Báo Điện tử Gia đình Mới

Tiểu đường type 1 là gì? Triệu chứng, điều trị và cách phòng ngừa

Tiểu đường type 1 là bệnh lý mạn tính, cần được điều trị suốt đời. Bệnh do hệ thống miễn dịch phá hủy các tế bào beta sản xuất insulin của tuyến tụy.

Theo các bác sĩ Bệnh viện Nội tiết Trung ương, tiểu đường type 1 nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời cũng như kiểm soát đường huyết chặt chẽ sẽ dẫn tới nhiều biến chứng nguy hiểm.

Tiểu đường type 1 xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng thường gặp ở trẻ em, thanh thiếu niên và người trẻ tuổi. Đây là một bệnh lý tự miễn, có nghĩa là hệ miễn dịch của chính cơ thể người bệnh tấn công và phá hủy một phần hoặc toàn bộ các tế bào sản xuất insulin của tuyến tụy.

Tiểu đường type 1 xảy ra khi hệ miễn dịch của chính cơ thể người bệnh tấn công và phá hủy một phần hoặc toàn bộ các tế bào sản xuất insulin của tuyến tụy.

Tiểu đường type 1 xảy ra khi hệ miễn dịch của chính cơ thể người bệnh tấn công và phá hủy một phần hoặc toàn bộ các tế bào sản xuất insulin của tuyến tụy.

Nguyên nhân thường liên quan đến các yếu tố di truyền và tác động của môi trường sống. Do tiểu đường type 1 là bệnh tự miễn cho nên có thể phối hợp với các bệnh lý tự miễn khác như viêm tuyến giáp Hashimoto hoặc suy tuyến thượng thận nguyên phát (bệnh Addison).

Triệu chứng của tiểu đường type 1

Tiểu đường type 1 thường khởi phát bệnh với các triệu chứng khá rầm rộ trong thời gian ngắn. Người bệnh có các triệu chứng khát nhiều, uống nhiều, tiểu nhiều, gầy sút cân nhanh chóng trong thời gian 2 - 6 tuần trước khi nhập viện.

Một số trường hợp nặng hơn có thể dẫn đến tình trạng hôn mê do nhiễm toan ceton hoặc tăng áp lực thẩm thấu máu. Trong giai đoạn này người bệnh có thể có các biểu hiện khác như đau bụng thượng vị; nôn, buồn nôn dẫn đến có thể chẩn đoán nhầm với các bệnh lý khác.

Tiểu đường type 1 thường gặp ở người trẻ, thậm chí là trẻ em

Theo ghi nhận tại khoa Dinh dưỡng lâm sàng và tiết chế - Bệnh viện Nội tiết Trung ương, tình trạng người bệnh được chẩn đoán tiểu đường type 1 nhập viện điều trị khá thường xuyên, chủ yếu là những bệnh nhân trẻ tuổi, nhiều trường hợp chưa thành niên.

tieu duong type 1 anh4

Đa số các trường hợp này đều đã được phát hiện và điều trị tại địa phương; tuy nhiên do chưa hiểu đúng về bệnh, thiếu kiến thức trong quá trình điều trị và sử dụng thuốc nên nhiều trường hợp không đạt mục tiêu điều trị dẫn tới nhiều biến chứng có thể gặp phải ở những người bệnh này chỉ sau vài năm.

ThS.BSCKII. Tạ Thùy Linh - Phụ trách khoa Dinh dưỡng lâm sàng và tiết chế - cho biết: "Khác với tiểu đường type 2 thì tiểu đường type 1 thường gặp ở những bệnh nhân trẻ tuổi và có nhiều trường hợp là trẻ em.

Những đối tượng này thường ít quan tâm đến sức khỏe cũng như gặp nhiều khó khăn trong vấn đề tuân thủ điều trị bệnh. Chính vì vậy, việc giáo dục sức khỏe thường xuyên và phối hợp chặt chẽ với gia đình, người thân của bệnh nhân trong quá trình điều trị là yếu tố quan trong nhất quyết định kết quả điều trị.

Điều quan trọng nữa là việc lựa chọn phác đồ điều trị cũng như hướng dẫn chế độ ăn cho bệnh nhân cần phải phù hợp với sở thích cá nhân và thói quen sinh hoạt của người bệnh.

Ví dụ như thời điểm tiêm insulin có thể linh động theo thời gian đi học, làm việc của bệnh nhân hoặc lựa chọn sử dụng insulin dạng bút để bệnh nhân có thể thuận tiện mang theo khi đi học hoặc đi làm. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho bệnh nhân tuân thủ phác đồ điều trị cũng như giảm mặc cảm, tự ti về bệnh tật với các bạn và những người xung quanh.

Gia đình cũng có vai trò quan trọng hỗ trợ những trường hợp trẻ em mắc tiểu đường khi không thể tự tiêm insulin cũng như giáo dục, giám sát và theo dõi quá trình điều trị bệnh của những bệnh nhi mắc tiểu đường type 1".

