Rơi nước mắt điểm tin trẻ đuối nước và cần Biết Mình thế nào để sống an toàn

Chỉ trong 2 tháng (tháng 3 và tháng 4/2019) đã có hàng chục vụ đuối nước khiến hàng chục gia đình mất đi những đứa con yêu quý của mình. Chuyện gì đang xảy ra?

  TS Phạm Anh Tuấn đang huấn luyện tập bơi trên cạn

TS Phạm Anh Tuấn đang huấn luyện tập bơi trên cạn

Điểm những tin không muốn tin

6/3/2019: Nhóm em nhỏ từ 7 đến 9 tuổi ở làng Ia HBoong (xã Al Bá, huyện Chư Sê) rủ nhau đi tắm hồ tại làng. Em Đinh Hương (7 tuổi) một mình lội ra xa bờ để tắm thì gặp nạn, tử vong.

11/3/2019: Sau khi tan học, một nhóm học sinh cùng trú làng Greo Pết, xã Dun (huyện Chư Sê, Gia Lai) rủ nhau đi tắm tại một ao chứa nước trong làng. Trong lúc tắm, hai anh em song sinh Siu Lan Quyết, Siu Lan Quý (5 tuổi, học sinh Trường mẫu giáo Bằng Lăng) bị đuối nước. Thấy vậy, em Siu Nội (7 tuổi, học sinh Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Ngô Quyền) lao ra cứu nhưng bất thành. Hậu quả, cả ba em đều tử vong.

17/3/2019: 3 em nhỏ, tầm 6- 7 tuổi ở xã Cát Trinh, huyện Phù Cát, Bình Định rủ nhau đi tắm, bắt cá ở mương thủy lợi. Do các em không biết bơi lại rơi xuống nơi nước sâu nên bị thiệt mạng.

21/3/2019: Nhóm 10 em học sinh tầm từ 9 tới 14 tuổi của phường Hữu Nghị, TP. Hòa Bình ra bơi ở sông Đà bao quanh phường Thịnh Lang, TP. Hòa Bình. 8 em đã bị chết đuối do sa vào vòng xoáy ở khúc cua con sông. Đáng chú ý, 8 em biết bơi thì thiệt mạng, còn 1 em không biết bơi ngồi trông quần áo trên bờ và 1 em biết bơi nhưng ở gần bờ hơn nên may mắn thoát nạn.

  Hiện trường vụ 8 em nhỏ chết đuối ở sông Đà

Hiện trường vụ 8 em nhỏ chết đuối ở sông Đà

25/3/2019: Sau khi tan học, một nhóm học sinh rủ nhau đi chơi gần khu vực Nhà máy chế biến tinh bột sắn Mang Yang tại thôn Nhơn Tân, xã Đăk Ta Ley (H.Mang Yang, Gia Lai). Trong lúc xuống hồ chứa nước tưới cà phê để tắm, 2 em học sinh lớp 6 và 7 Trường THCS Đăk Ta Ley không may bị trượt chân xuống khu vực nước sâu và chết đuối.

6/4/2019: Hai sinh viên nữ trong nhóm sinh viên Trường đại học Y Dược - Đại học Huế đến tắm ở bãi Tân Cảnh Dương, xã Lộc Vĩnh, huyện Phú Lộc đã bị sóng cuốn trôi. Anh Ngô Hà Sinh (1995) cùng một người bạn cắm trại gần đó đã lao xuống biển cứu được 2 cô gái này nhưng bản thân anh Sinh đuối sức và bị sóng biển cuốn mất tích.

Đáng chú ý là nơi tắm gần cửa sông Bù Lu đã được cắm biển cảnh báo không được bơi, tắm và anh Ngô Hà Sinh là sinh viên Trường ĐH FPT Đà Nẵng, vừa ra trường, mới làm việc tại một công ty tại Đà Nẵng, là con đầu trong một gia đình lao động nghèo ở Điện Bàn, Quảng Nam.

7/4/2019: Em Vũ Văn Hùng, học sinh lớp 9A Trường THCS Phúc Thịnh (huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hoá), khi đi làm đồng ở  khu vực bờ sông Chu, đoạn chảy qua địa bàn xã Phúc Thịnh (phía bên kia sông là xã Thọ Xương, huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa) thấy 5 học sinh lớp 6 và lớp 7 của Trường THCS Thọ Xương (huyện Thọ Xuân) đang bị đuối nước.

Hùng đã đưa được 3 em vào bờ an toàn, khi quay ra để cứu tiếp thì 2 em còn lại đã chìm. 

