Hà Nội đang triển khai việc Lập Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Quy hoạch Thủ đô tập trung gợi ý các quan điểm phát triển, mục tiêu, khâu đột phá, phương hướng phát triển các ngành, lĩnh vực của Thành phố.
Đóng góp vào định hướng cho y tế Thủ đô Hà Nội, GS.TS.BS Tạ Thành Văn - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Y Hà Nội cho rằng, Hà Nội là thành phố kết nối toàn cầu, là trung tâm giao lưu, phát triển các quan hệ quốc tế và hoạt động đối ngoại quan trọng nhất của đất nước. Theo đó, cần xây dựng hệ thống y tế Thủ đô tiên tiến, hiện đại, tập trung phát triển một số lĩnh vực tiếp cận trình độ khu vực và thế giới, đáp ứng nhu cầu của người dân và hướng tới mục tiêu công bằng, chất lượng, hiệu quả.
Trong đó, thực hiện chiến lược xây dựng nền y tế hướng nâng cao sức khoẻ, phòng bệnh, thay cho chiến lược tập trung phát hiện và điều trị bệnh, xây dựng mạng lưới cơ sở y tế phù hợp với yêu cầu CS&BV, nâng cao sức khỏe của người dân, tăng ngân sách đầu tư cho dự phòng, nâng cao sức khoẻ cho người dân Hà Nội.
Các nội dung trọng tâm cần hướng tới để phát triển Y tế Hà Nội gồm:
Cần có những chính sách đặc thù cho y tế
Theo GS Tạ Thành Văn, Hà Nội cần có chính sách, cơ chế sử dụng nguồn nhân lực y tế chất lượng cao thuộc các BV, Trường đại học Y - Dược đóng trên địa bàn.
Điều này rất quan trọng, bởi dù là cơ sở y tế hay trường đại học nào, đã ở trên địa bàn Thủ đô, thì đối tượng phục vụ trước hết vẫn là người dân Hà Nội. Do đó, chính sách này không chỉ tạo động lực cho Thủ đô tận dụng được đội các chuyên gia y tế giỏi trong và ngoài nước tham gia quản lý, mà còn tiết kiệm được ngân sách đầu tư cho đào tạo nguồn nhân lực, tránh chồng chéo, lãng phí.
Thủ đô cũng cần xây dựng mạng lưới các các cơ sở đào tạo nhân lực y tế đặc thù của Thủ đô, phù hợp với quy hoạch mạng lưới đào tạo nhân lực y tế tổng thể quốc gia.
Đầu tư ngân sách của Hà Nội cho các trường đại học nghiên cứu và ứng dụng KH&CN theo cơ chế đặt hàng, phục vụ các mục tiêu của Thủ đô. Thiết lập mạng lưới cơ sở y tế thực hành cộng đồng trên địa bàn Thủ đô cho các cơ sở đào tạo nhân lực y tế trung ương và Hà Nội nhằm thử nghiệm, triển khai, phát triển các mô hình CSSK cộng đồng theo chuẩn quốc tế.
Quản lý sức khoẻ người dân thủ đô theo quận, huyện, xã sẽ tiết kiệm chi phí, nâng cao giá trị chi phí - hiệu quả vì sức khoẻ người dân được nâng cao, chủ động chăm sóc gần nhà, giảm quá tải ở các BV.
- Hà Nội cũng cần có chế độ đãi ngộ, quy định về KCB và cơ chế chi trả bảo hiểm y tế (BHYT) phù hợp; quy định về cơ chế tài chính, dịch vụ KCB và thanh toán BHYT hợp lý, để khuyến khích đội ngũ bác sĩ làm việc cho cơ sở y tế ngoài công lập.
Ngân sách TP cũng cần bảo đảm cho hệ thống cơ sở y tế, cả công lập và ngoài công lập, đặc biệt trong lĩnh vực dự phòng và CSSK ban đầu. Việc đầu tư cho tuyến y tế cơ sở kết hợp với phát triển mạng lưới bác sĩ gia đình không chỉ góp phần giảm tải cho các BV tuyến trên, mà còn đảm bảo an sinh xã hội toàn diện, bền vững.
- Xây dựng môi trường thân thiện với người cao tuổi, các loại hình dịch vụ CSSK cho người cao tuổi thích ứng với già hoá dân số. Xây dựng chính sách bảo hiểm chăm sóc người cao tuổi. Dịch vụ chăm sóc người cao tuổi nên tham khảo mô hình của Nhật Bản là dựa trên cộng đồng.
Coi trọng phát triển cả y tế công và tư
Theo GS Văn, Hà Nội cần có các chính sách tổng thể, phân vai và phối kết hợp vai trò của 3 lĩnh vực: BV tuyến trung ương/Trường Đại học Y-Dược; cơ sở y tế trực thuộc Hà Nội và cơ sở y tế tư nhân trong chiến lược CSSK người dân thủ đô.
Sự phân bố các cơ sở y tế phải gắn với quy hoạch mạng lưới đô thị, TP vệ tinh và các khu dân cư đông người. Các ưu đãi đầu tư nên tập trung vào các chương trình, dự án cụ thể và khả thi tiếp cận thực tế và tiếp cận công nghệ hiện đại của các nước phát triển và nguồn nhân lực chất lượng cao, có thể là những chuyên gia, nhà khoa học ở những nước tiên tiến, người có kinh nghiệm làm việc chuyên môn trong và ngoài địa bàn thủ đô.Cần có tư duy thống nhất: Dù cơ sở y tế công lập hay ngoài công lập thì đều có chung một sứ mệnh CSSK cho người dân, để có chính sách công bằng cho sự phát triển của cả hai nhóm y tế này.
Bài học từ dịch COVID-19 đã cho thấy sự tham gia rất khiêm tốn của các cơ sở y tế ngoài công lập, trong khi toàn bộ hệ thống y tế công lập từ trung ương xuống cơ sở đều quá tải. Do vậy, cần đưa ra chính sách phù hợp để khuyến khích tham gia đầu tư các cơ sở y tế tư nhân trong y học dự phòng.
Xây dựng các Trung tâm CSSK tiên tiến, chất lượng cao, đến năm 2030 ngang bằng và có khả năng cạnh tranh với các nước tiên tiến, cung cấp dịch vụ KCB hiện đại, giảm số lượng người dân ra nước ngoài KCB, mở ra mô hình dịch vụ “Du lịch – Chữa bệnh – Chăm sóc sức khoẻ”.
Các trung tâm y tế cao cấp này còn là nơi thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao trong cả nước và các chuyên gia nước ngoài, trao đổi chuyên môn, phối hợp điều trị người bệnh. Nâng cao sức mạnh của y học Phương Đông, cổ truyền, nhất là trong lĩnh vực nâng cao sức khoẻ và phục hồi chức năng.
Các BV lớn đóng trên địa bàn Thủ đô được đầu tư phát triển, là đơn vị dẫn đầu về chuyên môn, KCB từ xa cho các đơn vị y tế tuyến dưới; phát triển y tế số.
Vị trí của các BV lớn được phân bố cả trong nội đô và các khu đô thị mới, các khu vực ngoại ô, vùng y tế công nghệ cao theo qui hoạch phù hợp đáp ứng việc phân luồng người bệnh, kịp thời cấp cứu người bệnh và là cơ sở đào tạo của các trường đại học Y.
Chuyển đổi số y tế có vai trò quan trọng
Hà Nội cần thiết phải xây dựng trung tâm quản lý cơ sở dữ liệu nguồn nhân lực y tế của Thủ đô. Cơ sở dữ liệu bao gồm:
Thông tin chung: Số lượng nhân viên y tế của từng khoa/phòng trong các cơ sở y tế công lập và ngoài công lập trên địa bàn Thủ đô; sự thay đổi và biến động hàng tháng; nhu cầu phát triển hàng năm; danh mục kỹ thuật chuyên môn đang và sẽ triển khai…
Thông tin cá nhân của từng nhân viên y tế chi tiết tới thời hạn của chứng chỉ hành nghề, lĩnh vực chuyên môn và số giờ tham gia đào tạo liên tục hàng năm...
Tất cả các thông tin trên sẽ là cơ sở khoa học và thực tiễn giúp cho các nhà quản lý đưa ra các chiến lược phát triển đội ngũ nhân viên y tế hàng năm của từng chuyên khoa, tại từng cơ sở y tế phù hợp với nhu cầu chăm sóc sức khoẻ của từng địa phương trong các giai đoạn phát triển của Thủ đô.
Việc xây dựng, thực hiện quản lý hồ sơ sức khỏe điện tử tới từng người dân với một trung tâm quản lý dữ liệu thống nhất và đồng bộ là cần thiết và sẽ đem lại hiệu quả kinh tế rất lớn cho kinh tế, xã hội của Thủ đô.
V.LinhBạn đang xem bài viết Quy hoạch Thủ đô: Cần xây dựng hệ thống Y tế Hà Nội hiện đại với chiến lược nâng cao sức khỏe, phòng bệnh tại chuyên mục Đời sống của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].