Ngày 2/8, đội kiểm tra liên ngành huyện Thường Tín đã đến kiểm tra cơ sở khám chữa bệnh của 'lương y Văn Đình Tân' lần 2. Trái ngược với cảnh bệnh nhân đông đúc chờ khám chữa bệnh trong lần kiểm tra lần đầu, cơ quan chức năng bất ngờ khi thấy không có hoạt động khám chữa bệnh tại đây.
Trước đó, Gia Đình Mới đã đăng loạt bài về việc “Siêu thầy lang" Văn Đình Tân (ở xóm Chùa, thôn Vĩnh Lộc, xã Thư Phú, huyện Thường Tín, Hà Nội) tổ chức hành nghề khám chữa bệnh, bán thuốc không phép.
Đặc biệt là thầy lang này đã sử dụng các thuốc tự chế, không đăng ký, chưa được kiểm định để trực tiếp dùng chữa các tật khúc xạ, bệnh ung thư cho nhiều người dân, trong đó có nhiều trẻ em tiểu học bị cận thị và đối tượng người đang mang thai bị cận thị tiến triển.
Mặc dù các thuốc tự chế của “Siêu thầy lang" Văn Đình Tân chưa được kiểm định của cơ quan chức năng nhưng vị thầy lang này rất tự tin khẳng định với người bệnh là bệnh nặng mấy cũng khỏi chỉ sau vài lần dùng thuốc.
Ngay sau khi nhận được thông tin phản ánh của Gia Đình Mới, Thanh tra Sở Y tế Hà Nội đã chỉ đạo Phòng Y tế huyện Thường Tín vào cuộc xác minh, kiểm tra làm rõ thông tin.
Ông Đỗ Văn Ngọc, Trưởng phòng Y tế huyện Thường Tín cho biết: "Ngày 19/7, ngay khi nhận được thông tin, Phòng Y tế huyện đã lập tức phối hợp với UBND xã Thư Phú đến gia đình ông Văn Đình Tân tiến hành xác minh sự việc.
Tại thời điểm đến làm việc, ông Văn Đình Tân đang thực hiện hoạt động khám chữa bệnh cho nhiều bệnh nhân tại nhà nhà riêng của mình. Đoàn kiểm tra đã tiến hành lập biên bản làm việc và yêu cầu ông Văn Đình Tân xuất trình những giấy tờ liên quan đến hoạt động khám, chữa bệnh của mình tại gia đình.
Ông Văn Đình Tân xuất trình cho đoàn kiểm tra bằng tốt nghiệp Trung cấp chuyên nghiệp do Trường Trung cấp Y – Dược Tuệ Tĩnh Hà Nội cấp ngày 20/11/2017, chuyên ngành y sỹ Y học cổ truyền.
Còn chứng chỉ hành nghề và giấy phép hoạt động khám chữa bệnh theo quy định của pháp luật ông Văn Đình Tân không có".
Vì vậy, đoàn kiểm tra đã yêu cầu ông Văn Đình Tân ngừng ngay việc hoạt động khám chữa bệnh bằng thuốc nam kể từ 16 giờ ngày 19/7/2018 cho tới khi có đầy đủ giấy tờ theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, ông Văn Đình Tân tỏ thái độ không hợp tác, không ký vào biên bản làm việc với lí lẽ “Cháu không biết các chú là ai nếu các chú không đưa ra những giấy tờ pháp lý”.
Không chịu thừa nhận những lỗi vi phạm quy định trong quá trình hành nghề khám chữa bệnh y học cổ truyền của mình, thầy lang Văn Đình Tân còn ngang nhiên thăm khám, kê đơn thuốc cho bệnh nhân và thách thức đoàn kiểm tra của huyện Thường Tín bằng cách livestream buổi kiểm tra của cơ quan chức năng trên mạng xã hội Facebook để kêu gọi sự đồng tình của cộng đồng mạngvà gây sức ép tâm lý cho đoàn kiểm tra của huyện. Thậm chí, thầy lang này còn cho rằng: “Nhỡ đâu sau vụ làm việc này mình lại toả sáng như sao”.
Mặc dù hoạt động khám chữa bệnh của thầy lang Tân có nhiều sai phạm, đã bị cơ quan chức năng kiểm tra nhắc nhở, nhưng đến ngày 22/7, thầy lang này vẫn tiếp tục live stream hoạt động khám chữa bệnh, trong đó có chữa các bệnh về mắt cho mấy chục bệnh nhân như bình thường.
Trước thái độ thách thức dư luận và xem thường cơ quan chức năng của thầy lang Tân, ngày 1/8, Chủ tịch UBND huyện Thường Tín đã ban hành quyết định thành lập Đội kiểm tra liên ngành gồm y tế - công an tiến hàng kiểm tra việc hành nghề khám chữa bệnh của ông Văn Đình Tân.
