng ảnh hưởng xấu kết mạc, tổn thương hệ hô hấp (bội nhiễm phế quản – phổi, viêm phổi, bội nhiễm tai mũi họng), hệ thần kinh (phù não, viêm màng não lympho); gây suy đa tạng, suy giảm hệ miễn dịch cùng các tình trạng sức khỏe khác như viêm màng ngoài tim, viêm cơ tim, đông máu nội mạch rải rác,…
Các giai đoạn phát triển của bệnh cúm gia cầm H5N1
Bệnh cúm A H5N1 có 3 giai đoạn phát triển:
Đầu tiên là thời gian ủ bệnh, không có dấu hiệu. Virus cúm có thể ẩn giấu trong cơ thể từ 2-8 ngày, tuy nhiên cũng có thể kéo dài tới 17 ngày sau khi người bệnh tiếp xúc với các yếu tố gây bệnh.
Tiếp theo là giai đoạn bệnh khởi phát. Lúc này người nhiễm bệnh dần xuất hiện các triệu chứng như sốt cao,ho khan, nhức mỏi cơ thể, chán ăn,…
Cuối cùng là thời điểm bệnh bước vào giai đoạn toàn phát. Các triệu chứng cúm A H5N1 dần trở nên rõ ràng và ở mức độ nặng hơn. Người bệnh có thể rơi vào trạng thái hôn mê, mất ý thức, đau đầu, đau hốc mắt hay đau dữ dội vùng thắt lưng. Nếu không được chăm sóc y tế đúng cách sớm sẽ khiến tình trạng bệnh trở nên khó kiểm soát hơn.
V.LinhBạn đang xem bài viết Cúm gia cầm H5N1 nguy hiểm thế nào? tại chuyên mục Đời sống của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].