Con người được sinh ra không phải để bị đuối nước

Có lẽ, trong tự nhiên hiếm có loài thú nào do mải kiếm ăn hay rong chơi mà bị đuối nước. Bản năng nhận biết nguy hiểm mà tạo hóa ban cho từ trong gen đã giúp các con thú tránh được nhiều hiểm nguy nói chung và đuối nước nói riêng.

Tất nhiên, không loại trừ những lúc, có những con thú bị lũ dữ, lũ quét bất ngờ cuốn đi, nhấn chìm. Bạn sẽ bật cười khi được hỏi, liệu có một con thú nào như trâu bò, lợn, chó, hổ, báo, voi, hươu nai… có thể bị đuối nước ở những nơi sông nước như thế này không. Chả có con thú nào bị đuối nước ở đây đâu, nhưng con cái chúng ta lại bị. Nguyên nhân nằm ở đâu? 

Con người thời săn bắn hái lượm có lẽ cũng giống như các con thú, có khả năng nhận biết nguy hiểm để bảo vệ bản thân và bầy đàn trong lúc kiếm ăn, lang thang từ vùng này sang vùng khác.

Từ khi con cái còn bé xíu, họ đã dạy chúng cách sinh tồn trong nước, rồi cách săn bắt cá, khoét gỗ làm thuyền, kết cây cối làm bè để di chuyển trên sông, trên biển,…

Khi chuyển sang làm nông, con người sống quần tụ trong làng mạc, chòm xóm và cùng nhau khai khẩn đất đai xung quanh để trồng trọt, chăn nuôi. Do ít di chuyển, dù con cái vẫn quây quần bên bố mẹ thì khả năng nhận biết rủi ro, khả năng đối phó của con người với tai nạn thiên nhiên nói chung và tai nạn sông nước nói riêng cũng dần giảm.

  Bãi Tân Cảnh Dương, nơi nhóm sinh viên Trường Đại học Y Dược - Đại học Huế đến tắm, nơi anh Sinh bị thiệt mạng do cứu người đuối nước

Bãi Tân Cảnh Dương, nơi nhóm sinh viên Trường Đại học Y Dược - Đại học Huế đến tắm, nơi anh Sinh bị thiệt mạng do cứu người đuối nước

Trong thời buổi công nghiệp, nếp sống và môi trường sống của con người hiện nay đã thay đổi rất nhiều so với xưa kia. Bố mẹ dù có sống cùng con cái dưới một mái nhà hay không thì việc dạy dỗ con trẻ, chủ yếu đã được chuyển giao cho lực lượng chuyên môn của nhà trường và xã hội.

Trong khi đó môi trường tự nhiên (rừng núi, sông ngòi) dần dần bị đẩy ra xa, bị thu hẹp, bị ô nhiễm nặng. Khi trẻ em không có kiến thức về phòng chống đuối nước, chả còn mấy nơi để có thể ngụp lặn, chơi đùa trải nghiệm thường xuyên thì sao trẻ có thể nhận biết những nơi sông nước nguy hiểm mà tránh đi. Trẻ đuối nước nhiều là không thể tránh khỏi.

Khả năng nhận biết nguy hiểm sông nước giảm tới mức những người trưởng thành, có học hẳn hoi còn không cảm nhận được nguy hiểm để cố bơi lội, vui chơi tại những nơi có biển cấm bơi, cấm tắm. Vụ nhóm sinh viên Trường Đại học Y Dược - Đại học Huế đến tắm ở bãi Tân Cảnh Dương, Thừa Thiên Huế nơi có cắm biển cấm tắm gây tới cái chết của anh Ngô Hà Sinh mới đây là một ví dụ.     

Nhìn cảnh sông nước ở mấy hình bên trên, liệu bạn hay con bạn có nên bơi lội, chơi đùa ở một những nơi sông nước nguy hiểm, xa lạ, đã có biển cấm tắm hay không… Bạn nghĩ sao?

Con người dù có thể bay giữa các vì sao, chế ra tàu vũ trụ, tạo ra trí tuệ nhân tạo… thì sẽ vẫn rất nhỏ bé so với thiên nhiên vĩ đại. Hãy thuận theo tự nhiên, khám phá thiên nhiên hơn là chinh phục, áp chế thiên nhiên để thiên nhiên nổi giận chống lại.

Dù biết bơi ếch, sải, bướm, ngửa và bơi rất giỏi nhưng chỉ cần một lượng nước nhỏ lọt vào khí quản hay một thay đổi nhỏ của cơ thể khi đang ở dưới nước là bạn đã có nguy cơ bị đuối nước. Fran Crippen, vận động viên bơi đường dài nổi tiếng của Mỹ đã bị thiệt mạng ở UAE khi bơi thi “phượt” ở môi trường nước mở (open water). Nguyên nhân được cho là nước quá nóng làm Crippen bị đột quỵ.

