Say nắng say nóng là gì, nguyên nhân và cách xử lý

Say nắng say nóng là hiện tượng thường gặp vào những ngày hè nắng nóng. Vậy say nắng say nóng là gì? triệu chứng và cách xử lý ra sao?

Say nắng say nóng là gì?

Say nắng say nóng là một hình thái đặc biệt của tổn thương do nhiệt khi cơ thể bị phơi nhiễm thời gian dài trong môi trường nắng nóng. 

Tình trạng say nắng say nóng thường gây tổn thương hệ thống kiểm soát thân nhiệt và có biểu hiện buồn nôn, co giật, lú lẫn, đôi khi dẫn tới mất ý thức hoặc thậm chí là hôn mê.

Bệnh nhân bị say nắng say nóng nếu không được cấp cứu kịp thời sẽ dễ bị tổn hại não, các cơ quan nội tạng, có thể dẫn tới tử vong. Tình trạng này rất dễ gặp ở trẻ nhỏ, người cao tuổi và người mắc các bệnh lý mãn tính.

  Say nắng say nóng là gì?

Say nắng say nóng là gì?

Triệu chứng say nắng say nóng

Thông thường, bệnh nhân bị say nắng say nóng ở mức độ nhẹ thường có biểu hiện choáng váng, khó thở, mặt đỏ, da khô nóng, các động tác chậm chạp, thiếu chính xác, có thể sốt 38-39 độ C.

Nếu say nắng say nóng ở mức độ nặng sẽ nhức đầu nhiều, chuột rút, đau bụng, nôn mửa, có thể ngất, mê man, ngừng thở, tim đập nhanh... Một số bệnh nhân bị say nắng say nóng đột ngột có thể bị ngã tại chỗ, co giật, mê man...

Trong trường hợp nặng nhất, khi thân nhiệt quá cao, bệnh nhân có thể dẫn tới viêm toàn thân, hội chứng suy đa phủ tạng, não bị tác động nặng nề và bệnh nhân có nguy cơ đột quỵ.

  Triệu chứng say nắng say nóng

Triệu chứng say nắng say nóng

Một vài biểu hiện cụ thể của tình trạng say nắng say nóng:

  • Nhiệt độ trung tâm của cơ thể lớn hơn 40,55 độ C 
  • Ngất xỉu có thể là dấu hiệu đầu tiên 
  • Đau nhói đầu 
  • Chóng mặt và choáng váng 
  • Không ra mồ hôi mặc dù thời tiết nóng 
  • Da đỏ, nóng và khô 
  • Yếu cơ hoặc chuột rút 
  • Buồn nôn và nôn 
  • Nhịp tim (mạch) nhanh, tim (mạch) có thể đập mạnh hoặc yếu 
  • Thở nhanh và thở nông 
  • Thay đổi hành vi như lú lẫn, mất phương hướng, hoặc trạng thái sửng sốt 
  • Co giật 
  • Hôn mê

Cách chăm sóc bệnh nhân say nắng say nóng

  Cách xử lý khi bị say nắng say nóng

Cách xử lý khi bị say nắng say nóng

Theo bác sĩ Trần Anh Thắng, khi gặp người có biểu hiện say nắng, người thân hoặc những người xung quanh có thể thực hiện ngay một số thao tác để sơ cứu như sau:

- Đưa người bị say nắng say nóng vào khu vực râm mát hoặc nơi có quạt mát, điều hòa

- Tiến hành cởi bỏ bớt quần áo trên người của bệnh nhân để giúp nhiệt tản nhanh hơn

- Dùng vòi nước xịt nhẹ để ướt da bệnh nhân hoặc lấy khăn ướt lau khắp cơ thể, bằng cách này nhiệt độ cơ thể sẽ được hạ nhanh hơn. Ngoài ra, bạn cũng có thể đắp khăn ướt, chườm đá vào các vị trí như: Nách, bẹn, cổ của bệnh nhân để giúp giảm nhiệt.

- Cho bệnh nhân uống nhiều nước lọc hoặc uống oresol để bù nước

Cách phòng chống say nắng say nóng hiệu quả

Ngày hè nắng nóng rất dễ xảy ra tình trạng say nắng say nóng. Vì thế, để phòng ngừa tình trạng này, bạn nên:

  • Không ra đường vào những thời điểm nắng nóng gay gắt nhất, từ khoảng 10 giờ - 15 giờ hàng ngày.
  • Nếu thay đổi môi trường từ phòng mát có điều hòa ra ngoài trời nắng cần có thời gian để cơ thể thích nghi kịp thời. Tuyệt đối không vội vàng đi ra ngoài trời nắng ngay.
  • Ngày nắng nóng, nên mặc các bộ quần áo rộng, nhẹ, thoáng mát. Nên chọn chất liệu như đũi, sáng màu và nhớ đội mũ, nón hoặc che ô khi ra ngoài.
  • Nên uống đủ 2 lít nước mỗi ngày và nên uống thường xuyên để tránh hiện tượng mất nước.
  • Làm việc ở những nơi thoáng mát.
  • Khi thấy cơ thể mệt mỏi thì không nên gắng sức. Tuyệt đối không làm việc ở ngoài trời nắng nóng nhất là thời điểm giữa trưa.
  • Tập cho cơ thể thích nghi với thời tiết khắc nghiệt ngày hè. Bổ sung chế độ dinh dưỡng hợp lý.

