Báo Điện tử Gia đình Mới

Sử dụng nghệ thuật nhằm trao quyền cho phụ nữ Namibia

Tại một xưởng nghệ thuật ở thị trấn Goreangab, phía Tây Bắc thủ đô Windhoek của Namibia, cô Victoria Ndilimeke đã bôi sáp và thuốc nhuộm lên vải, rồi tạo ra những họa tiết đầy màu sắc.

Tác phẩm này là một phần trong bộ sưu tập do hơn 20 phụ nữ tham gia dự án Penduka Trust thực hiện. Đây là một sáng kiến sử dụng nghệ thuật nhằm trao quyền cho phụ nữ và giúp họ có cuộc sống tốt đẹp hơn.

Một người phụ nữ làm việc tại xưởng nghệ thuật ở thị trấn Goreangab (Windhoek, Namibia). Ảnh: Tân Hoa xã

Một người phụ nữ làm việc tại xưởng nghệ thuật ở thị trấn Goreangab (Windhoek, Namibia). Ảnh: Tân Hoa xã

Trao đổi với Tân Hoa xã, cô Ndilimeke cho biết: “Tôi có thể không đếm được mình đã sản xuất bao nhiêu đồ thủ công, nhưng tôi không bao giờ quên nghệ thuật đã khiến cuộc sống của tôi trở nên tốt đẹp hơn như thế nào”. Cô Ndilimeke là một trong những người tham gia dự án Penduka Trust, được thành lập vào năm 1992 bởi bà Martha Muulyau, người Namibia và bà Christien Roos, người Hà Lan.

Các chương trình trong dự án  này hỗ trợ đào tạo cho những phụ nữ có trình độ học vấn hạn chế và các bà mẹ trẻ những kỹ năng như: Kể chuyện, thêu thùa, làm đồ gốm, vải thổ cẩm, nông nghiệp, làm đồ trang sức và tái chế... Ban đầu, chỉ có 6 phụ nữ ở Windhoek tham gia dự án này.

Cho đến nay, dự án đã thu hút sự tham gia của 1.000 phụ nữ ở các khu vực khác nhau của Namibia. Bà Bernadette Jagger, Thứ trưởng Bộ Bình đẳng giới, Xóa đói giảm nghèo và Phúc lợi trẻ em Namibia nhận định, các dự án trao quyền cho phụ nữ có ý nghĩa rất quan trọng trong việc giải quyết chênh lệch giới tính và nâng cao năng lực cho phụ nữ Namibia.

Ở những khu vực khan hiếm tài nguyên, phụ nữ được đào tạo nghề thêu, sản xuất các sản phẩm nghệ thuật độc đáo và có thể bán được trên thị trường. Các sản phẩm thủ công mỹ nghệ được bán tại địa phương. Trong khi đó, nhiều sản phẩm thêu được xuất khẩu sang châu Á và châu Âu. Những người phụ nữ tham gia Penduka Trust ca ngợi sáng kiến này đã giúp họ kiếm thêm thu nhập hỗ trợ gia đình.

Cô Ndilimeke nhấn mạnh: “Hội họa và các nghề thủ công khác đã trở thành nguồn sống của tôi”. Về phần mình, theo cô Hambeleleni Mupolo, một thành viên tham gia Penduka Trust, dự án đã giúp cô nâng cao kỹ năng may vá, cải thiện kỹ năng giao tiếp cũng như sinh kế một cách hiệu quả.

Dương Nguyễn/ Báo Quân đội nhân dân

Tin liên quan

Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO