Bắt đầu bằng con số âm
Tôi là một chàng trai tỉnh lẻ về Hà Nội học đại học. Sau khi học xong, tôi quyết tâm ở lại Hà Nội tìm việc làm.
Đầu năm 2006, tôi kết hôn với một đồng nghiệp cùng cơ quan. Vì đồng lương ít ỏi (vợ lương giáo viên chỉ được khoảng 960 ngàn đồng/ tháng, tôi còn thấp hơn vợ chỉ có 860 ngàn đồng/ tháng), tôi quyết định "bỏ ra ngoài" làm kinh doanh.
Chẳng may việc khởi nghiệp không thành, phá sản, vợ chồng tôi rơi vào cảnh nợ nần chồng chất.
Khi đó, hai vợ chồng tôi chỉ đủ tiền thuê trọ ở khu dành cho người lao động nghèo (ở đường Lĩnh Nam, Hoàng Mai, Hà Nội).
Phòng trọ cũ kỹ, rộng khoảng 8m2, chỉ đủ kê một cái phản nhỏ để 2 vợ chồng nằm ngủ với giá 250 nghìn đồng/tháng.
Đến cuối năm 2006, một người bạn của tôi rủ đi làm môi giới bất động ở Hà Nội. Công việc môi giới bất động sản cũng rất khó khăn, lúc được lúc không, nhưng cũng kiếm được đồng ra đồng vào, cao hơn so với mức lương đi làm nhà nước.
Bén duyên với bất động sản
Tháng 11/2006, trong quá trình đi làm môi giới bất động sản, tôi được giới thiệu 1 mảnh đất rao bán ở Sóc Sơn, gần sân bay Nội Bài.
Khi vừa nhìn thấy mảnh đất này, tôi chợt có cảm giác muốn được sở hữu nó, muốn được xây nhà trên đó để ở.
Thế là từ đó, tôi nảy ra ý muốn mua nhà Hà Nội và có suy nghĩ phải mua mảnh đất này để làm nhà. Sau đó xây một căn nhà cấp 4 nho nhỏ, phần đất còn lại dùng để nuôi gà, trồng cây.
Mảnh đất rộng 250 m2, chủ đất đòi với giá 200 triệu đồng. Mặc dù hơi xa trung tâm Hà Nội nhưng với một người ở tỉnh lẻ như tôi có được nhà, đất ở Hà Nội là quá tuyệt vời rồi, chịu khó đi xa một chút cũng không ngại.
Hưng phấn với suy nghĩ đó, ngay tối hôm đó vừa về đến nhà thấy vợ đang nằm trên giường là tôi nhào đến nói: "Em ơi, mình mua đất nhé?". Câu hỏi của tôi chưa dứt thì sự ngạc nhiên xem lẫn chút lo lắng hiện lên trong ánh mắt vợ tôi.
Chỉ vài phút sau, vợ tôi quay mặt vào tường và bắt đầu khóc. Tôi không hiểu chuyện gì thì vợ nói: "Thu nhập của em bây giờ chưa đến 1 triệu đồng/tháng, mỗi năm em chỉ có chưa đến 20 triệu đồng và phải mất tới hơn 10 năm thì mới có đủ số tiền đó.
Anh thì không có việc làm ổn định, thu nhập của anh không đủ trả nợ, lại còn bấp bênh nữa, lúc có lúc không. Anh không thấy lo sao? Anh lấy đâu ra tiền mà mua?".
Tiền đâu mà mua?
Thời điểm đó công ty tôi phá sản, nợ nần chồng chất, ở nhà thuê và hàng tháng lo chi phí trả nợ cũng thấy căng thẳng chứ nói gì đến mua đất.
Nghe vợ giãi bày tôi như bị dội một gáo nước lạnh vào mục tiêu tuyệt vời vừa được vạch ra. Có thể với nhiều người, lúc đó sẽ lựa chọn từ bỏ mục tiêu đã đề ra, từ bỏ ước mơ sở hữu bất động sản?
Còn tôi, bất chợt lúc đó trong tôi trỗi dậy một niềm tin mãnh liệt là mình có thể sở hữu mảnh đất này, tôi bình tâm lại và ôn tồn nói với vợ: "Em ạ, anh biết em rất lo lắng, hãy cùng anh nghĩ xem có cách nào không nhé?"
Vợ tôi miễn cưỡng quay đầu lại và tôi đưa ra phương án chợt lóe lên trong đầu hồi nãy: "Sáng mai em về gia đình xem bố mẹ có vay mượn được giúp ít nào không.