Insulin trong điều trị tiểu đường type 1

tiem insulin

Theo các chuyên gia của Bệnh viện Nội tiết Trung ương, đối với bệnh nhân tiểu đường type 1, insulin đặc biệt quan trọng.

Nếu sử dụng thiếu insulin hoặc ngừng điều trị insulin đột ngột hoặc kèm theo các yếu tố nguy cơ khác như nhiễm trùng, chấn thương, stress, nhồi máu cơ tim… sẽ thúc đẩy nhiễm toan ceton do tiểu đường.

Đây là một biến chứng nặng thường xảy ra ở bệnh nhân tiểu đường type 1 và có thể để lại các di chứng, thậm chí tử vong nếu không được điều trị kịp thời.

Nhiều biến chứng mạn tính khác của tiểu đường type 1 cũng có thể xảy ra như các biến chứng mạch máu nhỏ như biến chứng thận dẫn đến suy thận, biến chứng võng mạc dẫn đến mù lòa; các biến chứng mạch máu lớn có thể gặp như nhồi máu cơ tim, nhồi máu não, bệnh động mạch chi dưới; gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, giảm chất lượng cuộc sống và giảm thời gian sống của bệnh nhân.

Bệnh nhân tiểu đường type 1 cũng dễ bị hạ đường huyết do sử dụng insulin không phù hợp. Phác đồ sử dụng và liều lượng insulin được các bác sĩ tính toán sao cho phù hợp với đặc điểm bệnh lý của từng bệnh nhân cũng như chế độ ăn và tập luyện.

Tuy nhiên, một số bệnh nhân ăn quá ít tinh bột hoặc hoạt động thể chất quá mức có thể gây hạ đường huyết.

Một nguyên nhân thường gặp khác có thể gây hạ đường huyết ở người bệnh tiểu đường type 1 là tiêm sai insulin.

Bệnh nhân có thể tiêm liều quá cao, quá xa bữa ăn hoặc kỹ thuật tiêm sai dẫn đến việc hấp thu insulin vào cơ thể quá nhanh, từ đó cũng dẫn đến hạ đường huyết.

Điều này càng khẳng định việc người bệnh tiểu đường type 1 cần phải có đầy đủ kiến thức và kỹ năng thực hành sử dụng insulin trong điều trị bệnh.

Điều trị tiểu đường type 1 thông qua chế độ dinh dưỡng phù hợp

tieu duong type 1 anh5

Trong điều trị tiểu đường type 1, chế độ dinh dưỡng hợp lý có vai trò đặc biệt quan trọng.

Bệnh nhân tiểu đường type 1 cần có một chế độ ăn đầy đủ dinh dưỡng cũng như lựa chọn những loại thực phẩm phù hợp ít gây tăng đường huyết và có lợi ích đến các biến chứng của bệnh.

Trường hợp bệnh nhân tiểu đường type 1 ăn quá nhiều hoặc ăn quá ít đều ảnh hưởng xấu đến kết quả điều trị bệnh.

Tuy nhiên, bệnh nhân thường không đủ các kiến thức để tự xây dựng một chế độ ăn hợp lý.

Vì vậy, để có một chế độ ăn phù hợp, bệnh nhân tiểu đường type 1 cần được thăm khám và tư vấn dinh dưỡng bởi các chuyên gia dinh dưỡng lâm sàng.

Việc chia nhỏ các bữa ăn có thể không phù hợp với bệnh nhân tiểu đường type 1 khi khó sử dụng thêm mũi tiêm insulin vào các bữa phụ để kiểm soát đường huyết.

Vì vậy, các bữa phụ cần được chuyên gia dinh dưỡng chỉ định trọng một số trường hợp đặc biệt.

Ăn vặt trong ngày cũng là một trong những nguyên nhân quan trọng nhất dẫn đến việc bệnh nhân tiểu đường type 1 không kiểm soát được đường huyết.

Tinh bột là thành phần có vai trò quan trọng nhất trong chế độ ăn của người bệnh tiểu đường type 1 do ảnh hưởng trực tiếp đến đường huyết của người bệnh.

Các thực phẩm chứa nhiều tinh bột bao gồm cơm, bún, phở, bánh mì, ngô, khoai, sắn, bánh kẹo, trái cây, nước ngọt…). Việc sử dụng quá nhiều các thực phẩm chứa tinh bột là nguyên nhân gây tăng đường huyết thường gặp nhất ở người bệnh tiểu đường type 1.

Vì vậy, bệnh nhân cần ăn số lượng tinh bột vừa phải và dựa theo nguyên tắc thay thế lượng tinh bột tương đương; tức là nếu ăn thêm các thực phẩm chứa tinh bột như bún, phở, ngô, khoai, sắn thì cần giảm lượng cơm tương ứng.