Ngày 2/8, đội kiểm tra liên ngành đã đến kiểm tra và làm việc tại nhà ông Văn Đình Tân. Tuy nhiên, điểm bất thường là tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng không phát hiện thấy các trang thiết bị phục vụ công tác khám chữa bệnh như lần trước (ngày 19/7) đến kiểm tra.
Ông Đỗ Văn Ngọc – Trưởng phòng Y tế huyện Thường Tín cho biết, tại thời điểm kiểm tra lần 2 (ngày 2/8), không thấy ông Văn Đình Tân có hoạt động khám chữa bệnh tại nhà.
Về hồ sơ pháp lý, lần này ông Văn Đình Tân đã xuất trình cho đoàn kiểm tra bằng tốt nghiệp Trung cấp chuyên nghiệp chuyên ngành Y sỹ Y học cổ truyền do trường Trung cấp Y – Dược Tuệ Tĩnh Hà Nội, cấp ngày 20/11/2017 (số hiệu B704531; Số vào sổ cấp bằng 211/2017/K27-1).
Kiểm tra thực tế tại gia đình ông Văn Đình Tân, đoàn kiểm tra không phát hiện thấy có các trang thiết bị phục vụ công tác khám chữa bệnh như giường bệnh, dụng cụ bào chế thuốc, thuốc men…
Đáng chú ý, trong buổi làm việc với đoàn kiểm tra liên ngành của huyện Thường Tín ngày 2/8, ông Văn Đình Tân cũng không tỏ thái độ bất hợp tác như lần kiểm tra thứ nhất, mà lần này thầy lang Tân thừa nhận những sai phạm trong hoạt động khám chữa bệnh, bán thuốc không phép của mình.
Đồng thời, thầy lang Tân đã ký bản cam kết cam đoan không hành nghề khám chữa bệnh khi chưa được cấp phép hoạt động kể từ ngày 2/8/2018.
Tại biên bản của buổi làm việc, đoàn kiểm tra cũng yêu cầu "ông Văn Đình Tân không hoạt động khám chữa bệnh kể từ 9 giờ 15 phút ngày 2/8/2018 cho đến khi có đầy đủ các loại giấy tờ, hồ sơ pháp lý theo quy định của pháp luật và gỡ toàn bộ nội dung quảng cáo về hoạt động khám chữa bệnh của ông Văn Đình Tân trên trang Facebook cá nhân".
Trong một diễn biến mới mà Gia Đình Mới cập nhật được, theo xác nhận của Chủ tịch Hội Đông y huyện Thường Tín (TP Hà Nội) Lương y Phùng Đức Đỗ, trong danh sách hội viện Hội Đông y huyện Thường Tín không có hội viên nào tên là Văn Đình Tân, địa chỉ xóm Chùa, thôn Vĩnh Lộc, xã Thư Phú, huyện Thường Tín
Gia Đình Mới sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc những diễn biến mới của vụ việc trong các số báo tiếp theo
Nếu thử nghiệm thuốc trên người tình nguyện thì cũng cần phải được cấp phép nghiên cứu
Bác sĩ Nguyễn Tiến Phúc - Phòng khám Mắt EyeZone Hải Phòng cho biết, với lang y Văn Đình Tân, khi anh này yêu cầu bệnh nhân trước khi chữa mắt phải kí vào một văn bản tự nguyện điều trị, giấy đó chỉ có giá trị pháp lý khi lang y Tân được cấp giấy phép hoạt động. Trong khi đó, anh này lại hành nghề khi không đảm bảo bất cứ vấn đề pháp lý nào trong khám chữa bệnh nên việc tự chữa mắt cho bệnh nhân là hoàn toàn sai.
Ngoài ra, đặt giả sử lang y Tân nghiên cứu một loại thuốc chữa trị bệnh về mắt và thử nghiệm trên người tình nguyện thì trước hết anh này cũng cần phải được cấp phép nghiên cứu. Khi đó, nếu có thử nghiệm trên người mới được tuyển tình nguyện viên và người tham gia sẽ ký giấy tình nguyện cam kết.
Nếu như không may trong quá trình điều trị, bệnh nhân bị ảnh hưởng sức khoẻ, bệnh nhân vẫn có thể tố cáo và yêu cầu đòi bồi thường.
Theo quy định, nếu gây hậu quả tổn hại sức khoẻ từ 12% trở lên theo giám định pháp y, người hoạt động sai phép có thể bị truy tố trách nhiệm hình sự. Riêng với chữa trị mắt, khi nạn nhân bị mù có thể truy tố trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, cái chính ở đây, những thuốc mà lang y sử dụng thường có tác dụng từ từ nên khó xác định sự nguy hại ngay. Vì lẽ đó, bệnh nhân cần tỉnh táo trước khi lựa chọn một cơ sở khám chữa bệnh nào.
Nhóm PV GIA ĐÌNH MỚIBạn đang xem bài viết 'Siêu thầy lang' dựng cảnh 'vườn không nhà trống' đón cơ quan chức năng vào kiểm tra tại chuyên mục Sống khỏe của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].