Hiện công việc của anh cũng đang tạm ổn và nếu thành công sẽ có khoảng hơn chục triệu, bán chiếc xe anh đang đi thì cộng lại cũng được một chút rồi đó". Rồi tôi chỉ biết an ủi vợ: “Thôi ngủ đi, có gì tính sau”.
Đó là thời điểm kinh khủng nhất trong cuộc đời tôi. Nếu quyết định mua mảnh đất thì số tiền bỏ ra gấp 200 lần tiền lương và với mức lương như vậy phải mất 10 năm mới tiết kiệm được số tiền đó.
Bí kíp “tay không bắt giặc” để có nhà Hà Nội của vợ chồng trẻ
Điều thôi thúc khiến tôi phải mua được mảnh đất đó là tôi nghĩ mình là dân tỉnh lẻ, có được mảnh đất ở Hà Nội là điều quá tốt và hạnh phúc.
Bởi gần 10 năm đi thuê nhà trọ tôi hiểu cảm giác mất tự do, mất tự tin, ít chăm sóc cho tổ ấm của mình.
Hơn nữa, sau này khi có con, các con của tôi cũng sẽ tự ti, không tự hào về nơi ở của mình.
Ngôi nhà có một ý nghĩa rất lớn trong sự thành công và hạnh phúc của mỗi người. Ngôi nhà là nơi nghỉ ngơi sau một ngày làm việc mệt mỏi, là nơi tụ tài khí, là nơi những bữa ăn quây quần bên gia đình và những người thân yêu.
Chính những điều đó đã thôi thúc tôi phải mua và sở hữu mảnh đất này dù phải vay mượn, nợ nần nhiều hơn nữa.
Hôm sau tôi vẫn hào hứng nói với vợ mình rằng công việc môi giới bất động sản của tôi vẫn đang thuận lợi và có được chút tiền. Một vài thương vụ làm ăn của tôi khi đó sắp thành công và thuyết phục vợ vay tiền mua mảnh đất.
Chúng tôi tính toán, nếu mấy thương vụ đó thành công sẽ thu được hơn chục triệu đồng. Số tiền đó sẽ không đem trả nợ như dự tính trước đó mà mà góp nhặt để mua đất Hà Nội.
Vợ tôi vẫn chưa hết bàng hoàng nhưng vẫn gọi điện về nhà nhờ bố mẹ giúp đỡ. Nói thật là tâm lý của các cặp vợ chồng trẻ như chúng tôi khi đó là rất ngại khi phải cậy nhờ bố mẹ để mua đất, mua nhà. Nhưng nếu tự lực 2 vợ chồng là rất khó và không thể thực hiện được.
Dù bố mẹ 2 bên cố gắng vay mượn giúp mỗi người một ít nhưng vẫn thiếu rất nhiều tiền. Khi đó tôi đàm phán với ông chủ đất và được giảm giá còn 160 triệu đồng.
Thời điểm đem 10 triệu đồng đến đặt cọc, chủ nhà nhận tiền và nói “xong rồi, về đi” làm tôi giật mình sợ hãi.
Đối với đại gia như ông 10 triệu đồng không đáng là bao nhưng với vợ chồng tôi đó là cả gia tài, là tiền tích cóp, chắt chiu bao ngày vất vả. Vậy nên tôi sợ mình bị mất trắng khoản tiền mồ hôi nước mắt.
Tôi bảo ông chủ nhà “cứ như vậy đi về em hơi lo lắng, anh viết giúp em vài chữ và ký nhận anh đã nhận số tiền này giúp em. Có mảnh giấy làm tin người nhà em sẽ an tâm hơn…”.
Đến ngày hẹn, vợ chồng tôi xoay xở đủ kiểu gom góp cũng chỉ được khoảng 100 triệu đồng, tôi lại đàm phán với chủ đất cho tôi nợ lại số tiền còn thiếu: “Giờ em không có tiền, anh cho em nợ khoản còn thiếu, em sẽ trả anh sau”.
Thời điểm cuối năm 2006 là lúc bất động sản đóng băng nên chủ đất cũng gặp khó khăn khi bán đất. Hơn nữa, tôi phát hiện ra ông chủ mảnh đất muốn bán được đất sớm vì ông ý đang bị đòi nợ rất gắt. Nắm được tâm lý này tôi ra sức thuyết phục để ông cho nợ phần còn thiếu.
