Nếu đủ điều kiện chuyển đất ao, đất vườn lên đất thổ cư thì người dân phải nộp 3 loại chi phí: tiền sử dụng đất, lệ phí trước bạ và phí thẩm định hồ sơ.
1. Cách tính tiền sử dụng đất khi chuyển lên đất thổ cư
Chuyển đất vườn, ao lên đất thổ cư gồm nhiều trường hợp khác nhau, với mỗi trường hợp thì tiền sử dụng đất cũng được tính theo các công thức khác nhau, cụ thể:
1.1. Chuyển từ đất vườn, ao trong cùng thửa đất có nhà ở lên đất thổ cư
Điểm a khoản 2 Điều 5 Nghị định 45/2014/NĐ-CP quy định đối tượng áp dụng và cách tính tiền sử dụng đất khi chuyển mục đích sử dụng đất từ đất vườn, ao trong cùng thửa đất có nhà ở lên đất thổ cư như sau:
* Trường hợp áp dụng
- Áp dụng đối với trường hợp chuyển từ đất vườn, ao trong cùng thửa đất có nhà ở thuộc khu dân cư không được công nhận là đất ở sang đất ở.
- Áp dụng khi chuyển từ đất có nguồn gốc là đất vườn, ao gắn liền nhà ở nhưng người sử dụng đất tách ra để chuyển quyền hoặc do đơn vị đo đạc khi đo vẽ bản đồ địa chính từ trước ngày 01/7/2004 đã tự đo đạc để tách thành các thửa riêng sang đất ở.
* Cách tính tiền sử dụng đất
Tiền sử dụng đất phải nộp = 50% x Tiền sử dụng đất tính theo giá đất ở - Tiền sử dụng đất tính theo giá đất nông nghiệp
Lưu ý: Tiền sử dụng đất theo giá đất ở, đất nông nghiệp được tính tại thời điểm có quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng đất.
1.2. Chuyển từ đất vườn, ao khi thuộc đất nông nghiệp được giao không thu tiền sử dụng đất lên đất thổ cư
Điểm b khoản 2 Điều 5 Nghị định 45/2014/NĐ-CP quy định cách tính tiền sử dụng đất đối với trường hợp này như sau:
Tiền sử dụng đất phải nộp = Tiền sử dụng đất theo giá đất ở - Tiền sử dụng đất tính theo giá đất nông nghiệp
1.3. Chuyển từ đất vườn, ao có nguồn gốc do nhận chuyển nhượng lên đất thổ cư
Căn cứ vào nguồn gốc chuyển nhượng mà áp dụng một trong hai công thức trên để tính tiền sử dụng đất (nộp 50% tiền chênh lệch giữa đất ở với đất nông nghiệp nếu thuộc trường hợp 1.1 hoặc phải nộp 100% tiền chênh lệch nếu thuộc trường hợp 1.2).
2. Cách tính lệ phí trước bạ khi chuyển lên đất thổ cư
* Trường hợp áp dụng
Về nguyên tắc khi chuyển mục đích sử dụng đất không phải nộp lệ phí trước bạ vì không phát sinh việc đăng ký quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, vẫn có trường hợp ngoại lệ duy nhất phải nộp khoản lệ phí này, đó là:
Trường hợp đã được cấp Giấy chứng nhận (Sổ đỏ, Sổ hồng) mà không phải nộp lệ phí trước bạ, sau đó được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng đất theo mục đích sử dụng mới thuộc diện phải nộp lệ phí trước bạ (theo tiết c.3 điểm c khoản 1 Điều 3 Thông tư 301/2016/TT-BTC).
* Cách tính lệ phí trước bạ phải nộp
Điều 5 Nghị định 140/2016/NĐ-CP và khoản 2 Điều 1 Nghị định 20/2019/NĐ-CP quy định công thức tính lệ phí trước bạ như sau:
Lệ phí trước bạ phải nộp = 0.5% x (Giá 01 m2 đất tại bảng giá đất x Diện tích chuyển lên đất ở)
Lưu ý: Giá đất tính lệ phí trước bạ là giá đất theo mục đích sử dụng mới tại bảng giá đất do Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành tại thời điểm tính lệ phí trước bạ.
3. Phí thẩm định hồ sơ khi chuyển lên đất thổ cư
Phí thẩm định hồ sơ khi chuyển mục đích sử dụng đất do Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành và hầu hết các tỉnh, thành không thu khoản phí này.
V.LinhBạn đang xem bài viết 3 loại phí phải nộp khi chuyển đất ao, đất vườn thành đất thổ cư, nhiều nhất là tiền sử dụng đất, hướng dẫn cách tính chi tiết tại chuyên mục Cuộc sống Muôn màu của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].