Sáng 7/12, Liên Hiệp các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam (LHHVN) đã tổ chức Hội thảo góp ý cho Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục.
Tham gia Hội thảo có, TS Phan Tùng Mậu - Phó Chủ tịch LHHVN; TS Lê Công Lương - Phó Tổng thư ký kiêm Chánh văn phòng LHHVN cùng đại diện Bộ Giáo dục & Đào tạo và các chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục.
Trình bày nội dung dự thảo, ông Nguyễn Đức Cường - Vụ phó Vụ pháp chế Bộ Giáo dục cho biết, Luật dự kiến sửa đổi 29 điều và bổ sung thêm một điều mới.
Trong đó, ông Cường đề cập tới ba điểm nổi bật của Luật sửa đổi bổ sung lần này.
Điểm thứ nhất, về Điểm a, Khoản 1, Điều 77 được sửa đổi theo hướng nâng cao, chuẩn hóa chất lượng đội ngũ giáo viên.
‘Tất cả 100% giáo viên mầm non phải có bằng tốt nghiệp trung cấp sư phạm trở lên. Đối với giáo viên tiểu học phải có bằng tốt nghiệp cao đẳng sử phạm trở lên’, nội dung luật sửa đổi đề cập.
Điểm thứ hai sửa đổi, bổ sung tại Khoản 1 Điều 105, quy định ‘Học phí là khoản tiền của gia đình người học người học phải nộp để góp phần bảo đảm chi phí cho các hoạt động giáo dục. Học sinh tiểu học, trung học cơ sở trường công lập không phải nộp học phí’.
Và điểm thứ ba được ông Cường nhấn mạnh liên quan tới việc sửa đổi, bổ sung Điều 81, quy định về tiền lương.
Theo đó, Bộ Giáo dục & Đào tạo đề xuất, lương của giáo viên phải được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp.
Đồng thời, nhà giáo cũng vẫn được hưởng phụ cấp ưu đãi theo nghề, phụ cấp thâm niên và các phụ cấp khác theo quy định của pháp luật.
Trước khi đi vào thảo luận, TS Lê Công Lương - Phó Tổng thư ký kiêm Chánh văn phòng LHHVN đề nghị Ban soạn thảo Bộ Giáo dục & Đào tạo làm rõ được ba vấn đề.
Cụ thể là việc đánh giá lại luật giáo dục hiện hành được thực hiện thế nào? Tiếp đến là phải xác định rõ mục tiêu sửa đổi cụ thể của Luật giáo dục mới là gì? Vấn đề cuối cùng là đưa ra quan điểm của Bộ về chủ trương, mục đích sửa đổi luật lần này như thế nào?
Trong phần thảo luận, có rất nhiều ý kiến đồng tình và cũng có không ít những ý kiến đề xuất cần Bộ Giáo dục & Đào tạo xem xét và xây dựng kỹ hơn.
Cụ thể, theo ý kiến của GS.TSKH Nguyễn Cường cho hay: ‘Tôi tán thành việc đưa vào đề án sửa đổi về tiền lương của giáo viên. Việc đưa lương giáo viên lên cao hơn là một trong những giải pháp thu hút nhân tài.
Song song với đó trong luật cũng cần nêu lên những câu từ có thể ‘ràng buộc’ trách nhiệm của nhà nước với giáo viên’.
Không chỉ đề xuất việc tăng lương cho giáo viên mà nhiều ý kiến cũng cho rằng nên nâng cao chuẩn trình độ giáo viên tiểu học.
Việc nâng trình độ giáo viên tiểu học từ trung cấp lên cao đẳng là một trong những mục tiêu quan trọng của ngành giáo dục nước ta, đồng thời đó cũng là một bước tiến nhằm thể chế hóa quan điểm của Đảng đã có trong Nghị quyết.
Bên cạnh những ý kiến đồng tình cũng có rất nhiều ý kiến không đồng tình với những nội dung sửa đổi tại luật lần này và yêu cầu Bộ Giáo dục & Đào tạo phải làm lại.
Cụ thể như việc cần phải xây dựng bộ luật khung và đặc biệt là trong luật phải thể hiện được những quan điểm có tính chất chỉ đạo nhất quán, tránh việc sửa đổi luật diễn ra như hiện nay.
Ngọc NgaBạn đang xem bài viết Bộ Giáo dục & Đào tạo đề xuất lương của giáo viên xếp cao nhất trong hệ thống hành chính sự nghiệp tại chuyên mục Cuộc sống Muôn màu của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].