Báo Điện tử Gia đình Mới

5 lưu ý cho bệnh nhân tiểu đường trên tuổi 40

Tỉ lệ người lớn tuổi mắc bệnh tiểu đường ngày càng cao. So với người trẻ tuổi, bệnh nhân tiểu đường từ 40 tuổi trở về sau dễ gặp nguy cơ dẫn đến biến chứng mạch máu lớn.

Ngoài ra, các yếu tố nguy cơ khác cũng tăng lên do việc dùng nhiều loại thuốc, suy giảm chức năng, các vấn đề sức khỏe liên quan đến lão hóa như suy giảm nhận thức, tiểu không kiểm soát, trầm cảm, chấn thương hoặc đau mạn tính.

tieu duong 4

Điều trị tiểu đường ở người lớn tuổi tương tự như ở người trẻ, bao gồm kiểm soát mức tăng đường huyết và các yếu tố nguy cơ. Dưới đây là 5 mục tiêu điều trị cần lưu ý cho người tiểu đường lớn tuổi, chia sẻ từ bác sĩ Nguyễn Thanh Hải (Bệnh viện Trưng Vương).

1. Đặt ra chỉ số HbA1c phù hợp

Chỉ số ổn định đường huyết – HbA1c được đặt ra tùy bệnh nhân cụ thể. [1]

  • HbA1c < 7.5%, tương đương mức đường huyết khi đói và trước bữa ăn đạt từ 140-150 mg/dL: đối với người bệnh có tiên lượng tuổi thọ sống thêm trên 10 năm.
  • HbA1c ≤ 8%, tương đương mức đường huyết khi đói và trước bữa ăn đạt từ 160-170 mg/dL: đối với những bệnh nhân già yếu, có tiên lượng sống thêm dưới 10 năm.
  • HbA1c ≤ 8.5%, tương đương mức đường huyết trung bình là 200 mg/dL: đối với những người bệnh rất già yếu. Nhóm này cần đặc biệt lưu ý, tránh hạ đường huyết hay tăng đường huyết quá mức dẫn đến biến chứng (> 350 mg/dl).

2. Tránh tăng đường huyết quá mức

Tăng đường huyết quá mức gây mất nước, giảm thị lực và nhận thức, tăng nguy cơ nhiễm trùng, dẫn đến suy giảm chức năng và nguy cơ té ngã ở người tiểu đường lớn tuổi. [2]

3. Tránh hạ đường huyết quá mức

ha duong huyet 2

Hạ đường huyết quá mức nên đặc biệt tránh ở người lớn tuổi vì sẽ làm tăng nguy cơ dẫn đến các biến cố bất lợi về tim mạch và rối loạn  cơ chế tự điều hòa của tim.

Với bệnh nhân già yếu, hạ đường huyết dù nhẹ cũng dễ gây chóng mặt dẫn đến té ngã, gãy xương. Ngoài ra, hạ đường huyết nặng cần nhập viện sẽ làm giảm trí nhớ, nhất là khi bị tái phát nhiều lần.

Ngoài ra, cần lưu ý người lớn tuổi có thể có nhiều biểu hiện thần kinh của hạ đường huyết (chóng mặt, yếu sức, mê sảng, lú lẫn) hơn so với biểu hiện giao cảm (run, đổ mồ hôi), mà những biểu hiện thần kinh này có thể bị hiểu nhầm là bệnh thần kinh thật sự (như cơn thiếu máu não thoáng qua) dẫn đến người bệnh chậm phát hiện cơn hạ đường huyết để kịp thời xử lý. [3]

4. Giảm nguy cơ tim mạch

Người tiểu đường lớn tuổi sẽ có nhiều khả năng giảm được tỉ lệ bệnh tật và tử vong từ việc giảm nguy cơ tim mạch, đặc biệt là điều trị tăng huyết áp và giảm lipid máu với statin, hơn là từ việc kiểm soát đường huyết chặt chẽ (vốn hiệu quả hơn đối với bệnh nhân trẻ tuổi hơn). Cụ thể, người bệnh cần lưu ý các vấn đề sau:

  • Cai thuốc lá
  • Điều trị tăng huyết áp
  • Điều trị rối loạn lipid máu
  • Aspirin
  • Tập thể dục

5. Sống khỏe cùng bệnh

Tương tự với những bệnh nhân trẻ hơn, người tiểu đường lớn tuổi được khuyến khích vận động, lưu ý chế độ dinh dưỡng, giảm cân, ngăn ngừa các biến chứng.

  • Hoạt động thể chất:

Người bệnh được khuyến khích vận động nếu trạng thái chức năng cho phép. Có thể bắt đầu với các bài tập aerobics cường độ trung bình như đi bộ ít nhất 30 phút mỗi ngày, ít nhất 5 ngày mỗi tuần. Người bệnh lớn tuổi cần lưu ý thời tiết để tránh trơn trượt và té ngã.

Empty
  • Chế độ dinh dưỡng:

Người bệnh tiểu đường cần cung cấp đủ 6 nhóm dinh dưỡng: tinh bột, đạm, chất béo, trái cây, rau củ, và sữa. Tuy nhiên trên thực tế, có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến việc ăn uống ở người lớn tuổi đến từ vấn đề lão hóa của cơ thể như: thay đổi nhận thức hương vị, bệnh tật và hạn chế ăn uống, mất răng, thay đổi chức năng tiêu hóa.

Người nhà bệnh nhân có thể yêu cầu bác sĩ thiết kế thực đơn dinh dưỡng cho riêng người bệnh dựa trên tính chất bệnh tật, lối sống, và các yếu tố sở thích cá nhân.

Xem thêm Chế độ ăn cho bệnh nhân Đái tháo đường có bệnh tim mạch

  • Lưu ý cân nặng:

Với người tiểu đường lớn tuổi bị béo phì, cần đặt mục tiêu giảm cân khoảng 5-7% trọng lượng cơ thể. Tuy nhiên, người càng lớn tuổi càng có nhiều nguy cơ suy dinh dưỡng hơn là béo phì, mà trong khi việc sụt cân cũng sẽ làm tăng nguy cơ bệnh tật và tử vong ở người lớn tuổi.

Vì vậy, nếu có hiện tượng giảm cân không chủ ý xảy ra ở người tiểu đường lớn tuổi, cần đưa họ đến thăm khám để bác sĩ đánh giá.

Nguồn tham khảo:

  1. Department of Veterans Affairs Department of Defense (2023), VA/DoD clinical practice guideline for the management of type 2 diabetes mellitus, VA/DoD clinical practice guideline for the management of type 2 diabetes mellitus, accessed 21st Oct 2023.
  2. Bộ Y tế (2019), Đái tháo đường ở người cao tuổi và những lưu ý không thể bỏ qua, Đái tháo đường ở người cao tuổi và những lưu ý không thể bỏ qua, accessed 21st Oct 2023.
  3. Yun, J. S., & Ko, S. H. (2016). Risk Factors and Adverse Outcomes of Severe Hypoglycemia in Type 2 Diabetes Mellitus. Diabetes & metabolism journal, 40(6), 423–432. https://doi.org/10.4093/dmj.2016.40.6.423

Nguồn: Ngày Đầu Tiên

Tin liên quan

Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO