Một nghiên cứu gần đây thực hiện tại Canada cho thấy 12 - 18 tháng là khoảng thời gian "nghỉ ngơi" lý tưởng giữa những lần mang thai đối với phần lớn phụ nữ.
Tuy nhiên, khoảng cách giữa những lần mang thai vẫn là một vấn đề đang được tranh cãi, đặc biệt khi đề cập đến các yếu tố khác như tuổi của người mẹ.
Khoảng thời gian này dù ngắn hay dài hơn đều có thể mang tới những rủi ro. Điều cần quan tâm là tại các quốc gia có thu nhập cao, phần lớn các phụ nữ mang bầu đều không gặp vấn đề gì bất kể khoảng cách giữa những lần mang thai là bao lâu.
Thế nào là khoảng cách giữa các lần mang thai ngắn và dài?
Khoảng thời gian giữa giai đoạn kết thúc của quá trình mang bầu lần đầu và giai đoạn bắt đầu mang thai lần tiếp theo được gọi là khoảng cách giữa các lần mang thai.
Khoảng cách giữa các lần mang thai được gọi là ngắn khi khoảng thời gian nghỉ ít hơn 18 tháng tới 2 năm. Còn nếu khoảng thời gian này nhiều hơn 2 năm, 3 năm hay thậm chí 5 năm, 10 năm trở lên, khoảng cách giữa các lần mang thai được gọi là dài.
Tuy nhiên, phần lớn nghiên cứu tập trung vào sự khác biệt xuất hiện trong mỗi chu kỳ 6 tháng của khoảng cách giữa các lần mang thai. Điều này đồng nghĩa với việc chúng ta có thể phát hiện những dấu hiệu rủi ro khác nhau giữa khoảng thời gian nghỉ rất ngắn (dưới 6 tháng) và khoảng thời gian nghỉ ngắn (dưới 18 tháng).
Đối với hầu hết các phụ nữ mang thai những lần tiếp theo, đặc biệt là tại các quốc gia có thu nhập cao như Australia, họ đều không gặp vấn đề gì bất kể khoảng cách giữa những lần mang thai là bao lâu.
Theo kết quả nghiên cứu thực hiện tại Canada, nguy cơ các bà mẹ gặp phải những biến chứng nghiêm trọng chỉ xảy ra với tỷ lệ từ khoảng 1/400 đến 1/100, tùy thuộc vào khoảng cách giữa các lần mang thai và tuổi của người mẹ.
Trong khi đó, nguy cơ đứa trẻ sinh ra không thể qua khỏi hoặc gặp biến chứng nặng giao động từ khoảng dưới 2% tới 3%. Như vậy, nhìn vào tổng thể, khoảng 97% các em bé và 99% các bà mẹ không gặp phải vấn đề nghiêm trọng nào.
Một số khác biệt trong nguy cơ xảy ra biến chứng khi mang thai dường như có liên quan đến khoảng cách giữa các lần mang thai. Nghiên cứu trên các phụ nữ mang thai ở những lần tiếp theo cho thấy:
- Khoảng cách giữa các lần mang thai ngắn hơn có thể làm tăng tỷ lệ sinh non, trẻ nhỏ hơn bình thường và thai chết lưu hoặc tử vong ở trẻ sơ sinh.
- Đối với những phụ nữ sinh mổ, khoảng thời gian giữa các lần mang thai quá ngắn (ít hơn 6 tháng) còn làm tăng nguy cơ biến chứng sẹo, gây vỡ tử cung trong lần mang thai tiếp theo.
- Khoảng cách giữa các lần mang thai dài hơn 5 năm có thể làm tăng tỷ lệ bị tiền sản giật, sinh non và trẻ sinh ra bị nhỏ hơn bình thường.
Những yếu tố khác gồm những gì?
Sự khác biệt trong các biến chứng liên quan tới khoảng cách giữa các lần mang thai và các yếu tố khác như tuổi của người mẹ hiện vẫn đang được tranh cãi.
Một mặt, có những lý do về mặt sinh học cho thấy tại sao thời gian giữa các lần mang bầu ngắn hoặc dài hơn có thể dẫn đến biến chứng.
Nếu khoảng cách quá ngắn, người mẹ có thể không có đủ thời gian để hồi phục sau những căng thẳng trong quá trình mang bầu và cho con bú. Họ cũng có thể không hồi phục hoàn toàn về tâm lý sau trải nghiệm sinh con ban đầu và chưa có nhu cầu làm mẹ thên lần nữa.
Trong khi đó, nếu khoảng cách quá dài, sự thích ứng của cơ thể đối với lần mang thai trước đó sẽ mất đi, gây trở ngại cho người phụ nữ trong quá trình mang thai muộn.
Nghiên cứu cũng cho thấy nhiều phụ nữ có khoảng cách giữa các lần mang thai ngắn do họ còn quá trẻ hoặc ít được giáo dục. Điều này khiến họ có nguy cơ gặp biến chứng khi mang thai lần tiếp theo cao hơn.
Mặc dù vậy, kết luận từ nghiên cứu cho rằng nguy cơ gặp biến chứng tăng lên một cách khiêm tốn đối với những phụ nữ lớn tuổi (trên 35 tuổi) khi thời gian giữa các lần mang thai thấp hơn 6 tháng so với khoảng cách giữa những lần mang bầu từ 12 đến 24 tháng.
Kết luận
Theo kết quả nghiên cứu từ những năm 1990 và đầu những năm 2000, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo khoảng cách giữa những lần mang thai tối thiểu nên là 24 tháng.
Các nghiên cứu gần đây hơn cho thấy đối với phần lớn phụ nữ, đặc biệt là những người có sức khỏe tốt và không gặp biến chứng trong lần sinh đầu tiên, mong muốn của họ về khoảng cách tuổi giữa các thành viên trong gia đình nên là yếu tố chính cần quan tâm để đưa ra quyết định về khoảng cách giữa các lần mang thai.
Một cuộc khảo sát thực hiện năm 2017 trên hơn 1 triệu bà bầu cho thấy, so với những người chọn khoảng cách giữa những lần mang bầu từ 6 đến 12 tháng hoặc hơn 12 tháng, những người lựa chọn khoảng cách ngắn hơn 6 tháng có nguy cơ sảy thai và sinh non thấp hơn, thậm chí nguy cơ bị tiền sản giật và trẻ sinh ra nhỏ hơn bình thường cũng ở mức thấp.
Bạn đang xem bài viết Phụ nữ nên 'nghỉ ngơi' bao lâu giữa những lần mang thai? tại chuyên mục Tin y tế của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].