Bị say nắng say nóng nên ăn gì?

Bên cạnh điều chỉnh chế độ sinh hoạt hàng ngày, để phòng chống say nắng, say nóng hiệu quả bạn cần chú ý cân đối chế độ dinh dưỡng hàng ngày sao cho hợp lý.

Theo các chuyên gia, nếu bị say nắng say nóng bạn nên ăn các món như: Canh giá đỗ, chè đậu ván, cháo đậu xanh, canh trứng cà chua...

  Bị say nắng sóng nóng nên ăn gì?

Bị say nắng sóng nóng nên ăn gì?

Ngoài ra, bạn cũng nên làm một số loại nước ép như:

- Nước ép ngó sen hòa nước mía

Theo Đông y, mía có vị ngọt tính mát; vào phế vị. Mía có tác dụng thanh nhiệt sinh tân, giáng khí lợi niệu. Dùng cho các trường hợp thử nhiệt tổn thương tân dịch, đau họng, khản giọng, mất tiếng, viêm khí phế quản ho đau rát họng, tiểu ít tiểu dắt, nhiễm độc thai nghén nôn ói phù nề, mất nước khát nước, táo bón. 

Đông y cho rằng ngó sen khi tươi có tính hàn, ngọt mát, có thể tiêu ứ máu, thanh nhiệt, thích hợp với chứng khát khi say rượu, ho ra máu, nôn ra máu.

Dùng khi bị cảm cúm, trúng nóng, trúng nắng hoặc khô hanh gây kích ứng, vật vã, sốt, khát nước.

Cách làm như sau:

Ngó sen rửa sạch, bỏ đốt, thái vụn để vào bát to, đồ nước mía vào ngâm từ 8 - 10 giờ, lấy ngó sen ra cho vào máy xay nhuyễn, ép lấy nước, chia uống 2 lần trong ngày.

  Nước ép ngó sen pha nước mía - phù hợp chữa say sắng say nóng

Nước ép ngó sen pha nước mía - phù hợp chữa say sắng say nóng

- Nước ép dưa hấu cà chua

Nước ép cà chua hỗ trợ quá trình thanh nhiệt, giải độc, giúp tiểu tiện và tiêu hóa tốt.

Cách làm rất đơn giản, bạn cho cà chua và dưa hấu thái thành những miếng nhỏ, cho vào máy ép trái cây.

Uống ngay hoặc cho vào ngăn mát tủ lạnh uống trong ngày.

- Trà đào ngâm

Dùng cho các trường hợp cảm nóng, cảm nắng, mất nước, khát nước. Cách làm như sau:

  • Đào chín đem rửa sạch rồi bổ làm 4, làm 6 miếng rồi ngâm vào nước muối. Lưu ý, bạn nên ngâm đào vào nước muối để đào không bị thâm.
  • Thắng 1/3 lượng đường thành màu cánh gián rồi thêm khoảng 300ml nước. Đổ nốt chỗ đường còn lại vào khuấy đều cho đường tan. Đợi đường sôi trờ lại rồi cho đào đã gọt vỏ vào đun khoảng 5 phút cho đến khi đào trong là được.
  • Khi thấy đào trong, bạn vớt đào ra ngâm vào bát nước lạnh để đào giòn, ngon hơn. Vắt chanh rồi chế phần nước cốt vào nồi đường. Đây là bí quyết để nước đào thanh và ngon hơn.
  • Chờ nước đường nguội hẳn, xếp đào vào lọ rồi đổ nước đường vào ngâm. Bảo quản trong tủ lạnh và dùng dần.

- Nước chanh

Ngoài việc bổ sung vitamin C, tăng đề kháng cho cơ thể, một ly nước chanh để giải nhiệt cho cơ thể khi hè đến là sự lựa chọn tuyệt vời cho bạn và gia đình.

Cách làm như sau, cho ½ chén nước và ½ chén đường trong một nồi nhỏ, đun hơi sôi trên nhiệt vừa cho đến khi đường tan, khoảng 3 phút. Sau đó đặt sang bên cho nguội.

Chanh vắt lấy nước bỏ hạt, pha cùng hỗn hợp đường vừa đun sao cho vừa khẩu vị, sau đó bạn để vào khay đá để qua đêm trong tủ lạnh. Sau khi chanh đông lạnh bạn lấy ra pha cùng nước lọc là có thể thưởng thức rồi. Hoặc có thể múc ra cốc và nhâm nhi trước khi chúng tan chảy.

Bằng cách sử dụng các loại thực phẩm, đồ uống này sẽ giúp bạn đỡ mệt hơn khi bị say nắng say nóng.

Mai Hương

Tin liên quan

từ khóa Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO Bất động sản- Tài chính