Trước những băn khoăn khi đề xuất của Bộ Giáo dục và Đào tạo xếp lương giáo viên cao nhất trong bậc lương hành chính sự nghiệp. Thế nhưng tiền ở đâu, tăng thế nào vẫn là bài toán chưa có lời giải.
Thầy Bùi Nam đã hiến kế để có tiền tăng lương giáo viên, trước tiên phải tinh gọn bộ máy quản lý giáo dục.
Theo thầy Nam phân tích, theo số liệu thống kê ngân sách chi lương cho ngành giáo dục có đến 70% tổng quỹ lương khối sự nghiệp công lập.
Ngành giáo dục chiếm 52% biên chế sự nghiệp cả nước (1,2 triệu trong tổng số 2,3 triệu người).
Lực lượng cán bộ quản lý chỉ tính riêng từ mầm non đến trung học phổ thông (bao gồm hiệu trưởng, phó hiệu trưởng và cán bộ Phòng/ Sở giáo dục) trên giáo viên đứng lớp là khá lớn:
Mầm non là 35.833/132.294 viên chức chiếm tỉ lệ 27,08%, tiểu học 35.010/363.249 chiếm tỉ lệ 9,64%, trung học cơ sở 24.627/207.085 chiếm tỉ lệ 11,9%, trung học phổ thông 8.351/119.826 chiếm tỉ lệ gần 7%;
Tính chung trên cả nước cán bộ quản lý từ mầm non đến trung học phổ thông là 103.821/ 822.454 viên chức chiếm 12,6%.
Rõ ràng với số liệu 12,6% số cán bộ quản lý là quá nhiều trong giai đoạn hiện nay.
Từ đây, thầy Bùi Nam đã đưa ra ba đề xuất: Giải tán các Phòng giáo dục ở các huyện, thành thị trong cả nước; Mỗi xã chỉ nên bố trí một hiệu trưởng; Giải tán các Trung tâm giáo dục thường xuyên – hướng nghiệp và dạy nghề.
Trước đề xuất ‘táo bạo’ giải tán các Phòng giáo dục ở các huyện, thành thị trong cả nước của thầy Bùi Nam, PV Gia Đình Mới đã có trao đổi với PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường Đại học - Cao đẳng Việt Nam.
PGS Trần Xuân Nhĩ cho hay: ‘Tôi cho rằng nếu cơ sở có thể tự chủ được thì rất tốt, giảm bớt khâu trung gian thì cũng là tốt. Nhưng nếu muốn thực hiện điều đó phải thực hiện được những yêu cầu nhất định của nó chứ không phải mình có thể làm ngay được.
Muốn đẩy mạnh cơ sở, bỏ phòng giáo dục đi thì cơ sở phải mạnh. Mạnh ở đây là người hiệu trưởng đứng đầu cơ sở của tường người đó phải đủ tư cách, có năng lực, phẩm chất tốt thì mới có thể thực hiện được
Thứ nữa là người giáo viên được tuyển dụng phải có những tiêu chí rất rõ ràng thì mới giảm được tất cả những vấn đề liên quan khác.
Tuy nhiên, với tình hình nước ta hiện nay chưa đáp ứng đủ những điều trên nên theo đánh giá của tôi nếu đưa chủ trương này vào áp dụng cho cả nước thì đôi khi khiến lợi bất cập hại.
Do vậy theo ý kiến riêng tôi, có thể áp dụng từng bước. Đầu tiên có thể thí điểm phương án này ở một số địa phương để đáng giá rõ mặt được và chưa được của phương án này.
Khi thực hiện thí điểm, chúng ta nên chọn ở những vùng khác nhau có thể là một huyện ở trung du, một huyện ở đồng bằng, một huyện ở vùng núi. Sau khi thí điểm ta có thể khắc phục những vấn đề chưa được để có thể mở rộng dần dần’.
Ngọc NgaBạn đang xem bài viết Tranh cãi chuyện có nên bỏ phòng giáo dục và đào tạo ở quận/huyện? tại chuyên mục Cha mẹ thông thái của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].