Thời tiết nắng nóng đỉnh điểm như những ngày vừa qua tại Hà Nội và các tỉnh miền Bắc khiến cơ thể con người mệt mỏi, mất nước dễ rơi vào tình trạng say nắng, say nóng. Hiện tượng này không chỉ diễn ra ở người lớn mà còn xuất hiện ở trẻ nhỏ.
Vậy say nắng là bệnh gì? Bị say nắng say nóng phải làm sao? Dưới đây là một số thông tin hữu ích dành cho bạn.
Say nắng là bệnh gì?
Theo TS. Vũ Quốc Bình - Phòng khám DR Binh, Nguyên Giám đốc Bệnh viện 354, cảm nắng, say nắng, say nóng là một hình thái đặc biệt của tổn thương do nhiệt khi cơ thể bị phơi nhiễm thời gian dài trong môi trường nắng nóng.
Trời nắng nóng, cơ thể người lớn, trẻ nhỏ mất nhiều nước gây nên rối loạn nghiêm trọng về sự điều hoà thân nhiệt do tác động của ánh nắng mặt trời quá gay gắt.
Triệu chứng thường gặp là ngủ lịm, nóng toàn thân, lên cơn co giật, thân nhiệt lên trên 40 độ C…
Những biểu hiện cơ bản của say nắng
Tùy vào mức độ say nắng mà cơ thể người bệnh sẽ có những biểu hiện khác nhau. Cụ thể:
- Say nắng ở mức độ nhẹ người bệnh sẽ có biểu hiện choáng váng, chuột rút, cơ thể kiệt sức, khó thở, mặt đỏ, da khô và nóng. Các mạch máu ở phần cổ và thái dương đập mạnh hơn bình thường.
- Say nắng ở mức độ nặng, đầu đau nhức, đau bụng, nôn mửa thậm chí có thể ngất, mê man, co giật, tim đập nhanh...
Bị say nắng phải làm sao?
- Nhanh chóng giúp người bị say nắng hạ thân nhiệt bằng cách đưa bệnh nhân vào nơi mát mẻ, thoáng khí. Cởi bỏ bớt quần áo, lau người bằng nước mát. Nên để bệnh nhân nằm nghiêng như thế sẽ giúp bề mặt da hứng được nhiều gió hơn.
- Sử dụng khăn ướt đắp vào nách, bẹn, cổ tay, ngâm bàn tay, cẳng tay vào nước mát.
- Trường hợp nạn nhân bị ngừng tim, cần nhanh chóng sơ cứu bằng cách xoa bóp tim ngoài lồng ngực cũng như hà hơi thổi ngạt.
- Cho bệnh nhân ăn các loại đồ ăn, nước uống để khắc phục tình trạng say nắng như:
+ Nước ép bí đao
+ Bột sắn dây
+ Nước mía
Các cách phòng chống say nắng hiệu quả
- Nên mặc đồ rộng, thấm mồ hôi.
- Khi ra ngoài thời tiết nắng nên trang bị đầy đủ các loại mũ nón, khẩu trang, quần áo bảo hộ, kính,...
- Thường xuyên nghỉ ngơi nơi thoáng mát sau khoảng 1 tiếng đồng hồ làm việc.
- Uống nhiều nước nhất là nước có pha muối như chanh muối, mơ muối, nước mía,...
- Không để nhiệt độ điều hòa trong phòng quá thấp; không để gió quạt thổi trực tiếp vào người.
- Thực hiện ăn chín, uống chín; đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; tăng cường dinh dưỡng, ăn thêm hoa quả để đảm bảo đủ vitamin, tăng cường sức đề kháng của cơ thể.
Phương AnhBạn đang xem bài viết Bị say nắng phải làm sao, nhớ kỹ những điều này để phòng tránh say nắng hiệu quả tại chuyên mục Sống khỏe của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].