1. Canh bí đao
Trong Đông y, bí đao có vị ngọt, tính mát, có tác dụng thanh nhiệt, giải thử, sinh tân, chỉ khát. Bí đao là loại rất dễ ăn, thường dùng nấu canh hay ép nước uống giải nhiệt. Ngoài ra, bí đao còn hỗ trợ chữa nhiều bệnh trong đó có bệnh phù thũng và lợi tiểu.
Tùy sở thích của mỗi người mà có thể nấu bí đao cùng với tôm, thịt, cá ăn rất ngon và bổ dưỡng. Canh bí đao tôm tươi gồm: bí đao, tôm tươi lột vỏ, hành, ngò gia vị vừa đủ nấu canh ăn. Công dụng: trị chứng tỳ hư ăn kém, mệt mỏi, thận yếu đau lưng tiểu bí, huyết hư da khô nám dùng đều tốt.
Hay như bí đao nấu canh cua: bí đao thái sợi, cua làm sạch giã lọc lấy thịt, hành, ngò gia vị vừa đủ nấu canh ăn. Công dụng: trị chứng tâm phế nhiệt, nóng bứt rứt khó ngủ, ho khan tức ngực, trẻ gầy ăn kém chậm lớn, có tuổi khó lên cân, táo bón, bí tiểu tiện, huyết hư nhiệt da khô sần ngứa.
Ngoài nấu canh, bí đao cũng có thể ép lấy nước để uống, vị thanh, mùi thơm, uống vào giúp thanh nhiệt cơ thể hiệu quả.
2. Cháo đậu xanh
Đậu xanh 30g, lá sen 1/4 cái, gạo tẻ 100g. Cách làm: Đậu xanh rửa sạch, cho vào nồi nấu chín, sau đó cho gạo tẻ đã vo sạch và lá sen vào ninh nhừ thành cháo, chia ăn vài lần trong ngày. Công dụng: Thanh nhiệt giải độc, tiêu thử, bồi bổ sức khỏe, dùng rất tốt trong những ngày nóng bức, cơ thể mệt mỏi, đầu nặng, mắt hoa.
3. Canh mướp đắng nhồi thịt
Mướp đắng 3 quả loại vừa, gai căng đều và còn xanh, thịt lợn nạc 200g. Cách làm: Mướp đắng khoét bỏ ruột và hạt, rửa sạch, cắt khúc. Thịt nạc băm nhuyễn, ướp gia vị cùng hành xắt nhuyễn, trộn đều.
Nhồi thịt vào bên trong quả mướp đắng, đem hấp chín hoặc cho nước nấu chín thành canh, ăn trong bữa cơm. Công dụng: Thanh nhiệt giải thử, lương huyết lợi niệu. Có thể dùng thường xuyên trong mùa nóng.
4. Canh rau má
Canh rau má rất dễ chế biến, có thể kết hợp được với nhiều nguyên liệu như thịt bò, thịt lợn thăn, thịt bằm, sườn non... nhưng phổ biến hơn cả là nấu với tôm tươi.
Đầu tiên, chọn loại rau má tươi non, nhặt bỏ lá hư, rửa lại nhiều lần với nước sạch. Nếu chọn rau già, lá màu xanh thẫm thì khi nấu canh sẽ có vị đắng.
Tôm lột bỏ vỏ, đầu, rửa sạch, để ráo rồi giã thô, ướp muối, hạt nêm, đường, hành, tiêu khoảng ít phút cho thấm gia vị. Làm nóng một ít dầu ăn, phi thơm hành rồi cho tôm vào đảo đều, dậy mùi thơm thì thêm nước nóng và đun sôi.
Sau đó bỏ rau má vào, chờ cho nồi canh sôi, nêm lại gia vị cho vừa ăn rồi tắt bếp.
Món canh rau má tuy đơn giản trong cách chế biến nhưng rất ngon, thanh mát, giải nhiệt, mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe.
5. Canh rau ngót, thịt hến
Thịt hến 100g, rau ngót 200g. Cách làm: Đun sôi nước luộc hến và cho thịt hến vào, nêm nước mắm vừa ăn rồi cho rau ngót đã rửa sạch, vò sơ vào, đun sôi lại là được. Ăn trong bữa cơm. Công dụng: Thanh nhiệt, bổ huyết, giải nhiệt, giải độc, nhuận trường, thông tiểu, dùng rất tốt cho người bị nhiệt độc thường sinh mụn nhọt, táo bón, tiểu tiện khó,…