Bản tin phòng chống dịch COVID-19 ngày 13/4 của Bộ Y tế cho biết số ca mắc COVID-19 hôm nay là 497 ca. Đây là số mắc cao nhất trong khoảng 4 tháng qua ở nước ta. Hiện có 8 ca đang thở oxy.
Từ đầu tháng 4, số ca mắc mới Covid-19 tại nước ta bắt đầu có xu hướng tăng. Đặc biệt, trong vài ngày gần đây con số này liên tục tăng lên trên 100 ca, 200 ca và đến ngày 13/4 đã tăng lên gần 500 ca. Số mắc tập trung chủ yếu ở khu vực phía Bắc.
Hà Nội và 1 số tỉnh miền Bắc đã ghi nhận sự gia tăng của các ca mắc COVID-19.
Vì sao ca mắc COVID-19 tại Việt Nam tăng nhanh?
GS.TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng cho biết hiện nay Việt Nam vẫn đang kiểm soát dịch bệnh, ca mắc tăng xảy ra cục bộ ở một số địa phương.
Cụ thể, thời gian qua tại khu vực phía Bắc, ghi nhận số mắc COVID-19 tăng cao, hơn 4 lần so với tuần trước đó.
"Tuần qua ghi nhận hai địa phương có ca mắc tăng cao, tại Lào Cai và Hà Nội. Tuy nhiên, chúng ta đã nhanh chóng kiểm soát tốt, chống dịch hiệu quả. Như Lào Cai, sau 5 ngày không có lan rộng ca mắc. Tuy nhiên, về tình hình chung, số ca trong thời gian tới có thể có sự gia tăng", ông Lân nhận định.
Theo ông Lân, nhiều nguyên nhân dẫn đến số ca mắc COVID-19 những ngày qua tăng.
Thứ nhất là do yếu tố thời tiết, khi miền Bắc đang trong giai đoạn chuyển mùa.
Thứ hai là do ý thức phòng bệnh của người dân, đặc biệt là đeo khẩu trang tại nơi công cộng, cơ sở khám chữa bệnh còn chưa đảm bảo.
Thứ ba, là môi trường sống, hành vi của người dân. Biến thể Omicron có đặc điểm lây lan nhanh. Hiện nay hầu hết các nước đã mở cửa, nới lỏng toàn bộ các biện pháp phòng chống dịch kể cả ở những nước có sự lây nhiễm cao. Cùng đó việc giao lưu đi lại sau 3 năm đại dịch gia tăng rất lớn, thậm chí ngay trong nước cũng làm gia tăng sự giao tiếp. Những sự giao lưu này đã tạo điều kiện cho virus lây lan sang đối tượng khác.
Thứ tư là vấn đề vắc xin. Các biện pháp đã triển khai từ vắc xin đã bao phủ hầu hết, tuy nhiên có nơi có chỗ tỉ lệ chưa đạt như mong muốn, nhất là nhóm nguy cơ cao. Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, vắc xin vẫn là biện pháp hiệu quả, tăng miễn dịch với biến chủng Omicron, giảm ca tăng nặng và tử vong.
Biến thể COVID-19 nào đang chiếm ưu thế tại Việt Nam?
Biến thể COVID-19 đang lưu hành là biến thể Omicron. Đến thời điểm này, biến thể phụ Omicron đã xuất hiện được 16 tháng với hơn 500 biến thể phụ khác nhau. Biến thể này hiện đang lưu hành hầu hết các nơi trên thế giới và đang chiếm ưu thế. Các chuyên gia nhận thấy đây là biến thể có đặc tính lây lan nhanh. Những nơi có tăng ca nặng là do số mắc tăng tương ứng. Một số khu vực ghi nhận số ca mắc tăng cục bộ, tăng số ca nặng là do số ca mắc tăng tương ứng.
Trong 7 ngày ừ 5/4 đến 11/4), cả nước đã ghi nhận 639 ca mắc mới, trung bình có 90 ca mắc mới mỗi ngày, tăng 3,8 lần so với 7 ngày trước đó, trong đó nhóm từ 50 tuổi trở lên ghi nhận 193 ca (chiếm 30,2% số mắc mới).
Ngoài ra, số ca nhập viện cũng có xu hướng gia tăng, số bệnh nhân nặng ghi nhận trong tuần là 10 ca, trung bình ghi nhận 1-2 ca nặng mỗi ngày.
Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố tiếp tục thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong phòng chống dịch COVID-19, tuyệt đối không được lơ là, chủ quan.
Bên cạnh đó, các tỉnh thành thúc đẩy tiêm vắc xin phòng COVID-19 đạt mục tiêu đề ra, rà soát vận động các đối tượng tham gia tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19, nhất là nhóm nguy cơ cao.
Chủ động giám sát, theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên địa bàn, chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với các tình huống có thể xảy ra của dịch bệnh.
Tổ chức đánh giá cấp độ dịch để kịp thời áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch theo cấp độ.
Bộ Y tế đề nghị các tỉnh, thành chỉ đạo tốt việc thu dung, cấp cứu, chăm sóc, điều trị hiệu quả các trường hợp mắc bệnh, đặc biệt là nhóm nguy cơ cao.
Các địa phương phải truyền thông phòng bệnh để nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người dân trong việc bảo vệ sức khỏe.
V.LinhBạn đang xem bài viết Ngày 13/4, ghi nhận gần 500 ca mắc, Bộ Y tế thông tin mới nhất về nguyên nhân khiến dịch COVID-19 gia tăng ở Việt Nam tại chuyên mục Đời sống của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].