Ngày 21/9, Bộ Y tế có Công văn 4995/BYT-DP về việc hướng dẫn tạm thời giám sát người nhập cảnh vào Việt Nam, gửi các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Hướng dẫn này được áp dụng cho người nhập cảnh vào làm việc tại Việt Nam trên 14 ngày, bao gồm người nước ngoài mang hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ, nhà đầu tư, lao động tay nghề cao, nhà quản lý doanh nghiệp, các đối tượng theo thỏa thuận hợp tác cùng thân nhân; học sinh, sinh viên quốc tế; thân nhân người nước ngoài của công dân Việt Nam (sau đây gọi là người nhập cảnh) từ các quốc gia đã kiểm soát tốt dịch bệnh.
Trước khi nhập cảnh, Bộ Y tế yêu cầu người nhập cảnh cần đăng ký cơ sở cách ly tập trung để thực hiện cách ly khi nhập cảnh kèm theo lịch trình làm việc cụ thể tại Việt Nam.
Theo đó, cơ sở cách ly tập trung được lưu ý là các khách sạn, địa điểm được UBND tỉnh, thành phố cho phép thực hiện cách ly tập trung.
Người nhập cảnh cần chuẩn bị giấy xác nhận (có ngôn ngữ tiếng Anh) âm tính với SARS-CoV-2 sử dụng kỹ thuật xét nghiệm phát hiện vật liệu di truyền (ARN) của vi rút, như: Xét nghiệm RT-PCR hay RT-LAMP... của cơ quan y tế có thẩm quyền trước khi nhập cảnh 3-5 ngày.
Khi nhập cảnh, người nhập cảnh cần được kiểm tra giấy xác nhận âm tính với SARS-CoV-2; thực hiện việc đo thân nhiệt, kiểm tra y tế để phát hiện các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh.
Khi phát hiện trường hợp nghi ngờ mắc bệnh, cần áp dụng các biện pháp xử trí theo quy định.
Mặt khác, cần thu thập thông tin cơ sở cách ly tập trung, thông báo cho các địa phương tiếp tục theo dõi, giám sát; hướng dẫn khai báo y tế điện tử, cài đặt và sử dụng các ứng dụng truy vết.
Về việc thực hiện lấy mẫu xét nghiệm cho người nhập cảnh tại cửa khẩu, Bộ Y tế yêu cầu lấy mẫu bệnh phẩm (dịch đường hô hấp trên); thực hiện xét nghiệm nhanh sử dụng kỹ thuật xét nghiệm phát hiện vật liệu di truyền (ARN) của vi rút hoặc phát hiện kháng nguyên bằng sinh phẩm được Bộ Y tế cấp phép, hoặc được Tổ chức Y tế thế giới hay Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hoa Kỳ khuyến cáo; ưu tiên sử dụng các sinh phẩm chẩn đoán nhanh phát hiện kháng nguyên có độ nhạy cao, sử dụng mẫu nước bọt.
Tại cơ sở cách ly tập trung, người nhập cảnh được lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng kỹ thuật xét nghiệm phát hiện vật liệu di truyền (ARN) của vi rút (theo kỹ thuật RT-PCR hoặc RT-LAMP...).
Trong đó, với trường hợp không được xét nghiệm tại cửa khẩu hoặc kết quả xét nghiệm không rõ thì lấy mẫu xét nghiệm ngay khi đến cơ sở cách ly tập trung.
Nếu kết quả xét nghiệm dương tính, thực hiện ngay việc cách ly y tế tập trung tại cơ sở y tế, tổ chức lấy mẫu xét nghiệm, chăm sóc điều trị theo quy định hiện hành với trường hợp mắc COVID-19.
Nếu kết quả xét nghiệm âm tính thì tiếp tục cách ly, theo dõi, giám sát y tế cho đến khi lấy mẫu xét nghiệm lần 2.
Tất cả các trường hợp đều được lấy mẫu xét nghiệm lần 2 vào ngày thứ 6 kể từ ngày nhập cảnh hoặc ngay khi có triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh.
Nếu có kết quả xét nghiệm dương tính, thực hiện ngay việc cách ly y tế tập trung tại cơ sở y tế, tổ chức lấy mẫu xét nghiệm, chăm sóc điều trị theo quy định hiện hành với trường hợp mắc COVID-19. Các đối tượng tiếp xúc gần tiếp tục được cách ly 14 ngày.
Nếu kết quả xét nghiệm lần 2 âm tính thì được phép di chuyển về nơi lưu trú để tiếp tục tự cách ly đến khi đủ 14 ngày và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo hướng dẫn hiện hành của Bộ Y tế.
Việc đi lại từ cơ sở cách ly về nơi lưu trú phải bằng phương tiện riêng theo quy định của Bộ Y tế.
V.LinhBạn đang xem bài viết Người nhập cảnh vào Việt Nam sẽ cách ly, xét nghiệm COVID-19 như thế nào? tại chuyên mục Cuộc sống Muôn màu của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].