Các thửa đất có diện tích từ 48,7 - 72,1 m2, giá khởi điểm từ 22,8 - 32,2 triệu/m2, khoảng tiền đặt trước từ 221,9 - 436,3 triệu/thửa.
Đơn vị thực hiện cuộc đấu giá là Công ty Đấu giá Hợp danh số 5 - Quốc gia. Người tham gia sẽ bỏ phiếu trực tiếp nhiều vòng tại cuộc đấu giá theo phương thức trả giá lên.
Trong số các thửa đất trên, địa bàn phường Phú Lương có 17 thửa ở khu Hạ Khâu (đấu giá tối thiểu qua 5 vòng đấu bắt buộc), 1 thửa ở khu Đống Đanh - Đồng Cộc (tối thiểu 11 vòng), 1 thửa ở khu Đồng Bo - Đồng Chúc - Cửa Cầu - Đồng Men (khu B) (tối thiểu 6 vòng); phường Yên Nghĩa có 2 thửa ở khu Sau Chùa (X8) (tối thiểu 6 vòng) và phường Dương Nội có 6 thửa ở khu Dược (X7) (tối thiểu 7 vòng).
Giá khởi điểm của vòng đấu giá số 1 là giá khởi điểm đã được UBND quận Hà Đông (TP Hà Nội) phê duyệt và được thông báo công khai trước cuộc đấu giá. Từ vòng đấu giá số 2 trở đi, giá khởi điểm của vòng đấu giá tiếp theo là giá trả hợp lệ cao nhất ở vòng đấu giá trước liền kề.
Trường hợp tại vòng đấu trước liền kề mà giá trả hợp lệ cao nhất bằng giá khởi điểm của vòng đấu giá, thì giá khởi điểm của vòng đấu tiếp theo bằng giá khởi điểm của vòng đấu trước liền kề cộng thêm một bước giá. Bước giá áp dụng chung đối với các thửa đất và trong các vòng đấu giá là 10 triệu/m2.
Sau khoảng 1,5 giờ diễn ra phiên đấu giá quyền sử dụng đất, nhiều nhà đầu tư đã có mặt tại địa điểm tổ chức để chuẩn bị thủ tục vào phòng đấu giá. Ngoài ra, nhiều môi giới nhà đất, người dân quan tâm cũng có mặt để cập nhật diễn biến mới của thị trường đất nền Thủ đô.
Phiên đấu giá đất của quận Hà Đông hôm nay có 15 người không đủ điều kiện tham gia đấu giá do không nộp, nộp thiếu hoặc nộp khoản tiền đặt trước sau thời hạn theo quy định. Phiên chợ đất này diễn ra trong bối cảnh Hà Nội (cùng nhiều địa phương khác của cả nước) đang vào cuộc kiểm soát giá bất động sản và hoạt động đấu giá đất.
Vừa qua vào tháng 9, UBND TP Hà Nội đã gửi văn bản tới các sở, ngành, các quận, huyện, thị xã về công tác đấu giá quyền sử dụng đất. Theo đó, lãnh đạo thành phố yêu cầu UBND cấp huyện lập danh sách các trường hợp trả giá cao hơn thị trường để trúng đấu giá nhưng không nộp tiền. Danh sách này sẽ được công khai trên trang thông tin của các huyện, Sở Tài nguyên và Môi trường.
Công an thành phố có trách nhiệm phát hiện vi phạm trong công tác đấu giá đất; đồng thời đề xuất giải pháp ngăn chặn hoặc hạn chế việc tiếp tục tham gia đấu giá đối với các trường hợp đã từng tham gia đấu giá, trả giá cao bất thường để trúng đấu giá nhưng sau đó không nộp tiền.
Các đơn vị tổ chức đấu giá đất xem xét việc quy định bước giá, hình thức đấu giá (đấu nhiều vòng bắt buộc) đảm bảo tính cạnh tranh và sát giá thị trường.
Ngoài ra, TP. Hà Nội còn chỉ đạo các đơn vị liên quan tiếp tục hoàn thiện quy định về đấu giá đất, trong đó hạn chế tổ chức đấu giá để giao đất cho cá nhân tự xây dựng nhà ở.
Thay vào đó, thành phố sẽ ưu tiên việc đấu giá đất có thu tiền sử dụng, cho thuê đất với đối tượng là tổ chức để thực hiện dự án đầu tư, đảm bảo lựa chọn được chủ đầu tư có đủ năng lực thực hiện dự án đầu tư theo quy định, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng đất.
Hoàng NamBạn đang xem bài viết Phiên đấu giá quyền sử dụng 27 thửa đất ở Hà Đông (Hà Nội) đã diễn ra vào hôm nay 19/10 tại chuyên mục Thị trường - Giá cả của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].