Thống kê của các chuyên gia xương khớp cho thấy, tình trạng thoái hoá khớp gối ngày một gia tăng, cả nước có khoảng 3,6 triệu người bị thoái hoá khớp nói chung, trong đó có khoảng 50% là thoái hoá khớp gối.
Dự tính đến năm 2020, tỉ lệ này tăng lên khoảng 6 triệu người, trong đó có khoảng 0,5 - 1% phải thay khớp gối.
Theo PGS.TS Trần Trung Dũng, Trưởng phân môn Chấn thương chỉnh hình Bộ môn Ngoại Đại học Y Hà Nội, PGĐ Bệnh viện Xanh Pôn: “Người dân Việt Nam khi mắc bệnh về xương khớp, trong đó có bệnh thoái hóa khớp gối thường đến bệnh viện rất muộn.
Có nhiều bệnh nhân đến viện khám và điều trị trong giai đoạn không thể chịu đựng được nữa, đi lại rất khó khăn. Với những trường hợp như vậy thì phải tuỳ thuộc vào tình trạng bệnh nhân mà bác sĩ có chỉ định thay khớp gối hoặc điều trị nội khoa và các biện pháp khác”.
PGS.TS Trần Trung Dũng cũng cho biết thêm, bệnh thoái hóa khớp gối đặc trưng bởi tình trạng tổn thương sụn khớp, cốt hoá phần mềm cạnh khớp tạo thành các gai xương, kèm theo xơ xương dưới sụn và hàng loạt các biến đổi khác về hóa sinh và hình thái của màng hoạt dịch, bao khớp.
Bệnh thường gặp ở nữ giới cao tuổi, với các biểu hiện sớm là bị đau khớp gối, nhất là khi bước lên cầu thang, chạy nhảy hoặc đau về ban đêm.
Những bệnh nhân bị đau khớp mà đến viện sớm thì việc điều trị rất dễ dàng. Có nhiều phương pháp điều trị thoái hóa khớp gối phụ thuộc vào giai đoạn bệnh như điều trị nội khoa kết hợp với phục hồi chức năng, giảm cân, nội soi khớp, cắt xương sửa trục xương chày…
Và cuối cùng khi các phương pháp điều trị trên thất bại, bệnh nhân đau nhiều, sụn khớp đã bị phá huỷ, khớp biến dạng, lệch trục cơ học, trên phim chụp X-quang hình ảnh thoái hoá khớp gối rõ thì chỉ định thay khớp gối được đặt ra.
Thường với bệnh nhân thoái hoá khớp gối độ 3 hoặc 4 thì bác sĩ sẽ chỉ định thay khớp gối. Tuy nhiên ở độ 3 thì sẽ tuỳ thuộc vào tổn thương 1 khoang hay 2 khoang mà có lựa chọn thay toàn phần hay bán phần. Với bệnh nhân tổn thương 1 khoang thì sẽ thay bán phần, còn bệnh nhân tổn thương cả 2 khoang và thoái hoá khớp gối nhiều thì sẽ thay toàn phần.
Trước đây, hầu hết các bệnh nhân bị thoái hoá khớp gối đều thay toàn phần vì ở Việt Nam kỹ thuật thay bán phần chưa được phổ biến. Với tổn thương khớp gối mà tổn thương cả 2 bên lồi cầu trong, lồi cầu ngoài của xương đùi hoặc mâm chày trong, mâm chày ngoài thì thay toàn phần là đương nhiên.
Tuy nhiên với những bệnh nhân tổn thương đến sớm, tổn thương 1 bên, tổn thương 1 khoang trong hoặc ngoài thì thay khớp gối bán phần là một lựa chọn rất thích hợp, nhất là bệnh nhân trẻ.
Hiện, kỹ thuật thay khớp gối bán phần đang được thực hiện nhiều hơn ở Việt Nam và việc chỉ định thay khớp gối bán phần rất chặt chẽ. Ví như bệnh nhân thoái hoá khớp ở một khoang, còn dây chằng chéo trước và duỗi gối không mất quá 5 độ, vẹo trong không quá 10 độ, vẹo ngoài không quá 15 độ, phạm vi gấp khúc gối còn tương đối tốt, bệnh nhân không bị viêm đa khớp dạng thấp…
Ngày 21/3 TS.BS. Jens Mueller, Chuyên gia về thay khớp Bệnh viện Alexander Hedwigshohe, Cộng hòa Liên bang Đức đã đến Hà Nội và thực hiện phẫu thuật thay khớp gối bán phần cũng như tổ chức báo cáo khoa học tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn.
Theo TS.BS. Jens Mueller, phẫu thuật thay khớp gối bán phần là chỉ thay 1 phần khớp gối như phần lồi cầu trong, phần lồi cầu ngoài hay phần đùi chè. Kỹ thuật này là mới ở Việt Nam nhưng trên thế giới đã có cách đây hơn 10 năm và đã đem lại nhiều hiệu quả tích cực trong điều trị thoái hóa khớp gối.
Linh NhiBạn đang xem bài viết Bỏ qua những biểu hiện này ở khớp gối khiến bạn sẽ tàn tật khi về già tại chuyên mục Sống khỏe của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].