Con người thực sự nhỏ bé, rất nhỏ bé so với sông nước mênh mông. Bạn nặng bao nhiêu? 60, 80, 90 hay 120 kg thì cũng chỉ tương đương với 60, 80, 90 hay 120 lít nước mà thôi. Một cái ao, một con mương, một con sông, một đại dương có bao nhiêu ngàn, vạn, tỷ tỷ lít nước?

Rồi khi hàng vạn, hàng triệu, hàng tỷ tỷ lít nước, mét khối nước đó cuộn chảy với tốc độ 20, 30 km/giờ thì sẽ tạo ra nguồn động năng là bao nhiêu? Bạn đã bao giờ bị sóng biển táp vào mặt hay đã bao giờ nhìn thấy sóng thần cuốn phăng ô tô, nhà cửa, thành phố như cuốn phăng một chiếc lá tre chưa? Khuyên bạn, đừng bao giờ coi thường nước, sơ sểnh với nước một tẹo dễ mất mạng, dù bạn là ai.         

Tạo hóa cho bạn trí khôn để biết lượng sức mình, tránh khỏi hiểm nguy chứ không phải để lao vào thử sức một cách mù quáng. Xin nhắc lại:

Học phòng chống đuối nước

Để thấy nguy tránh ngay

Chớ có dại thử sức

Hà Bá tóm có ngày! 

Cơ thể con người có những ngưỡng giới hạn không nên vượt qua. Ví dụ, nếu không có dụng cụ hỗ trợ, người ta chỉ có thể thở vào ở trên cạn chứ không thể thở vào ở dưới nước.

Tim của người lớn, bình thường đập 70 – 80 nhịp/ phút, nếu bỗng bắt nó hoạt động quá mức, quá nhịp sinh học tự nhiên mà không chuẩn bị trước, nó sẽ “xin nghỉ” bất chợt đấy.

Khi rơi xuống nước, bạn càng hoảng loạn khua đập loạn xạ càng dễ mất sức bởi nước như miếng xốp, sẽ hút kiệt lực của bạn trong khoảnh khắc. Không có kính bơi bạn sẽ chẳng nhìn xa được đâu vì bạn không phải là cá. Đi học bơi nên mua kính bơi (bảo vệ mắt), nút tai (chống nước vào tai), mũ đội đầu (bảo vệ tóc cho các bạn gái).

Còn một điểm nữa mà ai cũng nên biết, con người thường có xu hướng “vì mình”, xu hướng này ngày càng mạnh với kiểu “mình thích thì mình làm thôi”, “thích là nhích”… chả cần biết việc mình làm ảnh hưởng tới người khác ra sao. Để chung sống hòa thuận, mọi người cùng có lợi, thì “vì mình” cần cân bằng với “vì mọi người”.

Nếu nhóm sinh viên Trường Đại học Y Dược - Đại học Huế không đến tắm ở bãi Tân Cảnh Dương thì anh Ngô Hà Sinh đã không bị thiệt mạng. Nếu các em học sinh được học về phòng chống đuối nước bài bản thì các em đã không xuống bơi ở nơi nước xoáy, hay ra chơi ở những nơi nguy hiểm để rồi mắc nạn gây biết bao đau thương, phiền toái cho xã hội.

Theo bạn thì một đứa trẻ bị đuối nước sẽ ra gây bao nỗi mất mát về tình cảm và vật chất cho gia đình, bạn bè và xã hội? Hãy biết mình để cùng sống an toàn với nước.

  Năm 2017, cuốn Bơi tự cứu Dịch cân kinh của E-Bơi được Cty Sputnik phối hợp với Nhà xuất bản Thế giới phát hành. Cuốn sách giúp người đọc vừa tự học thêm một kiểu bơi sinh tồn rất hữu ích trong phòng chống đuối nước vừa biết thêm một cách vượt qua trở ngại cho mục tiêu của mình. 'Để Việt Nam không còn trẻ bị đuối nước' là mục tiêu của E-Bơi.

Năm 2017, cuốn Bơi tự cứu Dịch cân kinh của E-Bơi được Cty Sputnik phối hợp với Nhà xuất bản Thế giới phát hành. Cuốn sách giúp người đọc vừa tự học thêm một kiểu bơi sinh tồn rất hữu ích trong phòng chống đuối nước vừa biết thêm một cách vượt qua trở ngại cho mục tiêu của mình. "Để Việt Nam không còn trẻ bị đuối nước" là mục tiêu của E-Bơi.

TS Phạm Anh Tuấn

Trưởng dự án “Phòng chống tai nạn sông nước cho học sinh với E-Bơi

Tin liên quan

từ khóa Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO Bất động sản- Tài chính