3 bài thuốc ngâm chân tại nhà bằng những thảo dược dễ kiếm, giúp cơ thể khỏe mạnh, sống lâu

Ngâm chân tại nhà bằng thảo dược là cách làm đơn nhưng đem lại hiệu quả tích cực, giúp cơ thể luôn khỏe mạnh, phòng ngừa bệnh tật, giảm stress, đau mỏi xương khớp, kéo dài tuổi thọ…

Tác dụng của xoa bóp, ngâm chân bằng thảo dược

Theo quan niệm Y học Cổ truyền, lục phủ ngũ tạng có các vùng tương ứng trên lòng bàn chân như:

  • Ngón chân cái là đường thông của 2 kinh Can, Tỳ có tác dụng sơ can kiện tù, tăng cảm giác ăn ngon miệng, chữa trị một số bệnh về gan mật;
  • Ngón thứ tư thuộc Đởm kinh, có thể phòng ngừa táo bón, bí tiểu, đau sườn;
  • Ngón út thuộc Bàng quang kinh có thể chữa chứng đái dầm của trẻ em, bệnh lý về kinh nguyệt;
  • Lòng bàn chân thuộc Thận kinh có thể trị bệnh về tạng thận, thể chất hư nhược.

Do đó, việc thường xuyên ngâm chân bằng thảo dược kết hợp xoa bóp gan bàn chân có thể phòng tránh và điều trị nhiều mặt bệnh.

Thường xuyên xoa bóp bàn chân sẽ làm mạch máu ở chân giãn ra, lượng máu lưu thông tăng, cải thiện trạng thái dinh dưỡng cục bộ, tăng tính đàn hồi cho mạch máu dưới da, có tác dụng chữa trị hữu hiệu các chứng đau đầu, chóng mặt, mất ngủ do suy nhược thần kinh. Người già thường xuyên xát nóng gan bàn chân có thể giảm được các triệu chứng tê, lạnh chân.

Phương pháp xoa bóp, ngâm chân thảo dược nên thực hiện trước khi ngủ và sau khi thức dậy. Cần rửa chân sạch sẽ và ngâm chân trong thảo dược trước. Sau đó lau khô chân và dùng ngón tay cái xoa bóp, chà xát theo trình tự chiều ngang của bàn chân trước, chiều dọc sau, cuối cùng xoa theo vòng tròn cho đến khi gan bàn chân nóng rực lên.

Ngâm chân tại nhà bằng thảo dược đem lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, giúp kéo dài tuổi thọ. Ảnh minh họa

Ngâm chân tại nhà bằng thảo dược đem lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, giúp kéo dài tuổi thọ. Ảnh minh họa

3 bài thuốc ngâm chân tại nhà bằng những thảo dược dễ kiếm

Theo hướng dẫn của bác sĩ khoa Y học cổ truyền, BV Trung ương Quân đội 108, người dân có thể tự làm 3 loại nước ngâm chân tại nhà bằng các loại thảo dược dễ kiếm như sau:

1. Ngâm chân bằng nước gừng tươi

Nước gừng tươi có tác dụng tốt với người sợ lạnh hoặc thường xuyên bị lạnh chân tay, giúp tuần hoàn máu tốt. 

Cách làm: Gừng tươi 20 - 30g, đập dập, cho vào khoảng nửa nồi nước, đậy kín vung để tránh làm bay hơi một số chất trong gừng, đun sôi trong khoảng 10 phút. Đổ toàn bộ nước và gừng đã đun vào chậu pha thêm nước lạnh khoảng 40 độ là ngâm được.

2. Ngâm chân bằng nước ngải cứu

Ngải cứu là một loại thảo dược có tác dụng cải thiện chức năng phổi, rất tốt đối với các bệnh nhân viêm phế quản mạn tính và những người thường xuyên bị ho có đờm.

Cách làm: Ngải cứu tươi 20 - 30g, cho vào nửa nồi nước đậy vung kín đun sôi khoảng 10 phút, sau đó đổ cả lá và nước pha thêm nước lạnh cho nhiệt độ khoảng 40 độ thì ngâm hai chân. Không được ngâm quá mắt cá chân.

3. Ngâm chân bằng nước hoa hồng

Hồng hoa có tác dụng hoạt huyết thông kinh, tiêu ứ, giảm đau. Dùng tốt cho người thường bị chứng tê cóng hoặc da bị nứt nẻ khi trời lạnh.

Cách làm: Lấy 10 - 15g hồng hoa cho vào nồi đổ nước, đậy vung kín đun sôi khoảng 10 phút, đổ cả nước và bã ra chậu, pha thêm nước lạnh cho nhiệt độ khoảng 40 độ là được.

Khi ngâm chân có thể kết hợp nhiều loại thảo dược trên và ngâm thảo dược trong nước khoảng 15 - 30 phút trước khi nấu để hoạt chất trong dược liệu dễ hòa tan hơn. Tùy vào điều kiện, thùng ngâm chân có thể dùng thùng nhôm hoặc thùng gỗ, có chiều cao lên tới gối, nếu được thùng gỗ càng tốt.

Nước thuốc có thể pha thêm nước lạnh sao cho độ ấm khoảng 40 độ C là vừa, lượng ít hay nhiều tùy người sử dụng.

Khi ngâm chân, không nên nhúng ngay bàn chân vào chậu nước mà nên đặt bàn chân cách mặt nước một khoảng để xông hơi trước, vừa giúp chân không bị “sốc nhiệt” và giúp mở lỗ chân lông. Sau đó từ từ hạ bàn chân sát mặt nước rồi mới ngâm cả chân.

Ngâm chân thảo dược rất tốt cho sức khỏe, tuy nhiên không phải bài thuốc ngâm chân thảo dược nào cũng phù hợp với tất cả mọi người và không phải ai cũng có thể sử dụng phương pháp ngâm chân. Với những người có bệnh nền như suy giãn tĩnh mạch chi dưới, bệnh lý thần kinh ngoại vi do biến chứng của đái tháo đường… thì không nên áp dụng phương pháp ngâm chân. Do đó, người mắc các bệnh nói trên cần tham vấn ý kiến bác sĩ Đông y để có biện pháp chăm sóc sức khỏe phù hợp nhất.

An An

Tin liên quan

từ khóa Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO Bất động sản- Tài chính