Và rồi, sau nhiều lần tôi đến nhà nói chuyện, chủ đất đã đồng ý bán và cho tôi nợ khoản còn thiếu.
Sau khi mua được mảnh đất, suốt 8 tháng liền tôi vẫn chưa trả hết tiền cho chủ đất cũ và bị ông gọi điện mắng tôi nhiều lần.
Mặc dù như vậy nhưng tôi vẫn rất vui vì mình đã là chủ của bất động sản đầu tiên 200m2, rồi tiếp đó là có nhà ở Hà Nội. Mua được mảnh đất ở Hà Nội làm tôi tự tin hơn rất nhiều, tôi có cảm giác mình là người Hà Nội rồi, có nhà ở Hà Nội làm cuộc sống của tôi thêm khác biệt, có động lực để giải quyết các vấn đề khác.
Khi đã hoàn thiện thủ tục chuyển nhượng đất, tôi về phòng trọ thông báo cho vợ, tâm trạng của vợ khi đó không quá vui vẻ mà vẻ mặt tăng thêm lo lắng.
Cô ấy lo lắng khi tôi quyết định mua đất và đến khi mua được đất sự lo lắng của cô ấy tăng lên. Bởi tiền trả nợ còn chưa trả được lại còn vay tiền mua đất, làm nhà.
Nghĩ đến khoản nợ mới chồng nợ cũ làm chúng tôi phải nỗ lực nhiều hơn, suy tính nhiều hơn cho tương lai. Bản thân tôi phải làm nhiều công việc một lúc (môi giới bất động sản, giới thiệu người giúp việc, làm bảo hiểm, thậm chí là làm phục vụ tại nhà hàng…), làm mọi việc có thể miễn sao kiếm được nhiều tiền trả nợ.
Còn vợ tôi, từ người chỉ biết đến dạy học ở trường, cô ấy bắt đầu tìm kiếm các mối dạy thêm, làm thêm ngoài giờ hành chính để có thêm thu nhập.
Một thời gian sau, chúng tôi cũng không xây nhà như dự tính ban đầu mà thị trường có sự thay đổi, giá trị của mảnh đất tăng nên chúng tôi đã bán. Khoản lợi nhuận từ mảnh đất đưa lại giúp chúng tôi vừa trả nợ vừa có tiền mua nhà.
Đến năm 2013, vợ chồng tôi mới chính thức sở hữu ngôi nhà đầu tiên ở Hà Nội là một căn hộ ở khu đô thị Xa La, Hà Đông, Hà Nội.
Niềm hạnh phúc mới thực sự hiện lên trên khuôn mặt của vợ chồng và các con tôi. Đó cũng là một bước ngoặt để tôi bắt đầu sự nghiệp kinh doanh bất động sản sau này với Lộc Thiên Hà.
Nguyễn Mạnh Hà
Với mong muốn giúp những người đang và sẽ có nhu cầu mua nhà Hà Nội có cái nhìn thực tế hơn cũng như có thêm động lực thực hiện ước mơ của mình, Tạp chí điện tử Gia Đình Mới phát động cuộc thi “Hành trình mua nhà Hà Nội của tôi”.
Trong đó nội dung tập trung:
• Chia sẻ bước ngoặt nào khiến bạn đi đến quyết định mua nhà? Những khó khăn phải đối mặt khi mua nhà, cách giải quyết các vấn đề đó như thế nào?
• Kinh nghiệm tính toán chi tiêu, kế hoạch trả nợ sau khi đã vay tiền mua nhà Hà Nội?
• Làm thế nào tìm được một dự án nhà đầy đủ tính pháp lý, đúng tiến độ, chọn ngân hàng nào để có lãi suất tốt khi mua nhà?
• Cảm xúc về ngôi nhà đó ra sao? Kỷ niệm vui, buồn sâu sắc nhất trải nghiệm trong quá trình mua ngôi nhà của mình
Ngoài được hưởng nhuận bút trị giá 500.000 đồng/bài, các tác giả còn có cơ hội nhận giải thưởng tuần, quý, chung cuộc lên hàng chục triệu cùng các chuyến nghỉ mát ở resort 5 sao và tặng phẩm.
Cuộc thi được tài trợ, đồng hành bởi các thương hiệu:
Mạnh HàBạn đang xem bài viết Trắng tay, nợ ngập đầu tôi vẫn mua nhà Hà Nội và đã trở thành chuyên gia bất động sản tại chuyên mục Bất động sản của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].