1. Ngủ quá nhiều
Ngủ là thời gian để cơ thể phục hồi và tự chữa lành. Tuy nhiên không phải cứ ngủ càng nhiều thì cơ thể càng được nghỉ ngơi và càng tốt cho sức khỏe.
Nghiên cứu cho thấy ngủ quá nhiều mang lại nhiều tác hại cho sức khỏe con người.
Thời gian ngủ khác nhau tùy vào mỗi người, nhưng trung bình một giấc ngủ tốt là khoảng 7-9 tiếng.
Ngủ quá nhiều và thường xuyên có thể làm tăng nguy cơ tử vong, trầm cảm, bệnh tim, béo phì và ảnh hưởng chức năng não bộ.
2. Ăn quá nhiều muối
Muối giúp thực phẩm đậm đà hơn, nhưng ăn nhiều muối quá sẽ không tốt cho sức khỏe.
Lượng muối bạn hấp thụ vào cơ thể ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của bạn. Ăn quá nhiều muối có thể gây tăng huyết áp, bệnh tim, ung thư dạ dày.
Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới WHO, chúng ta nên ăn ít hơn 5 gam muối mỗi ngày (tức 5000mg), tương đương 1 muỗng cà phê.
3. Mang điện thoại lên giường ngủ
Các nghiên cứu mới đây chỉ ra rằng, sử dụng thiết bị điện tử trước khi đi ngủ sẽ làm bạn mất ngủ, giảm chất lượng giấc ngủ.
Tuy nhiên, một khảo sát của Tổ chức Nghiên cứu Giấc ngủ Mỹ, có khoảng 89% người lớn và 75% trẻ em có ít nhất một thiết bị điện tử trong phòng ngủ.
Sử dụng thiết bị điện tử trước khi đi ngủ không chỉ ảnh hưởng giấc ngủ, mà còn gây tăng cân, mệt mỏi vào ban ngày.
Nó cũng ảnh hưởng đến năng suất lao động, khả năng học tập, mức độ căng thẳng.
Một giờ trước khi đi ngủ bạn nên cách ly khỏi các thiết bị điện thoại, máy tính để cải thiện chất lượng giấc ngủ và bảo vệ sức khỏe.
4. Ăn quá nhanh
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra việc ăn và nhai thức ăn quá nhanh có thể dẫn đến một số vấn đề sức khỏe.
Ăn nhanh dẫn đến tăng cân nhanh hơn, tăng nguy cơ bệnh tim, tiểu đường, đột quỵ.
Người ăn nhanh cũng dễ ăn quá nhiều, vì khoảng 20 phút từ khi bạn bắt đầu ăn thì não bộ mới phát tín hiệu báo đã no.
Do đó bạn có thể đã no nhưng vẫn ăn tiếp vì bộ não chưa đủ thời gian phản ứng và nhận ra cảm giác no.
5. Dùng tăm bông để ngoáy tai
Ngoái tai bằng tăm bông hại nhiều hơn lợi. Nghiên cứu cho thấy ngoáy tai bằng tăm bông khiến ráy tai đi vào sâu trong ông tai hơn. Nó cũng có thể dẫn đến viêm nhiễm, thủng màng nhĩ, ráy tai bít lỗ tai, ù tai,...
Chuyên gia khuyên bạn nên để ráy tai tự bong và rơi ra một cách tự nhiên. Ráy tai đóng vai trò như một lớp lọc cho ống tai, ngăn cản bụi bẩn từ bên ngoài xâm nhập vào trong tai.
Việc dùng tăm bông làm sạch tai có thể khiến tai dễ tổn thương hơn với môi trường ô nhiễm. Do đó bạn chỉ nên lau sạch bên ngoài tai bằng khăn, hoặc đến lấy ráy tai tại cơ sở y tế.
6. Uống quá nhiều nước ép trái cây
Nước ép cam giàu vitamin C, vitamin B và nhiều chất chống oxy hóa, được nhiều người ưa thích. Mọi người thường nghĩ rằng uống nước ép trái cây là thói quen tốt cho sức khỏe.
Tuy nhiên, uống quá nhiều có thể gây hại, vì nó làm tăng nguy cơ sâu răng, tiểu đường tuýp 2, béo phì,
Lý do uống quá nhiều nước trái cây gây hại vì hàm lượng fructose trong nước trái cây cao mà lại ít chất xơ. Bất kể bạn uống nước trái cây loại nào, thì thực tế trong đó vẫn chứa rất nhiều đường.
7. Để ví ở túi quần sau
Nam giới mang ví thường có thói quen giữ ví ở túi sau quần dài. Mặc dù có vẻ tiện, nhưng thói quen này không có lợi cho sức khỏe.
Khi bạn ngồi lên ví trong khoảng 15 phút có thể ảnh hưởng dến cột sống, khiến dây chằng cột sống bị ảnh hưởng.
Lặp lại việc này trong thời gian dài có thể gây đau lưng mãn tính, đau thần kinh tọa và vẹo cột sống chức năng.
8. Rửa tay bằng nước nóng
Nhiều nghiên cứu đã xác nhận rằng rửa tay bằng nước nóng và nước lạnh có khả năng diệt khuẩn như nhau. Hơn nữa, nước lạnh còn tốt cho sức khỏe bàn tay hơn nước nóng.
Nhiều người cho rằng nước nóng diệt khuẩn tốt hơn, tuy nhiên chỉ có nước sôi mới có thể diệt khuẩn.
Rửa tay bằng nước nóng còn làm da mềm hơn và dễ bị vi khuẩn gây tổn thương hơn.
9. Uống nước từ chai nhựa
Nhiều người cho rằng uống nước đóng chai tinh khiết là an toàn và tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên không phải chất liệu nào cũng an toàn và thân thiện với môi trường. Chai nhựa có thể gây hại vì khi ở nhiệt độ cao, chất hóa học từ vỏ chai có thể bị nhiễm vào nước.
Nếu bạn để một chai nước nhựa trong ô tô vào ngày nóng, lớp nhựa bên ngoài có thể tiết ra hóa chất độc hại bisphenol A, có thể làm nhiễm độc nước uống của bạn.
Chất hóa học này có thể ảnh hưởng hệ nội tiết, tăng nguy cơ bệnh lạc nội mạc tử cung và ung thư vú.
10. Dùng máy sấy tay
Máy sấy tay có vẻ là giải pháp thân thiện với môi trường hơn dùng khăn giấy, nhưng không tốt cho sức khỏe hơn.
Nguyên nhân là máy sấy tay ở các nhà vệ sinh công cộng có thể làm phát tán vi khuẩn từ chất thải lên tay bạn. Cơ chế hoạt động của máy sấy tay là thổi không khí, do đó nó vận chuyển vi khuẩn trong không khí trong nhà vệ sinh.
kết quả nghiên cứu chỉ ra nhiều loại vi khuẩn, bào tử, mầm bệnh có thể truyền đến tay bạn khi bạn dùng máy sấy tay công cộng. Cách tốt nhất là dùng khăn tay lau khô tay, hoặc khăn giấy.
(Theo Bright Side)
Hoàng NguyênBạn đang xem bài viết 10 thói quen hao mòn sức khỏe mà nhiều người vẫn hồn nhiên làm mỗi ngày tại chuyên mục Sống khỏe của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].