Báo Điện tử Gia đình Mới

Phát triển kinh tế thảo dược gắn với du lịch: Tiềm năng lớn đang chờ khai phá

Nhiều người nghĩ phát triển dược liệu là trồng cây thuốc và dùng chúng để làm thuốc. Tuy nhiên, còn có hướng phát triển kinh tế thảo dược nữa, đó là phát triển dược liệu gắn với du lịch. Đây là tiềm năng lớn đang chờ các địa phương khai phá.

Khai thác lợi thế để phát triển kinh tế thảo dược

Theo PGS.TS Trần Văn Ơn, Nguyên Trưởng Bộ môn Thực vật, trường ĐH Dược Hà Nội, việc phát triển thảo dược cần được xem xét một cách tổng thể, từ đó khai thác tối đa các lợi thế của nguồn tài nguyên này.

Vị chuyên gia này cho rằng, Việt Nam có lợi thế rất lớn về thảo dược, với hơn 5.000 loài cây thuốc. Đây là kho tàng rất lớn để lựa chọn, từ đó tạo ra các sản phẩm phục vụ chăm sóc sức khỏe và chữa trị bệnh tật.

Việt Nam có nhiều loài dược liệu quý về công dụng chữa bệnh lẫn giá trị về mặt kinh tế

Việt Nam có nhiều loài dược liệu quý về công dụng chữa bệnh lẫn giá trị về mặt kinh tế

Bên cạnh đó, Việt Nam là quốc gia đa dạng sắc tộc, với 54 dân tộc khác nhau. Mỗi dân tộc có tri thức sử dụng dược liệu, nền văn hóa riêng và quan trọng nhất là không bị đứt đoạn trong thời kỳ thực dân như nhiều quốc gia khác. Đây cũng là kho tàng rất lớn để tạo ra các sản phẩm phục vụ chăm sóc sức khỏe, chữa trị bệnh tật và các dịch vụ du lịch văn hóa.

Ngoài ra, Việt Nam còn có địa hình đa dạng, cảnh quan đẹp, gồm hơn 40.000 thắng cảnh và di tích, 32 vườn quốc gia, gần 1.000 hang động, từ đó giúp phát triển kinh tế du lịch.

Nếu các doanh nghiệp Việt Nam có thể gắn phát triển các sản phẩm hàng hóa từ dược liệu với các sản phẩm dịch vụ về văn hóa và du lịch, có thể tạo một ngành kinh tế "lai" dựa trên nền tảng văn hóa - cảnh quan - thảo dược, thì sẽ đem lại lợi ích kinh tế rất lớn.

PGS.TS Trần Văn Ơn cũng nhấn mạnh rằng, nếu chúng ta nghiêm túc nhìn nhận lại việc phát triển dược liệu theo hướng là một “ngành” kinh tế, thì thảo dược có thể mang lại giá trị hàng chục tỉ đô la cho nền kinh tế đất nước.

PGS.TS Trần Văn Ơn, Nguyên Trưởng Bộ môn Thực vật, trường ĐH Dược Hà Nội

PGS.TS Trần Văn Ơn, Nguyên Trưởng Bộ môn Thực vật, trường ĐH Dược Hà Nội

Tiềm năng phát triển kinh tế dược liệu gắn với du lịch

Theo PGS.TS Trần Văn Ơn, nhiều người thường nghĩ thảo dược chỉ được dùng để làm thuốc. Nhưng thực tế, ngoài phát triển dược liệu theo cách truyền thống là sản xuất dược liệu cho y học cổ truyền, công nghiệp dược,… dựa trên các cách làm tại các địa phương, còn có thể có hướng nữa đó là phát triển dược liệu gắn với du lịch, dựa trên khai thác lợi thế so sánh về đa dạng sinh học, cảnh quan và văn hóa các dân tộc bản địa.

Cụ thể, PGS Ơn chỉ rõ, nếu khai thác dược tính, chúng ta có thể tạo ra một tháp sản phẩm với 3 tầng gồm:

- Tầng 1 là các sản phẩm chăm sóc sức khỏe, như đồ ăn, thức uống, sản phẩm chăm sóc gia đình;

- Tầng 2 là các sản phẩm “hỗ trợ điều trị”như gồm thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, hương trị liệu cũng có dung lượng khổng lồ;

- Tầng 3 là các sản phẩm điều trị, được gọi là “thuốc”, gồm dược liệu thô, thuốc phiến, thuốc Y học cổ truyền, thuốc từ dược liệu và thuốc Y học hiện đại mà ta quen gọi là thuốc Tây. Cũng có thể tạo ra các sản phẩm trung gian như cao dược liệu chuẩn hóa, chất tinh khiết dùng để sản xuất ra sản phẩm chăm sóc sức khỏe và điều trị.

