Ngày 22/4/2020, Bộ Y tế đã ban hành kế hoạch xét nghiệm phát hiện nhiễm SARS-CoV-2 trong giai đoạn dịch COVID-19.
Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh tại Việt Nam có những thay đổi so với giai đoạn trước, để đáp ứng với tình hình dịch bệnh hiện nay, bảo đảm phòng chống dịch một cách hiệu quả, phát huy tối đa các nguồn lực hiện tại, ngày 21/9, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định mới số 4042/QĐ-BYT để thay thế cho quyết định ngày 22/4.
Mục tiêu của kế hoạch mới nhằm phát hiện các trường hợp mắc COVID-19 dựa trên định nghĩa ca bệnh và theo phân loại nhóm ưu tiên, ngăn chặn sự lan rộng của dịch bệnh.
Đồng thời nghiên cứu, đánh giá theo dõi hiệu quả của các biện pháp điều trị, theo dõi bệnh nhân trong quá trình điều trị, các biện pháp phòng, chống dịch đã thực hiện; đánh giá tình hình dịch tễ, miễn dịch cộng đồng. Kế hoạch mới này cũng giảm tải cho hệ thống xét nghiệm, giảm nhu cầu sinh phẩm, hóa chất, vật tư tiêu hao, giảm thời gian xét nghiệm và tăng công suất xét nghiệm, đồng thời vẫn bảo đảm chất lượng xét nghiệm.
Kế hoạch mới sẽ phân nhóm đối tượng xét nghiệm theo ưu tiên:
- Nhóm 1: Sẽ thực hiện xét nghiệm các đối tượng này trong mọi trường hợp;
- Nhóm 2: Sẽ thực hiện xét nghiệm cho các đối tượng này khi có nhiều nguồn lực hơn và đã bảo đảm đầy đủ cho các trường hợp thuộc nhóm 1;
- Nhóm 3: Sẽ thực hiện xét nghiệm khi có đủ nguồn lực và đã bảo đảm cho các đối tượng thuộc nhóm 1 và nhóm 2.
Việc lựa chọn đối tượng cần xét nghiệm, phương pháp, kỹ thuật và sinh phẩm xét nghiệm căn cứ vào các yếu tố dịch tễ và lâm sàng. Cần xem xét đánh giá tính khả thi trước khi thực hiện xét nghiệm cho các đối tượng có ưu tiên thấp hơn.
Kế hoạch xét nghiệm phát hiện nhiễm SARS-CoV-2 trong giai đoạn dịch COVID-19 vừa ban hành này cũng chia các nội dung hoạt động thực hiện xét nghiệm, bao gồm 3 giai đoạn:
- Giai đoạn 1: Có ca bệnh xâm nhập, ca bệnh thứ phát trong cộng đồng và các ổ dịch khu trú, chưa lây lan rộng trong cộng đồng;
- Giai đoạn 2: Bệnh lây lan trong cộng đồng;
- Giai đoạn 3: Giai đoạn chỉ phát hiện ca mắc từ nước ngoài về, không có ca mắc trong cộng đồng.
Ở mỗi giai đoạn sẽ có những nhóm đối tượng phải xét nghiệm khác nhau. Đặc biệt, trong giai đoạn 1, dù bệnh chưa lây lan rộng trong cộng đồng nhưng 1 trong những nhóm đối tượng phải xét nghiệm là các trường hợp đến khám hoặc nhập viện với triệu chứng viêm đường hô hấp cấp nặng (SARI) hoặc viêm phổi nặng nghi do nhiễm vi rút (SVP) hoặc hội chứng cúm (ILI) (có sốt và có ít nhất 1 biểu hiện/triệu chứng về bệnh liên quan về hô hấp).
Bộ Y tế đề nghị Cục Y tế dự phòng, Vụ Trang Thiết bị và Công trình Y tế, Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Cụ Kế hoạch - Tài chính, các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur, các Sở Y tế, Trung tâm kiểm soát bệnh tật, các phòng xét nghiệm, các đơn vị sản xuất, cung cấp sinh phẩm xét nghiệm SARS-CoV-2 thực hiện kế hoạch này.
Tính đến ngày 13/9, Việt Nam có 137 phòng xét nghiệm đủ năng lực xét nghiệm phát hiện SARS-CoV-2 bằng kỹ thuật RT-PCR. Cả nước đã thực hiện được 1.076.811 mẫu xét nghiệm RT-PCR, trong đó xác định 1.063 ca dương tính với SARS-CoV-2.
Tỷ lệ phát hiện dương tính với vi rút khoảng 0,1% cho thấy, việc sử dụng nguồn lực hợp lý hơn bằng cách lấy mẫu xét nghiệm có trọng điểm là rất quan trọng trong bối cảnh đang thiếu sinh phẩm trên toàn cầu. Số mẫu xét nghiệm cao nhất là từ ngày 10/8 đến ngày 16/8 với trung bình gần 25 nghìn mẫu/ngày.
V.LinhBạn đang xem bài viết Thay đổi chiến lược xét nghiệm COVID-19: Ho, sốt tới BV khám sẽ phải xét nghiệm tại chuyên mục Tin mới của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].