Chồng tôi làm bộ đội, cả năm về nhà được vài ba lần. Còn tôi thì sống cùng bố mẹ chồng. Mẹ chồng lại không ưng tôi ngay từ lúc đầu nên không khí gia đình lúc nào cũng u ám.
Nhớ ngày tôi về ra mắt, mẹ chồng đã hỏi thẳng:
“Nhìn cháu yếu ớt thế này, không biết sức khỏe có ổn không?”.
“Cháu gầy gầy vậy thôi nhưng ít ốm lắm bác ạ”.
Nói vậy nhưng sau đó mẹ chồng vẫn không ưa tôi ra mặt. Mỗi lần tôi đến chơi, bà toàn nói mệt rồi nằm trong phòng. Sau này, chồng tôi phải thuyết phục mãi, bà mới đồng ý cho cưới. Thế nhưng mẹ chồng tôi lại ra một điều kiện, đó là phải chửa trước mới được kết hôn.
Thời điểm ấy vợ chồng tôi may mắn thả và có tin vui ngay. Hôm báo tin tôi mang bầu cho bố mẹ, chồng tôi còn buột miệng:
“Đấy, mẹ sướng nhé. Con đã bảo là không sao mà”.
“Tôi già rồi, cứ phải ăn chắc. Thời bây giờ vô sinh nhiều, làm sao mà biết được”.
Đám cưới xong, chồng tôi lại lên đường ra đơn vị. Tôi ở nhà với bố mẹ chồng, tiếng là không phải làm gì nhưng có thoải mái tâm lý đâu. Ai bầu cũng nghén, nhưng thấy tôi nghén, mẹ chồng đi ra đi vào lại xuýt xoa:
“Con dâu nhà người ta bầu khỏe như văm. Con dâu nhà mình thì nôn nôn ọe ọe suốt ngày. Đến chán”.
Nghe vậy tôi cũng chạnh lòng lắm chứ. Rồi chẳng biết tại sao, tôi lại bị sảy thai ở tuần thai thứ 13. Biết tin vợ sảy thai, chồng tôi xin nghỉ phép về được vài ngày. Anh cũng buồn nhưng chỉ biết động viên vợ:
“Thôi, em cứ cố gắng nghỉ ngơi. Bọn mình còn trẻ, còn nhiều cơ hội”.
Sau khi chồng tôi đi, mẹ chồng cũng chăm tôi như gái vừa sinh con. Đợt ấy trời rét mướt, hôm nào bà cũng nấu nước cho tôi xông để nhanh lại người. Nhìn mẹ chồng lụi cụi bên bếp lửa để chờ nồi lá xông, tôi có cảm giác tội lỗi vô cùng. Nghĩ tại mình mà bà mất đứa cháu nội. Thế nên tôi chỉ kiêng cữ 1 tuần đầu sau khi sảy thai.
Bị lỡ đứa con đầu, vợ chồng tôi cũng cố gắng để cấn thai. Ngặt nỗi chồng tôi ít về nên cũng không dễ dàng có thai được như những cặp vợ chồng khác. Suốt khoảng thời gian anh đi vắng, ngày nào tôi cũng rơi nước mắt vì nghe những lời nói ác ý của mẹ chồng. Khi thì bà bảo nhà vô phúc, lúc lại nói chắc kiếp trước ăn ở thất nhân thất đức nên kiếp này gần tuổi 60 vẫn chưa có đứa cháu nào.
Khó khăn lắm tôi mới mang thai lại lần thứ 2. Lần này, tôi xin nghỉ việc ở công ty để ở nhà tĩnh dưỡng. Mẹ chồng không muốn tôi đụng tay vào bất kỳ việc gì. Còn chồng tôi thì tối ngày gọi điện hỏi thăm sức khỏe. Có đứa con này, tôi đã đặt rất nhiều hy vọng. Vậy mà lần thứ 2, ông trời trớ trêu, lại cướp con của tôi một lần nữa.
Hôm đó tôi đau bụng ra máu, đi bệnh viện khám thì bác sĩ bảo cái thai đã tự ra. Tôi ở trong phòng khám chảy nước mắt, mẹ chồng ở ngoài thì kêu trời kêu đất.
Đúng là số lận đận đường con cái. Mong chờ mãi mới có một đứa con, vậy mà chưa kịp nhìn mặt đã để mất con. Tôi cũng không hiểu tại sao lại bị sảy thai hết lần này đến lần khác. Bác sĩ thì bảo, có thể do cổ tử cung của tôi thấp nên dễ sảy.
Buồn một nỗi, vì chuyện này mà mẹ chồng lại càng trở nên xét nét con dâu. Bà vẫn cho tôi ở cữ, vẫn mua đồ về nấu ăn rồi mang lên phòng cho tôi. Nhưng hôm nào cũng vậy, bà chỉ mang lên cho tôi bát cơm trắng, đĩa thịt rang nghệ với canh rau ngót.
Có hôm tôi chán nên hỏi bà:
“Mẹ ơi, hôm nay ăn gì hả mẹ?”.
“Người ta ăn gì thì mình ăn cái đó”.
Thái độ của mẹ chồng làm tôi không muốn nói lại. Vì tôi biết bà giận mình nên cũng cố chịu. Nhưng hôm nay đã là nửa tháng kể từ ngày tôi sảy thai. Vẫn nghệ, vẫn canh rau ngót lõng bõng tí rau.
Trưa nay mẹ chồng đang mang cơm cho tôi thì chồng tôi gọi về. Bà vẫn ngọt nhạt với con trong điện thoại:
“Con cứ yên tâm mà làm việc. Vợ ở nhà có mẹ lo”.
Thế mà đặt mâm cơm xuống, bà trở mặt rồi lẩm bẩm:
“Có đẻ được đâu mà đòi cơm bưng nước rót”.
Tôi đang buồn vì mất con, lại bị đối xử như vậy nên càng chán hơn. Nhìn mâm cơm cữ đã chẳng muốn ăn, nghe mẹ chồng nói xong, tôi bỏ bữa luôn. Chắc ở cữ xong tôi phải xin chồng ra riêng, ở với mẹ chồng mà áp lực thế này, cho tiền tôi cũng chẳng có thai nổi.
Trinh Trino
Bạn đang xem bài viết Mang cơm cữ vào phòng, mẹ chồng cau có: 'Có đẻ được đâu mà đòi cơm bưng nước rót' tại chuyên mục Cuộc sống Muôn màu của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].