Việc lựa chọn các loại thực phẩm ít gây tăng đường huyết cũng cần được chú trọng. Trong đó, cần hạn chế các loại thực phẩm gây tăng đường huyết nhanh như bánh mỳ trắng, bánh bông lan, xôi nếp, nước ngọt, bánh kẹo ngọt. Nhiều lại trái cây mọng nước như nhãn, vải, nho cũng gây tăng đường huyết nhanh cho nên không nên lạm dụng.

Bệnh nhân tiểu đường type 1 nên lựa chọn những loại ngũ cốc nguyên hạt và những thực phẩm ít gây tăng đường huyết như gạo lứt, bánh mỳ đen, ngũ cốc nguyên cám; những lại trái cây ít gây tăng đường huyết như thanh long, dưa chuột, ổi, táo ta…

Bên cạnh đó việc sử dụng đủ rau xanh (tối thiểu 400 - 500g) mỗi ngày sẽ giúp cho việc hấp thu đường vào trong máu ổn định hơn và hạn chế gây tăng đường huyết.

Các thành phần chứa nhiều chất đạm và chất béo như thịt, cá, trứng, dầu thực vật rất ít ảnh hưởng đến đường huyết. Các thực phẩm này cần được sử dụng đầy đủ và đa dạng nhằm tránh tình trạng thiếu dinh dưỡng ở người bệnh tiểu đường.

Tuy nhiên, những thực phẩm chứa nhiều cholesterol như thịt mỡ, da và nội tạng động vật có thể làm tăng nguy cơ xơ vữa mạch máu và dẫn đến nhiều bệnh lý tim mạch ở người bệnh tiểu đường type 1 nên cần hạn chế.

Các thực phẩm chế biến sẵn thường chứa nhiều muối có thể dẫn đến suy thận và tăng huyết áp ở người bệnh tiểu đường.

Người bệnh tiểu đường type 1 cũng được khuyến cáo nên tăng cường hoạt động thể chất, lựa chọn các bài tập phù hợp và tập luyện tối thiểu 30 phút/ngày và tối thiểu 5 ngày/tuần nhằm kiểm soát đường huyết tốt hơn cũng như có vai trò trong dự phòng các biến chứng của tiểu đường.

Những lưu ý đối với người bệnh tiểu đường type 1

Empty

Ngoài những lưu ý về chế độ ăn uống, rèn luyện, sử dụng insulin đúng cách, người bị tiểu đường type 1 cần đề phòng các biến chứng.

Bởi vì ngay cả những người kiểm soát đường huyết tốt thì vẫn có khả năng xuất hiện các biến chứng của bệnh.

Cần lưu ý đi khám nếu có triệu chứng:

– Kiểm tra thấy lượng đường trong máu tăng cao hơn;

– Tê bì, dị cảm hoặc đau ở bàn chân, cẳng chân;

– Có vấn đề về thị lực;

– Vết loét hoặc nhiễm trùng ở bàn chân;

– Tình trạng trầm cảm hoặc rối loạn lo âu;

– Các triệu chứng cho thấy đường huyết quá thấp: đói, mệt mỏi, run tay, đổ mồ hôi, khó chịu, nhịp tim nhanh, hoa mắt, chóng mặt. Chỉ số đường huyết dưới 70mg/dL (3.9 mmol/L);

– Các triệu chứng cho thấy đường huyết quá cao: khát nước, khô da, mệt mỏi, tiểu nhiều, gầy sút cân.

Cách phòng ngừa tiểu đường type 1

Ảnh: BS.CKII Tạ Thùy Linh thăm khám cho người bệnh

Ảnh: BS.CKII Tạ Thùy Linh thăm khám cho người bệnh

Khuyến cáo về cách phòng ngừa tiểu đường type 1, bác sĩ Linh nhấn mạnh: "Khác với tiểu đường type 2 có thể phòng ngừa được bằng lối sống lành mạnh, tiểu đường type 1 gần như không thể ngăn ngừa được.

Đối với bệnh tiểu đường type 1, quan trọng nhất là cần chú ý các triệu chứng của tăng đường huyết như khát nhiều, uống nhiều, tiểu nhiều, gầy sút cân, đặc biệt là trẻ em.

Trẻ có người thân (bố, mẹ, anh chị em ruột) bị tiểu đường type 1 có thể xét nghiệm kháng thể để xác định nguy cơ tiểu đường type 1".

Để tầm soát bệnh tiểu đường type 1, người dân có thể đi bệnh viện thực hiện làm xét nghiệm sàng lọc nhằm giúp phát hiện sớm tình trạng tiền tiểu đường, phân loại chính xác tiểu đường type 1 hay type 2, xây dựng chế độ dinh dưỡng, theo dõi giảm thiểu các nguy cơ, biến chứng do bệnh gây ra.

(Theo Bệnh viện Nội tiết Trung ương)

Tin liên quan

từ khóa Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO Bất động sản- Tài chính