Và rất dễ để nhận thấy rằng, càng lên tầng cao của tháp thì dung lượng thị trường càng nhỏ và càng khó thực hiện do các yêu cầu khắt khe hơn.

kinh-te-thao-duoc1

Còn nếu khai thác khía cạnh văn hóa, cảnh quan, PGS.TS Trần Văn Ơn cho rằng có thể tạo ra tháp thứ hai, gọi là tháp dịch vụ, bao gồm:

- Tầng 1 là các sản phẩm dịch vụ như ẩm thực thảo dược của các dân tộc;

- Tầng 2 là du lịch sức khỏe (wellness tourism), trong đó gắn du lịch với nghỉ ngơi, thư giãn, tăng cường sức khỏe thể chất và tinh thần, thông qua cung ứng các trải nghiệm nhằm thỏa mãn nhu cầu chăm sóc sức khỏe của du khách tại các điểm đến, như nghỉ dưỡng đi kèm tham gia các khóa tập thể dục dưỡng sinh, thiền, tắm lá thuốc, tắm khoáng nóng, kết hợp tham quan và trải nghiệm tại các vùng trồng thảo dược, khám phá bản địa, chăm sóc sức khỏe bằng các bài thuốc dân gian đặc trưng vùng miền, ăn các món ăn, uống đồ uống từ thảo dược, từ đó phục hồi sức khỏe, giảm cân, cũng như chữa các bệnh của thời đại, như: stress, mỡ trong máu, áp huyết, tiểu đường,...;

- Tầng 3 là du lịch điều trị. Giống như nhiều người trong nước đi ra nước ngoài điều trị ung thư, nhưng ở đây là điều trị các bệnh dựa trên nền tảng Y học cổ truyền và Y học dân gian. Đây là điều khó làm nhất.

PGS.TS Trần Văn Ơn cho rằng, để phát triển kinh tế thảo dược dựa trên nền văn hóa thảo dược thì cần hình thành các mô hình phát triển vùng trồng, chế biến, sản xuất tại cộng đồng, các điểm dừng chân, các vườn thảo dược,… gắn với du lịch (văn hóa, trải nghiệm, nghỉ dưỡng/chữa bệnh,…).

Đồng quan điểm đó, ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng cho rằng, phát triển dược liệu đang là thế mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng có giá trị kinh tế cao tại các tỉnh miền núi. Tuy nhiên, các địa phương và doanh nghiệp trồng dược liệu đang gặp khó khăn về đầu ra, khó khăn trong việc nâng cao giá trị thương hiệu và giá bán dược liệu. Để giải quyết những khó khăn này đòi hỏi cần đổi mới sáng tạo để phát triển chuỗi giá trị dược liệu gắn với du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm, du lịch cộng đồng.

Tại tỉnh Lào Cai, phát huy thế mạnh về tiềm năng dược liệu phong phú cùng với nhiều cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp, tỉnh đang chú trọng khai thác và phát triển, gắn các sản phẩm hàng hóa từ dược liệu với các sản phẩm dịch vụ về văn hóa và du lịch. Cùng với đó, Lào Cai còn quan tâm phát triển du lịch gắn với các sản phẩm OCOP, tạo ra các sản phẩm từ dược liệu như thuốc dược liệu, thuốc y học cổ truyền, trà túi lọc, cao đặc, cao lỏng, cao khô, …phù hợp với nhu cầu sử dụng của người tiêu dùng.

Đến nay, Lào Cai có khoảng 163 sản phẩm được công nhận OCOP từ 3 sao trở lên, trong đó có nhiều sản phẩm từ thảo dược như: Cao phun sương Actiso Sa Pa; Cao mềm Actiso Sa Pa; Trà túi lọc Linh chi; Trà phun sương Actiso Sa Pa; Trà túi lọc dây leo Sa Pa; Trà túi lọc giảo cổ lam Sa Pa; Trà tam thất… Đây là những sản phẩm hấp dẫn khách du lịch khi đến với Lào Cai.

Hiện, các mô hình sản xuất dược liệu kết hợp du lịch tại Lào Cai cũng ngày càng phát triển, đặc biệt là các mô hình du lịch dịch vụ tắm thuốc, ngâm chân, xông hơi… Bên cạnh đó là hình thành các điểm du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm gắn với dược liệu tại Sa Pa, Bắc Hà, Bát Xát, Bảo Yên.

Tương tự tại tỉnh Lai Châu, những năm vừa qua tỉnh xác định phát triển dược liệu là hướng đi phù hợp nhằm thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, khai thác tiềm năng, thế mạnh địa phương, đảm bảo thêm thu nhập ổn định và giảm nghèo bền vững cho người dân đồng bào dân tộc thiểu số. Cùng với phát triển dược liệu, Lai Châu cũng đẩy mạnh phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng dưới tán rừng; khuyến khích đồng bào, doanh nghiệp kết hợp xây dựng các mô hình du lịch sinh thái kết hợp với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe từ thảo dược địa phương như ngâm chân thảo dược, tắm thảo dược... để hút khách du lịch. Năm 2022 du lịch Lai Châu đón khoảng 762.000 lượt khách du lịch; trong đó khách nội địa 758.800 lượt, khách quốc tế 3.200 lượt; tổng doanh thu từ du lịch giai đoạn 2011 - 2020 đạt 3.188 tỷ đồng, doanh thu năm 2022 đạt trên 550 tỷ đồng. Qua đó tạo công ăn việc làm, thu nhập cho đồng bào dân tộc và ngân sách địa phương.

Linh Nhi/giadinhmoi.vn

Tin liên quan

Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO