Nhiều người bị tắc ruột vì ăn hồng
Khoa Thăm dò chức năng, BV Bãi Cháy (Quảng Ninh) mới thực hiện nội soi gắp hai khối bã thức ăn trong dạ dày, hành tá tràng đường kính khoảng 1,5cm cho bệnh nhân L.T.T. (47 tuổi, ở Cẩm Phả, Quảng Ninh). Trước đó khoảng 1 tuần, bệnh nhân từng ăn quả hồng và nhập viện trong tình trạng đau tức thượng vị, buồn nôn.
Cách đây không lâu, đơn vị này cũng đã tiến hành phẫu thuật cấp cứu cho 4 ca bệnh bị tắc ruột do khối bã thức ăn.
Điển hình là trường hợp bệnh nhân T.X.T. (63 tuổi, ở Hạ Long) vào viện trong tình trạng đau chướng vùng bụng quanh rốn, mạn sườn trái, đau thành cơn, buồn nôn và nôn ra thức ăn.
Hình ảnh chụp CT scanner cho thấy tắc ruột non do bã thức ăn kích thước 25x43mm vùng hố chậu trái.
Trước đó, bệnh nhân ăn một lượng lớn quả hồng trong nhiều ngày. Các bác sĩ đã hội chẩn và thống nhất chỉ định phẫu thuật cấp cứu tắc ruột cho người bệnh.
Quá trình phẫu thuật, bác sĩ đã mở đoạn ruột non lấy bã thức ăn gây tắc cách góc manh tràng khoảng 1m, thiết lập lưu thông ống tiêu hóa, lau rửa ổ bụng và đặt dẫn lưu. Hiện tại, tình trạng bệnh nhân ổn định, sức khỏe phục hồi tốt, có thể ăn uống bình thường.
Thời gian qua, BV Bãi Cháy liên tục tiếp nhận và xử trí cấp cứu nhiều trường hợp bệnh nhân có dị vật bã thức ăn đường tiêu hóa do thực phẩm có nhiều nhựa, chất xơ hình thành. Đặc biệt nguy hiểm khi bã thức ăn tồn tại lâu ngày ở dạ dày trôi xuống ruột non gây biến chứng tắc ruột phải tiến hành phẫu thuật cấp cứu.
Vì sao quả hồng dễ gây tắc ruột?
Theo BSCKI Nguyễn Thái Bình, Phó trưởng khoa Ngoại, BV Bãi Cháy, trong quả hồng có chất nhựa gây kết dính thức ăn tạo nên cục thức ăn lớn rất khó tiêu hóa.
Bã thức ăn ứ đọng trong dạ dày nếu không được chẩn đoán và xử trí kịp thời sẽ gây nên những biến chứng nguy hiểm như viêm loét, xuất huyết dạ dày, đầy bụng, khó tiêu.
Nếu bã thức ăn trôi xuống và bị tắc nghẽn ở ruột non sẽ gây nên biến chứng như giãn, viêm, phù nề, hoại tử ruột non, thủng ruột, viêm màng bụng, nhiễm trùng, nhiễm độc toàn thân… dẫn đến tử vong.
Bác sĩ Bình cho biết thêm, tắc ruột do khối bã thức ăn thường gặp ở người già và trẻ nhỏ. Sử dụng một lượng lớn thực phẩm có nhiều chất tanin như hồng, ổi hay chất bã xơ như măng… có thể là một trong những nguy cơ hình thành bã thức ăn trong quá trình tiêu hóa.
Đặc biệt, nếu ăn khi đói, dạ dày còn trống rỗng, nồng độ acid dạ dày cao, hoa quả có nhiều chất xơ, nhựa dễ bị kết tủa làm kết dính các sợi xơ thực vật, tạo thành khối bã rắn chắc.
Những triệu chứng thường gặp của bã thức ăn trong dạ dày là đau bụng thượng vị, trướng bụng, đầy hơi, nôn, buồn nôn, đầy bụng sau ăn, bí trung đại tiện...
Vì vậy, bác sĩ khuyến cáo khi gặp những dấu hiệu trên, người bệnh cần đến cơ sở y tế để thăm khám, xác định nguyên nhân và xử trí kịp thời, tránh biến chứng tắc ruột đe dọa tính mạng người bệnh.
An AnBạn đang xem bài viết Tắc ruột phải cấp cứu sau khi ăn hồng, vì sao ăn hồng dễ bị tắc ruột? tại chuyên mục Tin y tế của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].